(KTSG) – Nếu chưa thể hoàn toàn chủ động trong cuộc chơi kinh tế ảo, chúng ta vẫn có thể trở thành một mảnh ghép không thể thiếu của nền kinh tế thực. Nông nghiệp sẽ góp một phần quan trọng trong mục tiêu đó?
Từ câu chuyện trái sầu riêng
Cánh cửa cho trái sầu riêng của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc sẽ tiếp tục mở rộng ngay cả khi loại trái cây này đạt được thành tích xuất khẩu 1 tỉ đô la Mỹ trong năm 2023? Tỉnh Quảng Tây – điểm đến đầu tiên của khoảng 90% nông sản Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc đứng thứ 19 về GDP trong số các tỉnh thành của nước láng giềng này.
Nếu đây là thị trường tiêu thụ chính, nó chưa phải nơi tập trung người tiêu dùng sẵn sàng trả mức giá cao nhất cho những sản phẩm chất lượng nhất. Nếu đây là điểm trung chuyển, nói như một vị doanh nhân Việt nhiều kinh nghiệm tại một cuộc hội nghị về xúc tiến thương mại sang thị trường tỉ dân tổ chức mới đây, doanh nghiệp Việt chưa chủ động nghiên cứu để “bán tận nơi” và chúng ta “quá tập trung vào đường bộ mà quên mất đường thủy”.
Những điểm yếu này đều khắc phục được, vậy nên, nói theo kiểu thuận chiều, tiềm năng của nông sản Việt Nam nói chung và trái sầu riêng nói riêng tại thị trường Trung Quốc vẫn rất lớn.
Vậy nhưng, hiện thực hóa tiềm năng này lại là một câu chuyện hoàn toàn khác. Dù xuất khẩu sầu riêng đang là điểm sáng chói trong bức tranh nông sản Việt, nên nhớ rằng, cuộc đàm phán để loại trái này được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc kết thúc khi thị trường này tự thay đổi luật chơi.
Đất nước tỉ dân điều chỉnh các chính sách, quy định theo hướng đặt yêu cầu cao hơn đối với thực phẩm, nông sản nhập khẩu theo các Lệnh 248, 249 và 259 và sau đó, trái sầu riêng nằm trong danh mục những loại nông sản được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, cùng với thanh long, nhãn, chôm chôm, xoài, mít, dưa hấu, chuối, măng cụt, vải, chanh dây, khoai lang và tổ yến.
Xin được lưu ý thêm, ở các loại nông sản nêu trên, đã không xuất hiện kỳ tích như với sầu riêng, loại trái năm 2022 đạt kim ngạch xuất khẩu 421 triệu đô la Mỹ, tăng 137% so với năm 2021, theo số liệu của Tổng cục Hải quan.
Phải chăng, lý do của kỳ tích nằm ở chỗ đây là năm đầu tiên loại trái cây này được phía đối tác nhập khẩu theo kế hoạch và quảng bá rộng rãi? Hay lý do nằm ở lợi thế trời cho đối với sầu riêng Việt, có thể trồng trái vụ để gần như độc bá thị trường trong các tháng cuối năm?
Dự báo về kim ngạch xuất khẩu những tháng đầu năm 2023 rất lạc quan nhưng cũng cần thẳng thắn nhìn nhận thách thức đối với trái sầu riêng sẽ hiện hữu từ tháng 4, khi lần lượt Thái Lan, Malaysia bước vào vụ thu hoạch.
Các nhà sản xuất sầu riêng Thái Lan đã không có đối thủ trên thị trường Trung Quốc từ năm 2020 với sản phẩm chiếm khoảng 40% thị phần Trung Quốc. Malaysia đã công bố kế hoạch tăng diện tích trồng sầu riêng lên gấp 5-10 lần từ năm 2020 tới năm 2025, với đích ngắm là các thượng đế Trung Quốc.
Trong cuộc cạnh tranh trực diện, phần thắng liệu có nghiêng về phía doanh nghiệp Việt khi chúng ta vẫn chưa có những thương hiệu sầu riêng đặc trưng như Mon Thong của Thái Lan hay Musang của Malaysia? Và ngay cả khi đã xuất khẩu chính ngạch, việc buộc phải bán giá rẻ do rủi ro thừa nguồn cung, thậm chí doanh nghiệp nhập khẩu hủy bỏ đơn hàng vẫn có thể xảy ra.
Sầu riêng có cơ hội thắng lớn tại thị trường Trung Quốc nếu chúng ta tập trung sản xuất trái vụ. Dù vậy, trong kịch bản này, diện tích trồng sẽ là bao nhiêu, các biện pháp canh tác cụ thể để cây ra trái đúng thời điểm như thế nào? Và khi sầu riêng Thái Lan, Malaysia đang chính vụ, thay vì thị trường Trung Quốc, có nên tập trung khai thác thị trường nội địa rất sẵn sàng chi mạnh tay cho sầu riêng?
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mới đây đã phải lên tiếng cảnh báo về tình trạng người nông dân tự chặt phá các cây trồng khác, cây xen canh như cà phê, hồ tiêu để trồng sầu riêng. Nếu không có tính toán bài bản và các biện pháp can thiệp đúng chuẩn mực, bản hoan ca của sầu riêng liệu có chuyển thành… sầu ca?
