Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), trong tất cả các sản phẩm rau quả xuất khẩu trong thời gian qua thì rau quả chế biến chiếm tỷ trọng đáng kể. Trong quý I/2023, tỷ lệ này cũng chiếm 1/3 lượng kim ngạch xuất khẩu. Vị thế của dòng sản phẩm rau quả chế biến cho thấy xu hướng của người tiêu dùng dần có sự tiếp nhận đối với sản phẩm này. Dự kiến ngành hàng này tiếp tục phát triển trong quý II/2023.
Xuất khẩu rau quả uớc tính tăng trưởng 10%
Với đà tăng trưởng xuất khẩu rau quả Việt Nam trong quý I/2023 ước đạt gần 1 tỷ USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2022, ngành rau quả phát tín hiệu tốt cho xuất khẩu, sau xuất khẩu lúa gạo trong năm 2023.
Trung Quốc tiếp tục giữ vị trí là thị trường xuất khẩu nông sản trong đó có rau, củ, quả lớn nhất, giá trị xuất khẩu đạt 2,4 tỷ USD (chiếm 21,5% thị phần); tiếp đến là Mỹ đạt 2,04 tỷ USD (chiếm 18,2%); Nhật Bản đứng thứ 3 với giá trị xuất khẩu đạt 936 triệu USD (chiếm 8,4%); thứ 4 là Hàn Quốc với giá trị xuất khẩu đạt 528 triệu USD (chiếm 4,7%).
Ông Đặng Phúc Nguyên – Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit) nhận định: Hoạt động nhập khẩu trái cây mạnh mẽ của thị trường Trung Quốc, nhiều cửa khẩu của Việt Nam cũng mở rộng giờ hoạt động đến 22 giờ mỗi ngày. Điều đó chứng tỏ nhu cầu nhập khẩu trái cây của Trung Quốc vẫn còn tốt, nhờ vậy, kim ngạch xuất khẩu rau quả trong quý II có thể tăng 10% thậm chí cao hơn. Như vậy, cả 2 quý đầu năm kim ngạch xuất khẩu rau quả sẽ đạt tương đương 2 tỷ USD. Một số mặt hang hoa quả tươi xuất khẩu chính ngạch như sầu riêng Việt Nam. Trong 3 tháng đầu năm 2023, sầu riêng Việt Nam chưa vào chính vụ nên chỉ xuất khẩu cầm chừng sang thị trường này. Bước sang tháng 4/2023 trở đi, sầu riêng vào thời điểm chính vụ, hàng hóa dồi dào, bắt đầu đáp ứng các đơn hàng.
Thêm vào đó, ngoài mặt hàng chủ lực sầu riêng thì cộng với mít, chuối và thanh long là các nông sản chính sẽ đưa kim ngạch xuất khẩu rau quả sang thị trường 1,4 tỷ dân đạt ít nhất là 2,5 tỷ USD trong năm nay, chiếm 62,5% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Cho thấy ngành rau quả đang có triển vọng lớn tại thị trường này.
Giá trị xuất khẩu từ chế biến rau quả cao gấp 3-4 lần
Hiện nay, Việt Nam có khoảng 76% rau quả xuất khẩu vẫn đang ở dạng tươi hoặc sơ chế bảo quản là chủ yếu. Trong khi nhu cầu ăn uống của người dân trên toàn thế giới nói chung, châu Âu nói riêng đang nghiêng về sử dụng trái cây, rau củ đã qua chế biến. Đây là nguyên nhân khiến kim ngạch xuất khẩu rau quả Việt Nam chiếm tỷ trọng thấp.
Nói về lợi thế của rau quả chế biến, ông Nguyễn Văn Thứ – Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm G.C cho biết: Phát triển ngành rau quả theo hướng chế biến không chỉ giúp kiểm soát được giá thành, mà còn nâng giá trị hàng hóa lên gấp 3 – 4 lần so với mặt hàng tươi. Đặc biệt, hoạt động này còn giúp tăng thời gian bảo quản nông sản, giải thoát tình trạng dư thừa cục bộ nguồn cung. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp làm sản phẩm trái cây nào cũng đủ năng lực làm trái cây chế biến. Bởi đây là ngành hàng cần nguồn vốn lớn, thiết bị và công nghệ hiện đại mới đủ sức tạo ra sản phẩm cạnh tranh.
Nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến trái cây phản ánh, hiện nay, chỉ khoảng 30% doanh nghiệp có khả năng tiếp cận vốn ngân hàng, những đơn vị còn lại quy mô vừa và nhỏ nên việc tiếp cận vốn vay không hề dễ dàng, cơ chế chính sách, mức hỗ trợ thấp.
Trước tình hình này, ông Nguyễn Mạnh Hùng – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Nafoods cho rằng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương cần đề xuất cấp thẩm quyền để có nguồn ngân sách tập trung ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp vay ưu đãi đầu tư vào hệ thống kho lạnh và đầu tư đổi mới công nghệ, phát triển các nhà máy chế biến rau quả. Khi đầu tư nhà máy, các cơ quan chức năng cần quản lý quy hoạch vùng trồng hợp lý, tránh tình trạng có nhà máy lại không có nguyên liệu.
Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên đề xuất: Thời gian tới Chính phủ, các bộ, ngành cần hỗ trợ địa phương quy hoạch khu chế biến và có chính sách khuyến khích đầu tư; hỗ trợ về nguồn vốn cũng như chuyển giao công nghệ… Ðặc biệt, cần có các hỗ trợ về vốn, kết nối giữa nông dân và doanh nghiệp xây dựng mô hình liên kết hiệu quả và bền vững tại vùng nguyên liệu.
Thứ trưởng Bộ Công Thương, Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết: Để thúc đẩy xuất khẩu thì ngoài việc chú trọng công nghệ chế biến, cần tiếp tục tập trung tái cơ cấu sản xuất để nâng tầm nông sản Việt. Cùng với đó thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại, đặc biệt là trên nền tảng số, thương mại điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin để xúc tiến xuất khẩu, tiêu thụ nông sản. Triển khai có hiệu quả phòng vệ thương mại, xử lý các tranh chấp, vụ kiện trong thương mại quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu nông sản.
Nhu cầu tiêu thụ rau quả tăng từ thị trường quốc tế, trong đó có tăng trưởng vượt bậc từ các quốc gia EU. Giúp ngành rau quả chế biến Việt Nam nở rộ trong những năm trở lại đây. Do đó, Cục Xuất nhập khẩu khuyến khích các doanh nghiệp ngành rau quả cần tập trung vào phân khúc sản phẩm chế biến, bởi đây sẽ là xu hướng của thị trường trong thời gian tới.
Nguồn: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/xuat-khau-che-bien-rau-qua-co-tiem-nang-phat-trien-332720.html