Xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc tăng trưởng 2 con số

4 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu nông lâm thủy sản sang thị trường Trung Quốc chiếm 18,9%, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trung Quốc là thị trường nhập khẩu nông lâm thủy sản đứng thứ 2 của Việt Nam

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong tháng 4/2024, giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 5,14 tỷ USD, tăng 19,7% so với tháng 4/2023; trong đó, nông sản chính 2,83 tỷ USD (tăng 29,2%), lâm sản 1,39 tỷ USD (tăng 18,6%), chăn nuôi 40,8 triệu USD (tăng 5,9%); riêng thủy sản 730 triệu USD (giảm 1,5%).

Khơi thông dòng chảy xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc.

Tính chung, 4 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 19,06 tỷ USD, tăng 23,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Về thị trường, Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nhật Bản tiếp tục là 3 thị trường nhập khẩu lớn nhất nông lâm thủy sản Việt Nam. Trong đó, Trung Quốc đứng vị trí thứ 2, chiếm 18,9% tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm 2023.

Xuất khẩu nông lâm thủy sản tiếp tục ghi nhận những tín hiệu khả quan khi chỉ trong 5 ngày nghỉ lễ 30/4 – 1/5, lực lượng chức năng ở các cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn đã làm thủ tục thông quan cho trên 5.300 phương tiện; trong đó, hơn 2.100 phương tiện là hoa quả xuất khẩu. Tổng trọng lượng nông sản xuất nhập khẩu khoảng trên 55.790 tấn, bao gồm hoa quả các loại, các sản phẩm từ nông sản…

Trong đó, Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị và Tân Thanh vẫn là hai cửa khẩu có hoạt động biên mậu sôi động nhất. Trung tâm Quản lý cửa khẩu (Ban Quản lý khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn), hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa tại các cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn diễn ra ổn định và thông suốt là do sự chủ động của các lực lượng chức năng cửa khẩu, trong việc sớm thông báo đến các doanh nghiệp, chủ hàng về thời gian thông quan.

Cùng với đó, Trung tâm Quản lý cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn triển khai bố trí cán bộ trực làm việc để giải quyết các vấn đề phát sinh. Các đơn vị hải quan phân công lãnh đạo, cán bộ, công chức xử lý các thủ tục hải quan, hướng dẫn doanh nghiệp, chủ hàng thực hiện khai báo hàng hóa trên Hệ thống hải quan điện tử. Lực lượng bộ đội biên phòng bố trí cán bộ trực 24/24 giờ, hướng dẫn điều tiết phân luồng phương tiện ra vào cửa khẩu, không để xảy ra tình trạng ùn ứ xe chở hàng hóa xuất nhập khẩu…

Dòng chảy xuất khẩu tiếp tục được khơi thông

Trong bối cảnh nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới gặp khó khăn, gây tác động mạnh mẽ tới hoạt động ngoại thương của Việt Nam, xuất khẩu hàng hóa nói chung và nông sản nói riêng sang thị trường Trung Quốc vẫn tiếp tục là điểm sáng.

Đáng chú ý, sáng 2/5, đoàn tàu vận chuyển hàng hóa đầu tiên xuất phát từ ga Cao Xá (thuộc địa phận xã Cao An, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương) chính thức khai trương tham gia hành trình liên vận quốc tế. Sự kiện này đánh dấu ga Cao Xá trở thành ga hàng hóa trong mạng lưới vận tải hàng hóa bằng đường sắt, tham gia tích cực vào vận tải hàng hóa nội địa từ Hải Dương đi các tỉnh và ngược lại, đồng thời trở thành một mắt xích quan trọng tham gia vào hành trình vận tải liên vận quốc tế.

Sau lễ khai trương, đoàn tàu gồm 12 container chở lưu huỳnh, nhôm, sữa đóng tại các nhà máy trên địa bàn tỉnh Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên đã khởi hành đến ga Yên Viên để kết nối với các đoàn tàu liên vận quốc tế để xuất khẩu sang Trung Quốc.

Theo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), trong quý II hàng năm, sản lượng trái cây cả nước ước đạt trên 2,6 triệu tấn. Trong đó, chuối khoảng 460.000 tấn, sầu riêng 300.000 tấn, vải thiều 330.000 tấn, nhãn 110.000 tấn. Ngoài ra, hàng trăm nghìn tấn dứa, xoài, cam, thanh long cũng cho thu hoạch. Nguồn cung trái cây rất dồi dào đặt ra áp lực lớn về tiêu thụ khiến có thời điểm giá nhiều loại giảm.

Do đó, cùng với việc tạo điều kiện thuận lợi nhất trong khâu thông quan tại cửa khẩu, việc khơi thông dòng chảy vận chuyển, trong đó có việc đưa thêm tuyến vận tải đường sắt tham gia hành trình liên vận quốc tế sẽ góp phần tạo điều kiện trong khâu vận chuyển, giảm giá thành, thúc đẩy hoạt động xuất khẩu nông sản nói riêng và hàng hóa nói chung của Việt Nam sang thị trường tỷ dân này.

Bên cạnh việc khơi thông thị trường, tạo điều kiện tối đa để hỗ trợ xuất khẩu, để giữ đà tăng trưởng, các doanh nghiệp trong nước cần tuân thủ nghiêm quy định về chất lượng và truy xuất nguồn gốc các sản phẩm, hàng hóa để có thể thâm nhập sâu hơn vào thị trường lớn này, nhất là các khu vực nhiều tiềm năng ở phía Bắc, Đông Bắc của Trung Quốc.

Bộ Công Thương khuyến nghị, doanh nghiệp cần chủ động trao đổi, kết nối thông tin về nhu cầu thị trường và các quy định, chính sách thương mại của Trung Quốc; tích cực tham dự các hội chợ, triển lãm quốc tế để kết nối trực tiếp, đẩy mạnh hoạt động giao thương, hợp tác kinh tế, thương mại ổn định, lâu dài, hiệu quả.

Về phía Bộ Công Thương đã và đang tổ chức nhiều đoàn doanh nghiệp Việt Nam giao dịch, làm việc tại các địa phương và hội chợ ở Trung Quốc để kết nối giao thương trực tiếp cũng như đón nhiều đoàn địa phương và doanh nghiệp Trung Quốc sang làm việc tại Việt Nam. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương phối hợp cùng các địa phương biên giới như Lào Cai tổ chức hội chợ thương mại quốc tế để tăng cường giao lưu thương mại giữa hai bên, đẩy mạnh tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu.

Nguồn: https://congthuong.vn/xuat-khau-nong-san-sang-thi-truong-trung-quoc-tang-truong-2-con-so-317815.html