(VietQ.vn) – Năm 2022 là một năm thắng lợi của công tác mở cửa thị trường nông sản, nhất là đối với trái cây. Nhiều loại trái cây Việt đã được các thị trường khó tính như Nhật Bản, Mỹ chấp nhận… báo hiệu cho sự lạc quan cho xuất khẩu trái cây trong năm mới Quý Mão 2023.
Liên tiếp phá rào tại các thị trường khó tính
Với sự ưu đãi của thổ nhưỡng, khí hậu, Việt Nam là đất nước có lợi thế cho sự sinh trưởng và phát triển của rất nhiều loại trái cây nhiệt đới được thế giới ưa chuộng. Ông Hoàng Trung- Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, năm 2022 có thể được coi là một năm xuất khẩu trái cây thắng lợi nhất từ trước đến nay, với nhiều loại trái cây Việt Nam đã phá rào được các thị trường khó tính, tiếp cận đến các thị trường lớn trên thế giới.
Năm 2022, Việt Nam đã ký được nhiều nghị định thư xuất khẩu chính ngạch trái cây sang Trung Quốc- thị trường trọng điểm có sức mua lớn với quy mô 1,4 tỷ dân. Ngay đầu năm là xuất khẩu ớt trở lại, rồi đến chanh leo, cuối năm là sầu riêng, chuối và khoai lang đã được phép nhập khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc. Tính đến cuối năm 2022, Việt Nam có 7 loại trái cây xuất khẩu truyền thống sang thị trường này, bao gồm: xoài, thanh long, nhãn, vải, dưa hấu, chôm chôm, mít và 5 loại xuất khẩu theo hình thức ký kết Nghị định thư là: măng cụt, thạch đen, sầu riêng, chuối và khoai lang. Hiện Việt Nam đang xuất khẩu tạm thời với quả chanh leo và ớt tươi. Các mặt hàng đang tiếp tục đàm phán mở cửa thị trường là bưởi, na, dừa, roi, chanh…
Đồng thời, Việt Nam cũng đã xuất khẩu được trái cây sang các thị trường lớn, khó tính như: xuất khẩu nhãn sang Nhật Bản; chanh, bưởi sang thị trường New Zealand. Và mới đây, trái bưởi da xanh đã được xuất khẩu sang thị trường Mỹ sau khi Bộ NN&PTNT cùng các ngành chức năng khơi thông được thị trường này.
Theo ông Hoàng Trung, việc mở cửa được thị trường khó tính, ký kết các Nghị định thư để xuất khẩu chính ngạch nông sản đã tạo điều kiện pháp lý rõ ràng, minh bạch và cũng là tạo động lực cho nông dân Việt Nam sản xuất chuyên nghiệp, bài bản với quy mô lớn hơn. Nhờ đó, chất lượng sản phẩm, giá cả tăng lên. Điển hình, giá sầu riêng đã tăng gấp 3 so với trước khi có nghị định thư xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, tạo ra thu nhập tốt hơn cho người dân.
Đảm bảo chất lượng, minh bạch thông tin
Yêu cầu tiên quyết đối với trái cây xuất khẩu chính ngạch sang các thị trường lớn là phải đảm bảo chất lượng, đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn của nước nhập khẩu về kiểm dịch thực vật và an toàn vệ sinh. Ông Hoàng Trung cho biết, khoai lang xuất khẩu sang Trung Quốc phải áp dụng thực hành nông nghiệp tốt (GAP); phải điều tra giám sát các đối tượng kiểm dịch thực vật mà Tổng cục Hải quan Trung Quốc quan tâm; phải thực hiện các biện pháp kiểm soát hiệu quả nhằm giảm thiểu mức độ nhiễm sinh vật gây hại; phải lưu giữ hồ sơ về giám sát và phòng trừ sinh vật gây hại…
Đối với thị trường Nhật Bản, quả nhãn tươi xuất khẩu sang quốc gia này phải được sản xuất tại các vùng trồng được đăng ký, vận chuyển tới Nhật Bản qua đường biển và hàng không. Để xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản, lô hàng được xử lý kiểm dịch thực vật bằng phương pháp xử lý lạnh, ở mức nhiệt độ dưới 1,3 độ C trong thời gian 13 ngày tại các cơ sở xử lý được phê duyệt. Các lô hàng xuất khẩu nhãn tươi kèm theo giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật do Cục Bảo vệ thực vật cấp…
Với chanh, bưởi xuất khẩu sang New Zealand, vườn trồng được quản lý dịch hại các đối tượng kiểm dịch thực vật mà New Zealand quan tâm và được cấp mã số cùng cơ sở đóng gói. Sản phẩm phải được chiếu xạ kèm và theo giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật.
