Hải Dương là địa phương có đất đai màu mỡ cùng với những người nông dân dày dặn kinh nghiệm canh tác, sản xuất nhiều loại cây trồng có giá trị kinh tế cao và được ví như “vựa nông sản” của miền Bắc.
8 nhóm nông sản chủ lực
Sở Công Thương tỉnh Hải Dương cho biết, trong những năm qua, nhiều sản phẩm nông nghiệp của tỉnh đã và đang được đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển đổi số, cấp mã số vùng trồng, cấp chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, gắn mã truy xuất nguồn gốc và hình thành mô hình chuỗi liên kết…
Hiện Hải Dương có khoảng 125.000 ha trồng lúa, sản lượng 750.000 tấn/năm, trong đó có khoảng 60% là lúa gạo chất lượng cao. Tổng diện tích cây ăn quả toàn tỉnh trên 21.000 ha, sản lượng khoảng 300.000 tấn/năm, với các loại quả như vải thiều, nhãn, ổi, na, thanh long, cam…
Trong đó, vải thiều là cây đặc sản, chất lượng cao có thương hiệu trên thị trường, đã được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý, sản lượng khoảng 60.000-65.000 tấn/năm (thu hoạch tập trung từ cuối tháng 5 đến tháng 6 hàng năm). Thị trường tiêu thụ chủ yếu trong nước và xuất khẩu sang một số thị trường lớn như Trung Quốc, Nhật Bản, Pháp, Mỹ, Hàn Quốc, Malaysia, Đài Loan (Trung Quốc), Bỉ, Hà Lan, Cộng hòa Séc, Thái Lan, Singapore, một số nước thuộc khu vực Trung Đông…
Sản phẩm nhãn quả tươi cho sản lượng khoảng 13.000 tấn/năm, tập trung chủ yếu tại thành phố Chí Linh 673 ha; sản lượng ổi khoảng 72.000 tấn (thu hoạch tập trung từ tháng 9 năm trước đến tháng 2 năm sau); sản lượng na trên 13.000 tấn/năm (Hải Dương là vùng trồng lớn thứ 3 của miền Bắc, thu hoạch tập trung trong quý 3 hàng năm)…
Bên cạnh đó, tổng diện tích rau màu của Hải Dương luôn duy trì khoảng gần 40.000 ha; tổng sản lượng 900.000 tấn/năm. Trong đó 80% là cây rau, 20% còn lại là cây màu.
Một số loại sản phẩm tiêu biểu như hành, tỏi có sản lượng 105.000 tấn, thu hoạch chủ yếu trong vụ Đông hàng năm (từ tháng 12 năm trước đến tháng 1 năm sau); cà chua 26.000 tấn (thu hoạch từ tháng 12 năm trước đến tháng 1 năm sau); dưa hấu, dưa lê trên 70.000 tấn (thu hoạch từ tháng 3 đến tháng 6 hàng năm); củ đậu 35.000 tấn (thu hoạch từ tháng 11 năm trước đến tháng 1 năm sau).
Khoai tây, su hào, cải bắp, su lơ có tổng sản lượng khoảng 160.000 tấn. Trong đó, khoai tây là 20.000 tấn; su hào, cải bắp, su lơ khoảng 140.000 tấn; thu hoạch chủ yếu trong vụ Đông hàng năm (từ tháng 12 năm trước đến tháng 1 năm sau).
Hải Dương hiện có 8 nhóm nông sản chủ lực và 234 sản phẩm OCOP chất lượng cao. Trong đó, nhiều sản phẩm nông nghiệp được xuất khẩu với số lượng lớn, thị trường xuất khẩu được mở rộng sang nhiều nước, nhất là các thị trường cao cấp như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… đem lại giá trị kinh tế cao.
Khẳng định thương hiệu cà rốt
Đối với cà rốt, đây là một trong 8 sản phẩm nông sản chủ lực của Hải Dương; được sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, trên vùng đất bãi phù sa ven các sông Thái Bình, Kinh Thầy… chủ yếu tại các huyện, thành phố như Cẩm Giàng, Nam Sách, Chí Linh, Ninh Giang… Trong đó nhiều nhất là tại xã Đức Chính (huyện Cẩm Giàng), đây được coi là thủ phủ cà rốt của tỉnh.
Cà rốt của Hải Dương được bồi đắp, nuôi dưỡng từ phù sa của những con sông lớn, kết hợp với thời tiết khí hậu ôn hòa đã tạo nên chất lượng, hương vị riêng và có độ giòn, vị ngon ngọt đặc trưng.
Năm 2008 cà rốt của Cẩm Giàng được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể, qua đó góp phần khẳng định giá trị và thương hiệu sản phẩm cà rốt của Hải Dương trên thị trường trong nước và quốc tế.
Hàng năm, diện tích gieo trồng cà rốt của Hải Dương duy trì khoảng 1.400 ha, sản lượng trên 70.000 tấn, trong đó, 100% diện tích được sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn (VietGAP, GolobalGAP) phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Thời vụ gieo trồng từ đầu tháng 9 đến đầu tháng 10; thời vụ thu hoạch tập trung từ tháng 1 đến tháng 3 hàng năm. Khoảng 70% sản lượng cà rốt Hải Dương được sơ chế, bảo quản lạnh phục vụ xuất khẩu.
Hiện cà rốt của Hải Dương được xuất khẩu sang thị trường các nước khu vực Trung Đông, Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu, Malaysia, Singapore và Thái Lan,… còn lại 30% tiêu thụ trong nước dạng củ tươi, nước ép, mứt và cà rốt sấy khô cung cấp làm gia vị cho nhà máy chế biến thực phẩm ăn liền.
Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 20 doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở chuyên thu mua cà rốt sơ chế và xuất khẩu; mỗi đơn vị có thể chế biến, đóng gói khoảng 100 tấn cà rốt tươi/ngày…
Đa dạng hóa thị trường
Để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ và xuất khẩu nông sản, hàng hóa trong đó có vải thiều và cà rốt là những sản phẩm chủ lực, có thế mạnh của tỉnh; đồng thời duy trì và mở rộng mạng lưới phân phối, ổn định thị trường tiêu thụ sản phẩm… Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hải Dương Trần Văn Hảo cho biết, trong thời gian tới, Sở sẽ chủ động nghiên cứu xây dựng nội dung xúc tiến thương mại phù hợp, khả thi, xác định các mặt hàng có tiềm năng, thế mạnh, từ đó tập trung nguồn lực để hỗ trợ, phát triển.
Trong đó, sẽ tập trung củng cố và mở rộng thị trường trong nước; đẩy mạnh xuất khẩu hàng hoá, dịch vụ theo phương châm đa dạng hóa thị trường, khai thác hiệu quả các cơ hội mở cửa thị trường từ các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế trong các Hiệp định thương mại tự do để đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu vào các thị trường lớn như EU, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, ASEAN…
Đồng thời, tăng cường khai thác các thị trường còn tiềm năng như Hoa Kỳ, Nga, Đông Âu, Bắc Âu, Ấn Độ, châu Phi, Trung Đông, châu Mỹ La tinh…
Về ngành hàng, sẽ chú trọng xúc tiến xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp chế biến sâu, có lợi thế xuất khẩu; các mặt hàng nông sản, thực phẩm đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn trách nhiệm xã hội và môi trường…