(KTSG Online) – Hoạt động xuất khẩu trái cây và rau quả ngay từ đầu năm 2023 đã có những tín hiệu tích cực, hướng tới dự báo đạt kim ngạch xuất khẩu 4 tỉ đô la Mỹ, tăng 20% so với năm ngoái. Bên cạnh thanh long, chuối, dừa,… thị phần tăng thêm này được “trông cậy” nhiều đến từ trái sầu riêng. Tuy nhiên, con đường gia nhập ‘câu lạc bộ’ doanh thu xuất khẩu tỉ đô la có khá nhiều thách thức và đòi hỏi phải có các giải pháp bền vững.
Nhiều loại trái cây Việt đã được các thị trường khó tính như Nhật Bản, Mỹ, châu Âu… chấp nhận để gia tăng kim ngạch xuất khẩu nhưng Trung Quốc vẫn là thị trường được đặt nhiều kỳ vọng tăng cao khi nước này mở cửa biên giới từ đầu năm nay…
Sầu riêng gánh vác nhiều kỳ vọng
Với kết quả xuất khẩu khả quan trong hơn 3 tháng cuối năm, cùng việc có thêm 230 cơ sở vừa được Trung Quốc cấp phép, sầu riêng đang được kỳ vọng trở thành loại trái cây đạt kim ngạch 1 tỉ đô la xuất khẩu.
Ông Lê Minh Trách, phụ trách kinh doanh Hợp tác xã Vĩnh Khang (Tiền Giang), cho biết mùa vụ sầu riêng sẽ đến vào khoảng tháng 4-5 tới, các thành viên trong HTX đang rất trông chờ kết quả xét duyệt của 12 ha diện tích trồng sầu riêng đang được xem xét cấp mã số vùng trồng để xuất khẩu sang Trung Quốc.
“Nếu được cấp phép, trong khoảng 2-3 tháng tới, khoảng 180-240 tấn sầu riêng của chúng tôi sẽ được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc thông qua việc liên kết với doanh nghiệp đóng gói”, ông Trách chia sẻ.
Còn ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Công ty Vina T&T Group, một trong 25 doanh nghiệp Việt Nam có mã số về sầu riêng, mã số vùng trồng xuất sang thị trường Trung Quốc, cho biết trong những tháng đầu năm nay đơn hàng xuất khẩu của doanh nghiệp tăng 25%.
Chia sẻ tại Triển lãm quốc tế về rau quả (HortEx Vietnam 2023) tại TPHCM gần đây, ông Tùng dự báo tình hình đơn hàng cho các quí tới tiếp tục tăng trưởng cao. Hiện Vina T&T Group đã ký hợp đồng với đối tác Hong Kong cung cấp 1.500 container sầu riêng trong năm 2023.
“Với việc Việt Nam vừa được cấp thêm cả trăm mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói, tôi cho rằng sản lượng sầu riêng xuất khẩu trong năm nay sẽ tăng cao không chỉ riêng Vina T&T mà tăng chung toàn ngành”, ông Tùng chia sẻ.
Sầu riêng là trái cây có giá trị kinh tế cao và được người dân Trung Quốc rất ưa chuộng. Sau khi ký kết Nghị định thư giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với sầu riêng tươi Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc, lô hàng sầu riêng đầu tiên của Việt Nam đã xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc từ giữa tháng 9-2022.
“Trái sầu riêng Việt Nam đang có sức hút rất lớn ở thị trường Trung Quốc”, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit) nhận định, và cho rằng: “Dù chỉ mới xuất khẩu chính thức mấy tháng nhưng Trung Quốc đã nhập khẩu loại trái cây này từ Việt Nam đạt giá trị hàng trăm triệu đô la”.
Hiện nay sầu riêng Việt Nam đang xuất khẩu sang các nước và vùng lãnh thổ như Úc, Mỹ, Nhật, Đài Loan, Trung Quốc…. trong đó Trung Quốc chiếm tỉ trọng chủ yếu.
Cũng theo ông Nguyên, qua khảo sát cho thấy người tiêu dùng ở Trung Quốc đánh giá cao và rất thích sầu riêng Việt Nam so với nhập khẩu từ các nước lân cận như Malaysia, Myanmar và Thái Lan.
“Sầu riêng Việt Nam có nhiều lợi thế cạnh tranh khi vào thị trường hơn 1,4 tỉ dân nhờ khoảng cách vận chuyển gần, chỉ mất 1,5 ngày so với thời gian 7-10 ngày của sầu riêng Thái Lan. Chất lượng trái sầu riêng Việt Nam vì thế cũng được bảo quản tốt, tươi ngon. Các lợi thế này giúp giá bán sầu riêng của Việt Nam hiện cũng tốt hơn so với hàng Thái Lan”, ông Nguyên nhận định.
Ngay trong dịp tết vừa qua, nhiều doanh nghiệp cùng vui mừng vì trái cây xuất khẩu được giá, tăng từ 3 đến 5 lần, như sầu riêng từ 40.000 đồng/kg tại vườn lên đến 160.000 đồng.
