Việc mở cửa được thị trường đã khó nhưng giữ được thị trường và phát triển bền vững còn khó hơn, đòi hỏi mỗi nông dân, doanh nghiệp phải nỗ lực thay đổi tư duy sản xuất, đáp ứng các yêu cầu, tiêu chuẩn của từng thị trường.
Tại buổi toạ đàm ngày 13/12 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với Báo Nông thôn ngày nay/Dân Việt tổ chức với chủ đề “Mở cửa thị trường nông sản – cơ hội từ những thị trường khó tính”, báo cáo của Bộ NN&PTNT cho biết, cơ quan này và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã liên tiếp ký các nghị định thư xuất khẩu (XK) chính ngạch nhiều loại trái cây, thực phẩm sang Trung Quốc như: chanh leo, chuối, sầu riêng, khoai lang, tổ yến…
Mới đây, Mỹ cũng đã chính thức mở cửa cho trái bưởi của Việt Nam; quả nhãn, mắc ca cũng được Nhật Bản cho phép XK; New Zealand mở cửa cho trái chanh xanh của Việt Nam; trong khi đó, nhiều loại gạo chất lượng cao của Việt Nam đã xuất hiện ở các siêu thị của Mỹ, EU, Nhật Bản… Những kết quả trong việc mở cửa thị trường đã góp phần giúp XK nông lâm thủy sản của Việt Nam trong 11 tháng năm 2022 đạt khoảng 49,04 tỷ USD, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm 2021.
Tuy vậy, nhiều ý kiến cho rằng, việc mở cửa được thị trường đã khó nhưng giữ được thị trường và phát triển bền vững còn khó hơn, đòi hỏi mỗi nông dân, doanh nghiệp phải nỗ lực thay đổi tư duy sản xuất, đáp ứng các yêu cầu, tiêu chuẩn của từng thị trường.
Theo ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt cho rằng: “Chúng ta cần có kế hoạch sản xuất bài bản, từ khâu phát triển thị trường, duy trì và mở rộng thị trường”. Ông Cường phân tích, thực tế cho thấy, thời gian qua giá vật tư đầu vào tăng cao, đơn cử giá phân bón chiếm tới 20% giá thành sản xuất. Đó là thách thức, nhưng cũng là cơ hội để bà con nông dân nhìn lại cách thức tổ chức sản xuất và tổ chức lại sản xuất để giảm chi phí đầu vào, đạt hiệu quả kinh tế.
Chia sẻ về bức tranh thị trường nông sản Việt Nam năm 2022, ông Đào Thế Anh, Phó Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam chia sẻ, năm 2022, trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn thách thức song ngành nông nghiệp đã đạt được nhiều thành tích ngoạn mục. Trước đây, chúng ta phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên trong năm 2022, Trung Quốc thực hiện chính sách Zero COVID, chuyển hướng sang sản phẩm an toàn và kiểm soát chất lượng nông sản chặt chẽ hơn, không còn là thị trường “dễ tính”. Đây vừa là khó khăn nhưng cũng là động lực cho các doanh nghiệp Việt Nam chuyển đổi mạnh mẽ phương thức sản xuất. Đặc biệt, ngành rau quả đã mở cửa được một loạt các mã trồng xuất khẩu vào Trung Quốc. Đây được xem là thành tích rất lớn và là kết quả bước đầu trong chặng đường 10 năm tới thực hiện chuyển đổi sang nghiệp sinh thái, bền vững và minh bạch.
Có mặt tại tọa đàm, ông Nguyễn Quang Hiếu, Trưởng phòng Hợp tác quốc tế và truyền thông (Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN&PTNT) chia sẻ, năm 2022, một trong những điểm nhấn ấn tượng nhất trong lĩnh vực XK nông lâm thủy sản là mở cửa được nhiều thị trường cho các loại trái cây có ưu thế của Việt Nam.
“Để mở cửa thị trường cho một loại nông sản, chúng ta mất từ 3-5 năm, trước đây chúng ta mất hàng chục năm để mở cửa cho một loại nông sản. Chúng tôi xác định Trung Quốc là thị trường chính của ngành xuất khẩu trái cây Việt Nam, tuy nhiên từ nhiều năm theo đuổi chiến lược các nước đang phát triển, khẳng định giá trị và thương hiệu nông sản Việt, chúng ta đã đa dạng thị trường xuất khẩu nông sản. Đơn cử, chúng tôi lựa chọn Hàn Quốc là một trong những thị trường chiến lược, bởi khi chúng ta thành công với thị trường Hàn Quốc chúng ta sẽ đi đến một nửa thị trường Nhật Bản. Sắp tới đây chúng tôi xuất khẩu quả nhãn đi Nhật Bản. Để chuẩn bị cho quả nhãn đi xuất khẩu Nhật Bản chúng tôi đã bắt đầu xúc tiến thương mại, làm thủ tục chuẩn bị từ năm 2016-2020. Bên cạnh đó, chúng tôi mất 1,5 năm để thí nghiệm các sản phẩm đáp ứng yêu cầu của Nhật”, ông Hiếu cho biết.
Chia sẻ tại tọa đàm, bà Ngô Tường Vy, đại diện Công ty Chánh Thu – một trong những vườn sầu riêng được cấp mã số xuất khẩu sang Trung Quốc bộc bạch: “Sự kiện sầu riêng được XK vào Trung Quốc là sự kiện mà chúng tôi chờ đợi từ rất lâu, để muốn khẳng định rằng, Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính. Họ cũng đang nâng cao các tiêu chuẩn nhập khẩu các loại nông sản, trái cây, trong đó có các mặt hàng đến từ Việt Nam. Chánh Thu thường xuyên cập nhập các thông tin, các yêu cầu từ phía đối tác thông qua Cục Bảo vệ Thực vật. Chúng ta đã mất rất nhiều thời gian để đàm phán, để có được nghị định thư xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc, thời gian đó kéo dài tới 5-6 năm, thì đó cũng là khoảng thời gian để các doanh nghiệp chuẩn bị tốt nhất”, bà Thu cho biết.
Nguồn: https://cand.com.vn/thi-truong/nong-san-viet-nam-pha-rao-vao-cac-thi-truong-kho-tinh-i677613/