Theo yêu cầu của các đối tác cũng như thông lệ quốc tế, diện tích vùng trồng được cấp mã số ít nhất phải 10ha trở lên. Các mã số vùng trồng được cấp thời gian qua đều có diện tích trên 10ha, có mã số lên đến hàng trăm ha, tạo điều kiện cho người dân chung tay hợp tác với nhau, áp dụng quy trình kỹ thuật giống nhau, tạo ra sản phẩm đồng đều, đảm bảo chất lượng.
Ông Lê Thanh Hòa- Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam (Bộ NN&PTNT) cho rằng, cần minh bạch hóa thông tin, minh bạch quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Việc thiết lập quản lý vùng trồng theo tiêu chuẩn VietGAP sẽ đảm bảo được tính minh bạch để truy nguyên được nguồn gốc sản phẩm và nâng cao chất lượng cũng như hiệu quả sản xuất nông sản của Việt Nam.
Rộng đường sang các thị trường lớn
Năm 2023 được xác định là khó khăn, thách thức nhiều hơn cơ hội. Là một trong những doanh nghiệp được tham gia xuất khẩu chính ngạch sầu riêng sang Trung Quốc, mới đây là bưởi da xanh sang thị trường Mỹ, Công ty CP Tập đoàn xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu đặt mục tiêu năm 2023 sẽ tăng trưởng gấp đôi doanh số xuất khẩu. Bà Ngô Tường Vy- Tổng Giám đốc Công ty chia sẻ, năm 2023 sẽ là giai đoạn tăng tốc cho 2 sản phẩm là sầu riêng và bưởi. Trong thời gian tới, Chánh Thu tiếp tục nâng cao liên kết cùng nông dân và các đơn vị khác để có được vùng nguyên liệu tốt nhất phục vụ cho xuất khẩu. Chúng tôi sẽ phối hợp với Bến Tre để xây dựng vùng nguyên liệu, hoàn thiện chuỗi để đưa nhiều sản phẩm vào các hệ thống siêu thị lớn của Mỹ- bà Ngô Tường Vy cho hay.
Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật Hoàng Trung cho biết, tiếp nối thành công 2022, chúng ta tiếp tục chiến lược tận dụng các lợi thế sản phẩm trái cây Việt Nam. Với thị trường Trung Quốc, chúng ta sẽ tiếp tục với sản phẩm cây có múi cam, bưởi. Với thị trường các nước phát triển như Mỹ, chúng ta sẽ tiếp tục với sản phẩm chanh dây, dừa; thị trường Australia là chanh dây…
Muốn xuất khẩu vào các thị trường khó, có giá trị cao thì doanh nghiệp phải bỏ tư duy buôn chuyến. “Chúng ta không thể buôn chuyến mãi được, mà phải có bạn hàng, phải liên kết để có những vùng sản xuất đảm bảo yêu cầu mã số vùng trồng của nước xuất khẩu. Bên cạnh đó, cần tổ chức lại sản xuất để vừa giảm chi phí đầu vào, vừa đảm bảo tiêu chí an toàn vệ sinh thực phẩm. Làm được những điều này, trái cây Việt Nam sẽ rộng đường vào các thị trường lớn trong năm 2023”- ông Hoàng Trung khẳng định.
Nguồn: https://vietq.vn/nam-2023–trai-cay-viet-rong-duong-vao-cac-thi-truong-lon-d207539.html