DNVN – Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, để thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu nông sản Việt năm 2023, cần khơi thông mọi động lực của thể chế và tăng trưởng bền vững.
Chia sẻ với Tạp chí Doanh nghiệp Việt Nam nhân dịp đầu Xuân mới, ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho rằng, mặt hàng trái cây của Việt Nam đang có lợi thế so sánh tốt, với các sản phẩm chủ lực như thanh long (sản phẩm xuất khẩu truyền thống), sầu riêng (sản phẩm xuất khẩu mới nổi) đã xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.
Bên cạnh đó, sản phẩm chanh leo Việt Nam hoàn toàn có thể cạnh tranh với các nước như Nam Mỹ, Ecuador, Chi Lê. Rất nhiều doanh nghiệp chế biến sâu của Việt Nam đã đáp ứng được điều kiện về mặt kỹ thuật đối với thị trường nhập khẩu sản phẩm chanh leo. Sản phẩm chanh leo sẽ có đà xuất khẩu lớn trong thời gian tới.
Các sản phẩm organic (hữu cơ) tại Việt Nam, chẳng hạn như sản phẩm dừa Bến Tre, cũng hoàn toàn có thể chinh phục được thị trường khó tính nhất. Dừa có đặc điểm thổ nhưỡng tự nhiên nên có khả năng bảo quản có chu kỳ dài, đây cũng là lợi thế của chúng ta khi đi đường xa.
Đó là chưa kể tới, cà phê, hồ tiêu của Việt Nam đã được khẳng định ở thị trường châu Âu và thị trường châu Mỹ.
Việt Nam đang có môi trường kinh doanh khá ổn định của nền kinh tế vĩ mô, với sự quan tâm rất đặc biệt của Chính phủ và các bộ, ngành. Chưa lúc nào khát khao làm giàu bằng nông nghiệp đến từ những bạn trẻ, người nông dân, doanh nghiệp vừa và nhỏ, coi nông nghiệp vừa là trụ đỡ của nền kinh tế vĩ mô, vừa là cơ hội để khởi nghiệp làm giàu một cách chính đáng như hiện nay.
“ Chúng ta có cơ hội rất lớn giúp cho nền nông nghiệp phát triển bền vững, minh bạch, có trách nhiệm giải trình với cộng đồng quốc tế, trách nhiệm với môi trường. Đó là sự tăng trưởng xanh. Muốn vậy, phải có xu hướng tiêu dùng xanh, có thể thay đổi hành vi tiêu dùng, lựa chọn sản phẩm vừa có giá trị kinh tế, vừa có giá trị xã hội, giá trị môi trường. Đây là con đường đi của Việt Nam khi hội nhập sâu rộng với cộng đồng quốc tế”, ông Toản nói.
Để thúc đẩy mục tiêu tăng trưởng của nông sản xuất khẩu, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho rằng cần bám sát Chiến lược phát triển Nông nghiệp nông thôn bền vững mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt từ đầu năm 2021. Đây là tầm nhìn dài cho sự phát triển bền vững.
Cần khơi thông mọi động lực của thế chế, đặc biệt là chính sách về vốn, tiền tệ và đất đai. Chúng ta đang sửa đổi luật đất đai cũng như nút thắt khác của nền kinh tế cho cộng đồng doanh nghiệp. Doanh nghiệp là thực thể rất quan trọng. Bên cạnh đó là chính sách về hợp tác xã, về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Đồng thời, tiệm cận và khai thác tối đa nguồn lực mới là kinh tế số, bởi vì, trong nông nghiệp, sức tăng trưởng về mặt sản xuất cơ bản rất rõ. Nhưng để tìm động lực mới phải đến từ những điều kiện mới, ở đây là kinh tế số nông nghiệp, xã hội số nông nghiệp. Làm sao mỗi người nông dân trong môi trường kinh tế số đó có thể tiết giảm được mọi chi phí trong sản xuất, quảng bá sản phẩm và kể cả chi phí tiếp cận thị trường.
Kinh tế số trong nông nghiệp đóng vai trò rất quan trọng trong đổi mới sáng tạo để tạo sự liên kết giữa các nhà khoa học, viện nghiên cứu, trường học và các cộng đồng doanh nghiệp với người nông dân, từ đó, tạo ra dư địa mới cho kế hoạch phát triển nông nghiệp thời gian tới.
Bước vào năm 2023, hoạt động xuất khẩu nông sản Việt sẽ gặp thách thức trong quý 1, quý 2 vì sự sụt giảm về đơn hàng. Tuy nhiên, Việt Nam sẽ tận dụng triệt để và có hiệu quả sự mở cửa của thị trường Trung Quốc, thúc đẩy các đơn hàng truyền thống như sản phẩm lâm sản, thủy sản sang thị trường Mỹ và EU.
“Chúng tôi dự báo, kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam năm 2023 đạt 55 tỷ USD. Tuy nhiên, Việt Nam không chạy theo con số tăng trưởng mà phải bảo vệ tăng trưởng bền vững đến cả từ thị trường nội địa, thị trường truyền thống cho mặt hàng này”, ông Toản dự báo.
Để đồng hành với người nông dân, doanh nghiệp nông nghiệp, ông Toản nhấn mạnh cần cải thiện hạ tầng l logistics và hạ tầng thương mại để giảm thiểu chi phí giá thành, giảm thiểu khâu chi phí trung gian qua phân phối nông sản.
Làm sao các chính sách về tiền tệ, vốn giúp cho các hợp tác xã, bà con nông dân và các doanh nghiệp vừa và nhỏ có khả năng hấp thụ vốn đảm bảo sức khỏe tiền tệ, sức khỏe tài chính, đáp ứng nhu cầu kinh doanh nông sản.
“Nông sản Việt cần được tôn vinh ngay chính thị trường nội địa. Điều đó mới thực hiện tốt được Chương trình người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, giúp nông sản Việt có hình ảnh tốt trên chính thị trường nội địa, qua đó, thúc đẩy nông sản vươn ra mạnh mẽ và bền vững trên thị trường quốc tế”, ông Toản nói.