HTX tìm hướng mở rộng thị trường xuất khẩu

Tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản là một trong những yếu tố quan trọng để các HTX nâng cao hiệu quả sản xuất. Tuy nhiên, vẫn còn hàng loạt vấn đề cần giải quyết nếu muốn mở rộng cánh cửa vào các thị trường xuất khẩu cho nông sản.

Ông Lý Minh Hùng, Giám đốc HTX Thanh Bình (Đồng Nai), cho biết Trung Quốc là thị trường lớn và có nhiều thuận lợi khi quãng đường vận chuyển hàng hóa ngắn hơn so với nhiều thị trường khác.

Không ít khó khăn

Tuy vậy, những năm gần đây, thị trường này đã có nhiều quy định khắt khe hơn đối với hàng hóa nhập khẩu. Đặc biệt, Trung Quốc là thị trường lớn, nên ngoài hàng hóa Việt Nam còn có hàng của nhiều nước khác xuất sang. Do vậy, sức ép cạnh tranh với hàng hóa, nông sản ngày càng cao.

Tìm hướng mở rộng xuất khẩu giúp HTX nâng cao chuỗi giá trị hàng hóa.

Còn theo ông Chí Anh, Nhà sáng lập kiêm CEO của Công ty TNHH XNK Ago, Mỹ yêu cầu thanh long Việt Nam phải được xử lý nhiệt mới nhập khẩu. Thế nhưng, hiện nay, các đơn vị xuất khẩu thanh long ở Bình Thuận phải vận chuyển vào tận TPHCM vì ở đây mới có nhà máy xử lý nhiệt. Tính ra mỗi kg thanh long sẽ mất khoảng hơn 20.000 đồng chi phí xử lý nhiệt.

Có thể thấy, cơ hội xuất khẩu nông sản hàng hóa của các HTX, doanh nghiệp là rất lớn khi Việt Nam đã tham gia 16 hiệp định thương mại tự do (FTA) “phủ khắp” các thị trường lớn như EU, ASEAN, CPTPP… Điều này sẽ tạo lợi thế cạnh tranh rất lớn cho các mặt hàng nông sản chiến lược và có thế mạnh nhờ cam kết cắt giảm thuế quan.

Đồng thời, đây cũng là cơ hội để tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài chất lượng cao vào nông nghiệp, giúp các HTX, doanh nghiệp Việt tham gia sâu vào các chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tuy nhiên, cơ hội lớn thì tính cạnh tranh trong xuất khẩu hàng hóa cũng tăng lên, nhất là khi các tiêu chuẩn chất lượng trong xuất nhập khẩu hàng hóa của các nước rất chặt chẽ và ngày càng nâng cao.

Trong khi đó, việc sản xuất của các HTX, doanh nghiệp Việt gặp không ít khó khăn do thời gian gần đây, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, nhưng chi phí vận chuyển, logistics chưa có dấu hiệu giảm.

Điển hình như khu vực Tây Nguyên – vựa nông sản với nhiều loại cây chủ lực xuất khẩu. Theo ông Ðặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, tình trạng quá tải trong vận chuyển đang xảy ra khi chỉ có Quốc lộ 14 là con đường duy nhất kết nối hầu hết các tỉnh trong vùng với một số tỉnh vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và Duyên hải miền Trung,

Hay như TP HCM, địa phương này cũng chưa có hệ thống đường sắt kết nối với cảng biển. Đáng chú ý, giải ngân đầu tư công 10 tháng đầu năm 2024 thấp, chỉ đạt 22% kế hoạch, cho thấy tình hình đầu tư cơ sở hạ tầng chưa được khả quan.

Khám phá và nắm bắt cơ hội

Là một nước nông nghiệp nên ngoài tiêu dùng trong nước, việc đưa nông sản trở thành sản phẩm thương mại là hướng đi đúng đắn giúp các HTX, nông dân tăng nguồn thu từ nông nghiệp.