“Mỗi năm Trung Quốc nhập hơn 4 tỉ đô la sầu riêng, 90% nhập từ Thái Lan còn lại nhập từ Malaysia, Myanmar dưới dạng cấp đông… Sầu riêng tươi Việt Nam đang được đánh giá cao và cơ hội để đạt kim ngạch trên 1 tỉ đô la trong năm nay rất triển vọng”, ông Nguyên nhận định.
Thanh long có quay lại được cột mốc tỉ đô la?
Trong khi đó, thanh long, đứng tốp đầu về các mặt hàng xuất khẩu ngành rau quả, cũng có cơ hội tăng tốc trở lại trong năm nay nhờ việc Trung Quốc mở cửa. Thị trường tỉ dân này luôn chiếm từ 80-90% tổng giá trị xuất khẩu trái thanh long của Việt Nam trong những năm qua.
Theo các doanh nghiệp xuất khẩu trái cây, sau khi Trung Quốc mở cửa vào những ngày đầu năm, ngay lập tức giá thang long tăng cao. Các nhà vườn bán được giá cao. Tháng 1-2023 và sau Tết Nguyên đán, thanh long được thu mua tại vườn giá dao động từ 20.000-30.000 đồng/kg, giúp nông dân lãi cao.
Sở dĩ giá thanh long tăng cao bên cạnh yếu tố nhu cầu từ thị trường nhập khẩu còn do lượng sản lượng thanh long trên thị trường bị thu hẹp. Nguyên nhân là mấy năm vừa qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, xuất khẩu thanh long bế tắc dẫn tới giá rớt sâu, nhiều nhà vườn đã chặt bỏ khiến sản lượng thanh long có lúc tụt giảm khoảng 50%.
Theo đại diện Công ty Thanh long Hoàng Hậu, từ đầu tháng 1-2023, Trung Quốc mở cửa trở lại giúp thanh long xuất khẩu sang thị trường này thuận lợi hơn rất nhiều. Lượng hàng của doanh nghiệp sang đây cũng tăng cao lên với kỳ vọng xuất khẩu thanh long của Việt Nam sớm trở về lại mốc 1 tỉ đô la.
Trên thực tế, những năm trước, kim ngạch xuất khẩu thanh long của Việt Nam đã từng đạt đến mốc tỉ đô la. Cụ thể, năm 2019 xuất khẩu thanh long đạt 1,25 tỉ đô la; năm 2020 dù bị giảm nhưng vẫn đạt được 1,12 tỉ đô la. Đến năm 2021, thanh long Việt Nam mất vị thế trái cây “tỉ đô la” khi giảm còn 998 triệu đô la.
Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu thanh long chỉ còn 632,6 triệu đô la, giảm 38,7% so với năm 2021. Nguyên nhân một phần do Trung Quốc thực hiện chính sách zero covid, kiểm soát chặt hàng hoá nhập khẩu.
Cùng với thị trường Trung Quốc mở cửa trở lại, các thị trường lớn khác… cũng tăng nhập khẩu loại trái cây này và được hỗ trợ bởi giá cước vận tải đã hạ nhiệt.
Đây là sản phẩm đã thâm nhập được nhiều thị trường, đặc biệt được hơn 10 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới đồng ý bảo hộ chỉ dẫn địa lý; trong đó, có các thị trường khó tính như: Mỹ, Nhật Bản, Anh, Đức, Pháp và Hàn Quốc,… Do đó, giới phân tích dự báo trái thanh long sẽ có khả năng lấy lại được mốc tỉ đô la như trước đây.
Những cơ hội phía trước…
Chuối cũng có kỳ vọng mang về giá trị xuất khẩu lớn hơn nhiều so với con số hơn 300 triệu đô la của cả năm ngoái, do “bệ phóng” là Nghị định thư về xuất khẩu được ký với Trung Quốc tháng 11-2022.
Theo đó, chuối được xuất chính ngạch, với quy trình tổ chức sản xuất, bao gói được chuẩn hóa, từ đó tạo đà cho tăng kim ngạch xuất khẩu trong nhiều năm tiếp theo. Chỉ riêng Trung Quốc chi hơn 1 tỉ đô la nhập chuối mỗi năm, trong đó, Việt Nam hiện là nước xuất khẩu chuối lớn thứ 2 sang thị trường này, sau Philippines.
Cũng theo Vinafruit, chuối và sản phẩm chế biến từ chuối của Việt Nam đang được xuất khẩu mạnh vào các thị trường Singapore, Malaysia. Sau thanh long, sầu riêng, mít, xoài thì chuối đang là trái cây xuất khẩu mạnh, mỗi năm đem về hàng trăm triệu đô la.
Theo ông Đặng Phúc Nguyên của Vinafruit, xuất khẩu rau quả vào thị trường Trung Quốc luôn chiếm trên 50% tổng kim ngạch. Do đó, việc Trung Quốc mở cửa biên giới, rau quả vận chuyển bằng đường bộ sẽ đi nhanh hơn, cước phí rẻ hơn sẽ lợi thế cạnh tranh của Việt Nam so với nhiều nước khác.