Để nông nghiệp thành trụ đỡ của nền kinh tế
Cơn khủng hoảng các mặt hàng thiết yếu từ giấy vệ sinh cho tới lương thực, thực phẩm đã xuất hiện không chỉ ở những khu vực vốn luôn ở trong tình trạng nguồn cung mong manh như châu Phi mà còn ở tại các quốc gia phát triển châu Âu, hệ quả của việc đứt gãy chuỗi cung ứng do đại dịch Covid-19 và cuộc xung đột Ukraine. Sau những biến cố này, niềm tự hào về dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, kinh tế dịch vụ… vẫn còn nguyên nhưng ngay cả với một quốc gia chưa thể ngẩng cao đầu về những lĩnh vực này, họ vẫn tìm thấy con đường phát triển khác.
Một vị kỹ sư sáng tạo ra công nghệ mới nhất, điều khiển hàng trăm con robot thì vẫn cần những món đồ ăn ngon trên bàn vào mỗi buổi tối. Nếu đáp ứng được nhu cầu thiết yếu này với chất lượng ngày càng cao, nông nghiệp Việt Nam sẽ tìm được chỗ đứng trên bản đồ kinh tế toàn cầu. Vấn đề là chúng ta phải làm sao phát huy tối đa lợi thế và đóng góp được nhiều sáng tạo trong lĩnh vực sản xuất này?
Đầu tiên là cách đặt đầu bài. Từ khi xuất khẩu nông sản dành được vị thế lẽ ra đã phải thuộc về nó, chúng ta thường nghe thấy những mục tiêu xuất khẩu tôm đạt 10 tỉ đô, xuất khẩu cá tra đạt 12 tỉ đô năm 2030, hay mới đây là xuất khẩu sầu riêng đạt 1 tỉ đô năm 2023. Ít được biết đến hơn là việc phải nuôi bao nhiêu con tôm, con cá, trồng bao nhiêu gốc sầu riêng để đạt được mục tiêu trên.
Đặc biệt, có bình thường không khi mục tiêu đó khiến chúng ta phải sử dụng nhiều nhân lực, tiêu tốn nhiều tài nguyên về đất đai, nước ngọt và nhận nhiều nguy cơ về môi trường hơn những nước từ lâu đã đạt được các mục tiêu đó. Chúng ta cũng không đề cập đến lợi ích tối thiểu mà người trồng, người nuôi nhận được trong các mục tiêu đó. Rõ ràng, bài toán tối ưu hóa với vị trí trung tâm là người nông dân cần phải được đặt ra đặc biệt khi chúng ta đang có ưu thế là người đi sau.
Tiếp đến là cách thức tiếp cận để đạt được mục tiêu. Câu chuyện trái sầu riêng được đề cập trên đây là một ví dụ điển hình của niềm nhiệt thành tin tưởng vào tương lai tốt đẹp của người Việt. Nhưng liệu chúng ta có đang quá hào hứng với tiềm năng mà thờ ơ hơn với thách thức, chúng ta nhìn thấy quá nhiều cơ hội và quá ít rủi ro, trong khi vẫn chưa thoát ra khỏi thói quen hay thực tế “bỏ trứng vào một giỏ”?
Thị trường nhập khẩu lớn nhất đã ép ngành sản xuất nội địa phải căn theo các tiêu chuẩn về chất lượng, mẫu mã, nguồn gốc xuất xứ… Đây là cơ sở để nông sản Việt Nam thâm nhập sâu rộng hơn vào các thị trường truyền thống châu Âu, châu Mỹ và mở rộng thêm các thị trường mới khu vực Trung Đông, Bắc Phi.
Cuối cùng là vấn đề quản lý. Chúng ta phải nhận thấy sự phi lý mỗi khi cảnh báo về việc người nông dân tự ý phá bỏ cây trồng cũ để trồng một loại cây trồng mới được nêu ra. Quy hoạch vùng trồng, vùng nuôi thủy hải sản là việc buộc phải được thực hiện, không chỉ nhằm hạn chế nguy cơ dư thừa sản phẩm mà còn giúp cho việc cấp mã số vùng sản xuất đáp ứng các yêu cầu xuất khẩu, hoạch định và phát triển những vùng trồng cây đặc sản có thương hiệu cho các nhóm khách hàng trung lưu và cao cấp.
Để người sản xuất thực hiện đúng quy hoạch không phải là một nhiệm vụ bất khả thi nếu mỗi vùng trồng sẽ dần trở thành mắt xích trong chuỗi cung ứng cho doanh nghiệp phân phối và xuất khẩu. Việc mở rộng vùng nguyên liệu chỉ được chấp thuận khi người nông dân có những hợp đồng bao tiêu dài hạn với các doanh nghiệp có uy tín.
Xây dựng thương hiệu cho nông sản là bước đi đầu tiên để tiếp cận phân khúc cao cấp. Không phải ngẫu nhiên mà những trái xoài cả ngàn đô, những chùm nho cả trăm đô xuất hiện ở Nhật Bản. Trái sầu riêng hàng tỉ đồng ở Thái Lan đạt được sau khi đấu giá tại một lễ hội do chính nước này tổ chức.
Khi đã xác định sẽ hướng tới phân khúc này, lựa chọn các loại nông sản phù hợp, chúng ta phải tạo ra các loại “hàng mẫu” giá trị như vậy và quảng bá rộng rãi tới các thị trường mục tiêu.
Đối với doanh nghiệp dám chọn đường khó, cần có sự hỗ trợ từ phía các cơ quản quản lý về thông tin, công nghệ, vốn… Và đó phải là sự hỗ trợ công bằng để những nhà sản xuất và kinh doanh có tài có điều kiện tốt nhất để phát huy.
Nguồn: https://thesaigontimes.vn/tu-sau-rieng-co-vui-chung/