Trung Quốc và Mỹ đều là khách hàng chính của rau quả Việt xuất khẩu. Song, trong khi Mỹ giảm nhập thì Trung Quốc lại ồ ạt mua vào số lượng lớn giúp mặt hàng rau quả Việt thắng lớn.
Chỉ 1 tháng thu về 410 triệu USD
Theo số liệu thống kê, trong tháng 4 năm nay, rau quả xuất khẩu giúp nước ta thu về 410 triệu USD, tăng đột biến 175% so với tháng 4/2022. Còn 4 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu rau quả đạt 1,39 tỷ USD, tăng 19,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Các mặt hàng có kim ngạch tăng mạnh gồm: thanh long, sầu riêng, xoài, mít… Trong đó, thị trường xuất khẩu chủ yếu là Trung Quốc.
Rau quả cũng là một trong số ít nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của ngành nông nghiệp nước ta duy trì tốc độ tăng trưởng dương trong 4 tháng đầu năm nay.
Về thị trường xuất khẩu, trong 3 tháng đầu năm 2023, Trung Quốc dẫn đầu về tiêu thụ rau quả của Việt Nam với 58,7% thị phần, đạt giá trị 576,4 triệu USD, tăng 27,4% so với cùng kỳ năm 2022.
Đặc biệt, trong quý I/2023, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng Việt Nam đạt 153,5 triệu USD, tăng hơn 8,3 lần (733,2%) so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, Trung Quốc chiếm đến 87% thị phần với kim ngạch 133,6 triệu USD.
Số liệu thống kê cũng cho thấy, thị trường xuất khẩu rau quả có giá trị tăng mạnh nhất là Lào, gấp 2,8 lần so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, thị trường Lào chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam.
Ngược lại, xuất khẩu rau quả sang Mỹ trong 3 tháng đầu năm nay giảm gần 18%, sang Úc giảm 20,2% so với cùng kỳ năm trước đó.
Bà Ngô Tường Vy, CEO Công ty Cổ phần Tập đoàn Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu, cho biết, do có nhiều sản phẩm, lại tham gia chế biến sâu và đóng gói đạt chuẩn đối tác yêu cầu nên công ty nhận được rất nhiều đơn hàng. Có những mặt hàng trái cây doanh nghiệp không đủ cung ứng cho nhà nhập khẩu. Không chỉ xuất khẩu sang Trung Quốc, Mỹ mà các thị trường khác cũng vậy.
Chánh Thu có nhà máy chế biến tại Đắk Lắk và Bến Tre. DN này liên tục thu mua, chế biến đáp ứng các đơn hàng xuất khẩu. Bà Vy nhấn mạnh, việc phát triển rau quả theo hướng chế biến vừa giúp kiểm soát giá thành, vừa nâng giá trị hàng hóa gấp 3 đến 4 lần so với hàng tươi. Đồng thời, tăng thời gian bảo quản rau quả, giải quyết tình trạng dư thừa cục bộ khi thu hoạch chính vụ.
Với những tín hiệu tích cực từ thị trường xuất khẩu, bà Vy đặt kỳ vọng năm 2023 công ty sẽ đạt 150% kế hoạch đặt ra.
Tổng giám đốc một doanh nghiệp chế biến trái cây lớn ở nước ta cũng tiết lộ, từ đầu năm đến nay, đơn hàng luôn đầy ắp, đặc biệt là từ thị trường Trung Quốc.
Không chỉ xuất khẩu hàng nghìn container sầu riêng sang Trung Quốc, các đối tác nước bạn cũng liên hệ đặt mua một lượng lớn khoai lang từ Việt Nam. Các thị trường Mỹ, châu Âu… đang dần phục hồi.
Vào mùa thu hoạch 2,6 triệu tấn trái cây
Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), quý II/2023 sản lượng trái cây cả nước ước đạt trên 2,6 triệu tấn. Trong đó, chuối khoảng 460 nghìn tấn, xoài 350 nghìn tấn, sầu riêng 300 nghìn tấn, thanh long 250 nghìn tấn, vải thiều 330 nghìn tấn, dứa 217 nghìn tấn, nhãn 110 nghìn tấn, cam 180 nghìn tấn…
Nguồn cung trái cây đang rất dồi dào, có thể đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ nội địa và phục vụ các đơn hàng xuất khẩu.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, nhận định, xuất khẩu rau quả sẽ tiếp tục thuận lợi trong quý II. Nhóm ngành hàng này đang lấy lại phong độ ấn tượng ngoài mong đợi, giúp thị trường trái cây của Việt Nam sôi động hơn.
Trong 3 tháng đầu năm 2023, sầu riêng Việt Nam chưa vào chính vụ nên chỉ xuất khẩu cầm chừng sang thị trường Trung Quốc. Từ tháng 4 trở đi, sầu riêng miền Tây bước vào vụ thu hoạch chính, nguồn cung dồi dào, bắt đầu đáp ứng các đơn hàng.
Cùng với đó, mít, chuối và thanh long là các nông sản chính sẽ đưa kim ngạch xuất khẩu rau quả sang thị trường Trung Quốc. Mới đây, khoai lang cũng đã xuất lô đầu tiên sang thị trường này.
Ông dự báo, rau quả xuất khẩu sang Trung Quốc sẽ thu về khoảng 2,5 tỷ USD trong năm nay, chứng tỏ triển vọng to lớn của ngành hàng này tại thị trường 1,4 tỷ dân.