Ngoài Trung Quốc, thành công trong xúc tiến thương mại, mở cửa thị trường năm 2022 đưa nhiều loại trái cây Việt Nam xuất khẩu đến các thị trường khác.
Đơn cử Mỹ đã cho phép nhập khẩu bưởi từ Việt Nam; New Zealand cũng cho phép trái bưởi, và chanh của Việt Nam; còn Nhật Bản thì cho trái nhãn tươi Việt Nam được nhập vào Nhật Bản.
Bên cạnh đó, dịch Covid-19 ở nhiều quốc gia được kiểm soát, giá cước vận chuyển càng rẻ… thì rau quả Việt Nam xuất khẩu có nhiều thuận lợi.
“Thị trường Trung Quốc mở cửa, biên giới được khôi phục thông quan trở lại và 15 hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam ký kết đã có hiệu lực sẽ tạo ra động lực lớn cho xuất khẩu rau quả”, ông Nguyên nói, và tin rằng: “Chúng tôi dự báo năm 2023 là năm bùng nổ xuất khẩu rau quả, tăng trưởng ít nhất 20% so với năm 2022, tức sẽ cán mốc 4 tỉ đô la, so với kết quả 3,34 tỉ đô la của năm 2022”.
… đi cùng thách thức và yêu cầu về mục tiêu bền vững
Năm 2023, các mặt hàng trái cây chủ lực chất lượng cao, có lợi thế cạnh tranh của Việt Nam sẽ tiếp tục được các cơ quan chức năng đàm phán tại nhiều thị trường mới.
Với chất lượng ngày càng đi lên, đáp ứng nhiều tiêu chí khắt khe từ các thị trường khó tính, mặt hàng trái cây cũng được dự báo là sẽ liên tục tăng trưởng trong những năm tiếp theo. Bộ NN&PTNT cũng xây dựng kế hoạch đến năm 2025, kim ngạch xuất khẩu trái cây sẽ là 5 tỉ đô la và đến năm 2030 đạt khoảng 6,5 tỉ đô la.
Mặc dù vậy, đi cùng với xuất khẩu tăng trưởng cao cũng đối mặt với nhiều thách thức khi tiêu chuẩn của các thị trường nhập khẩu đặt ra ngày càng cao.
Đơn cử như Trung Quốc đang nâng cao các tiêu chuẩn nhập khẩu các mặt hàng rau, trái cây tươi không thua gì các thị trường khó tính. Ví dụ tiêu chuẩn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật của nước này ngày càng khó hơn.
Trung Quốc không chỉ nâng cao các tiêu chuẩn mà việc giám sát chất lượng cũng được thực hiện chặt chẽ hơn, nếu không đạt thì lô hàng không xuất được.
Trái cây xuất khẩu, sản phẩm phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm nhưng mỗi thị trường lại có yêu cầu, tiêu chuẩn khác nhau.
Xuất khẩu đi EU, các doanh nghiệp phải chú ý là 100% hàng nhập vào nước họ đều được “test” mẫu kiểm tra chất lượng, nếu không đạt sẽ bị trả về và bị cấm nhập khẩu. Sản phẩm tốt không chỉ là đủ chuẩn xuất khẩu mà phải cả quá trình phân phối, đến tay người tiêu dùng vẫn đạt chất lượng. Nhiều doanh nghiệp chủ quan, chỉ tính thời gian vận chuyển mà không cộng thêm thời gian phân phối, người tiêu dùng sử dụng nên thất bại.
Một thách thức không nhỏ hiện nay là chưa đến 5% tổng sản lượng trái cây tươi Việt Nam được xử lý, đóng gói chuẩn chỉnh để có thể xuất khẩu vào các thị trường cao cấp. Ngoài ra, trước đây, yếu tố trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp xuất khẩu không bắt buộc nhưng hiện bắt buộc phải có khi xuất khẩu vào thị trường EU.
Đáng chú ý, trên thị trường quốc tế, trái cây Việt gần như không có thương hiệu nào nổi tiếng đáng tự hào như nhiều sản phẩm của Thái Lan, Nhật Bản…
Ông Nguyễn Đình Tùng của Vina T&T, dẫn chứng trên thị trường thế giới, táo Washington gắn liền với nước Mỹ; quả kiwi của New Zealand; dưa lưới Taki là niềm tự hào của người Nhật Bản; người Thái Lan có sầu riêng Monthong; Malaysia có sầu riêng Musang King giá bán đắt đỏ thì Việt Nam gần như không có sản phẩm nổi tiếng để tự hào.
Việc xây dựng thương hiệu quốc gia cho trái cây theo giới phân tích là để gia tăng giá trị, sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế…
Nguồn: https://thesaigontimes.vn/duong-di-cho-trai-cay-viet-gia-nhap-cau-lac-bo-ti-do-la/