Để tìm được đầu ra trong xuất khẩu, giới chuyên gia cho rằng các HTX, doanh nghiệp cần chú trọng vào khâu xây dựng thương hiệu nông sản. Trong đó, chú trọng vào phát triển các thương hiệu nông sản của Việt Nam nói chung, đặc biệt là các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh. Khi thương hiệu mạnh sẽ giúp nâng cao giá trị sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ và gia tăng giá trị cho nông sản.

Bên cạnh đó, việc tích cực tham gia các FTA cũng mở ra nhiều cơ hội mới cho xuất khẩu nông sản.

Ông Chen Peretz, Tham tán Kinh tế và thương mại, Đại sứ quán Israel tại Việt Nam, cho biết FTA Israel-Việt Nam (VIFTA) dự kiến sẽ giảm thuế quan đối với một số lượng lớn hàng hóa và dịch vụ, giúp người tiêu dùng và doanh nghiệp Việt Nam dễ tiếp cận hơn với các sản phẩm của Israel và ngược lại.

Thỏa thuận này đặc biệt quan trọng đối với các lĩnh vực mà Israel và Việt Nam có thế mạnh bổ sung cho nhau, đặc biệt là các giải pháp AgriTech, bao gồm tưới tiêu chính xác, bảo vệ mùa màng và công nghệ nhà kính, có thể đóng góp đáng kể vào ngành nông nghiệp của Việt Nam.

Ngoài da giày, dệt may, VIFTA cũng sẽ giúp hàng nông nghiệp được hưởng lợi từ mức thuế quan thấp hơn, cho phép thâm nhập sâu hơn vào thị trường Israel.

Không chỉ tận dụng lợi thế từ các FTA, giới chuyên gia cho rằng doanh nghiệp và HTX cần quan tâm mở rộng thị trường xuất khẩu bằng cách đẩy mạnh xúc tiến thương mại.

Tuy nhiên, điều này, theo chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy, cần có “bàn tay” của các ngành chức năng, cơ quan quản lý, hiệp hội ngành hàng trong việc hỗ trợ HTX, doanh nghiệp tổ chức giới thiệu sản phẩm cho người tiêu dùng tại các nước mà hàng Việt xuất khẩu tới nhằm tạo dựng niềm tin của người tiêu dùng đối với các mặt hàng mang thương hiệu Việt.

Trong khi đó, hệ thống thương vụ nước ngoài, tham tán thương mại chưa thực sự làm tốt vai trò trong cung cấp thông tin thị trường, tư vấn xuất khẩu, phối hợp tốt với các địa phương, hiệp hội ngành hàng, HTX, doanh nghiệp, nên chưa giúp các HTX, doanh nghiệp nắm bắt tốt các cơ hội và điều kiện xuất khẩu.

Ông Chen Peretz cho biết, việc thông qua các cách thức tiếp cận đa dạng bao gồm: tổ chức phái đoàn thương mại giữa hai quốc gia, các cuộc họp xúc tiến thương mại (B2B) và tham gia các hội nghị và triển lãm thương mại trong nước và quốc tế… sẽ khuyến khích các HTX, doanh nghiệp Việt Nam khám phá và nắm bắt các cơ hội xuất khẩu tại Israel.

Với mong muốn nâng cao khả năng xuất khẩu từ nội lực, ông Chí Anh cho rằng đối với HTX, doanh nghiệp nhỏ cần lên kế hoạch cụ thể từ trung, dài hạn đến ngắn hạn và nên có quỹ dự phòng rủi ro để có “nơi bấu víu” nếu chẳng may gặp khó khăn. Đi cùng đó, HTX cần xây dựng quan hệ với các đơn vị vận chuyển theo hướng bền vững để tối ưu hóa chi phí vận chuyển cũng như hạn chế rủi ro trước tình trạng biến động giá cước.

Nguồn: https://vnbusiness.vn/hop-tac-xa/htx-tim-huong-mo-rong-thi-truong-xuat-khau-1103694.html