Thời gian tới, quả bưởi Việt Nam sẽ được bày bán tại các siêu thị của Nhật Bản. Đây là một tín hiệu tích cực khi có thêm một loại trái cây Việt được xuất sang thị trường cao cấp. Tuy nhiên, những thách thức cho các loại nông sản Việt chưa dừng lại ở câu chuyện mở rộng thị trường mà còn là những yêu cầu ngày càng cao từ các thị trường mới.
Trong những năm qua, không chỉ có Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) mà còn có cả Bộ Công Thương, các cơ quan tham tán thương mại, đại sứ quán Việt Nam các nước khi có cơ hội đều tìm cách tiếp thị sản phẩm nông sản địa phương. Trong chuyến công tác đến Nhật Bản dự hội nghị thượng đỉnh nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7), Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng trao đổi về các cơ hội để Nhật Bản sớm mở cửa cho quả bưởi của Việt Nam xuất sang thị trường này. Trên thực tế, không phải bây giờ mà từ nhiều năm trước, Bộ NN&PTNT đã có những hoạt động với các bên có liên quan để sớm đưa trái bưởi xuất sang Nhật Bản.
Việt Nam và Nhật Bản đã ký hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam – Nhật Bản (VJEPA) có hiệu lực từ 1-10-2009, và Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện ASEAN – Nhật Bản (AJCEP), tạo cơ hội cho hàng hóa của hai bên thông qua việc giảm thuế suất. Các mặt hàng nông sản Việt Nam ngoài cơ hội hưởng các ưu đãi về thuế quan theo quy định của hai hiệp định nói trên, cũng đứng trước các thách thức về yêu cầu kiểm soát dịch bệnh, chất lượng sản phẩm.
Hiện tại, bưởi Việt Nam đã được phép bán tại Canada, và trong thời gian sắp tới sẽ là Nhật Bản và Mỹ. Một doanh nghiệp từng xuất bưởi sang Canada vào năm 2020 chia sẻ sau vài lô hàng đã phải ngừng lại, vì gặp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm. Doanh nghiệp này xuất khẩu bưởi và thanh long cùng chung lô hàng đi bằng đường biển. Do thời gian vận chuyển kéo dài khiến chất lượng thanh long suy giảm, hàng hóa khó bán, ảnh hưởng đến việc kinh doanh mặt hàng xuất kèm theo là quả bưởi, nên doanh nghiệp đàng phải ngưng lại cả hai mặt hàng.
Một trong những khó khăn khác là việc kiểm soát dư lượng hóa chất. Do quy mô trồng bưởi của Việt Nam ở dạng nông hộ, diện tích nhỏ và mỗi nhà vườn có một cách chăm sóc khác nhau nên dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong trái cây cũng khác nhau, khiến việc kiểm soát gặp khó khăn.
Tại Nhật Bản, cộng đồng người Việt Nam có khoảng 500.000 người, là cộng đồng người nước ngoài lớn thứ 2 tại đất nước hoa anh đào. Do đó, quả bưởi khi xuất khẩu sang đây có thể tận dụng cơ hội bán hàng cho chính cộng đồng người gốc Việt.
Điều kiện để xuất khẩu bưởi vào Mỹ: Đầu tiên, vùng trồng bưởi và cơ sở xử lý trái cây tương phải đăng ký với Cục Bảo vệ thực vật và Cơ quan kiểm dịch động thực vật của Mỹ (APHIS). Trái cây xuất khẩu không được nhiễm các đối tượng kiểm dịch thực vật mà Mỹ quan tâm như các loại ruồi đục quả Bactrocera dorsalis, Zeugodacus cucurbitae, sâu đục quả Prays endocarpa, và các loại nấm khác như Cylindrocarpon lichenicola, Phyllosticta citriasiana. Trái cây phải được chiếu xạ trước khi xuất khẩu. Ở khâu đóng gói tại nhà máy, bên xuất khẩu phải loại bỏ những quả rụng, những quả chưa đạt tiêu chuẩn. Vỏ quả bưởi phải được làm sạch, xử lý nấm và phủ sáp toàn bộ.
Điều kiện để xuất khẩu bưởi vào Canada: Theo Cơ quan Thanh tra Thực phẩm Canada (CFIA), bưởi nhập khẩu vào Canada phải đáp ứng các điều kiệu không bị sâu bệnh, phải được đóng gói đúng cách để tránh dập hoặc hư hỏng trong quá trình vận chuyển. Trái cây phải có giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật do cơ quan có thẩm quyền cấp. CFIA cũng có các yêu cầu cụ thể đối với việc dán nhãn trái cây nhập khẩu vào Canada. Theo đó, nhãn phải bao gồm các thông tin như tên sản phẩm (bưởi), nước xuất xứ, trọng lượng tịnh, tên và địa chỉ của nhà nhập khẩu.
Nguồn: https://thesaigontimes.vn/qua-buoi-viet-nam-tren-hanh-trinh-chinh-phuc-thi-truong-moi/