Nông sản Việt rộng cửa “xuất ngoại”

Xuất khẩu (XK) rau quả, đặc biệt mặt hàng trái cây đang có sự tăng trưởng ấn tượng, góp phần lớn vào tăng trưởng xuất nhập khẩu. Chỉ riêng nửa đầu tháng 6/2023, kim ngạch XK rau quả đạt 361 triệu USD, tăng tới 206,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhiều mặt hàng tăng trưởng tốt như sầu riêng, mít, xoài…

Xuất khẩu sầu riêng tăng đột biến

Theo Tổng cục Thống kê, kim ngạch XK hàng hóa tháng 6/2023 ước đạt 29,3 tỷ USD, tăng 4,5% so với tháng trước. Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, kim ngạch XK hàng hóa ước đạt 164,45 tỷ USD.

Trong số các ngành hàng đóng góp vào tăng trưởng XK trong 6 tháng qua, XK rau quả, đặc biệt mặt hàng trái cây đang có sự tăng trưởng ấn tượng, nhất là trong bối cảnh nhiều nhóm hàng chủ lực sụt giảm. Theo thống kê sơ bộ mới nhất của Tổng cục Hải quan, nửa đầu tháng 6, kim ngạch XK rau quả đạt 361 triệu USD, tăng tới 206,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, kim ngạch XK rau quả trong nửa đầu tháng 6 còn vượt thủy sản để trở thành nhóm hàng XK lớn nhất của lĩnh vực nông thủy sản. Kết quả đạt được trong nửa đầu tháng 6 đã đưa kim ngạch XK rau quả tính từ đầu năm đến 15/6 lên 2,387 tỷ USD, tăng 55,4% so với cùng kỳ năm ngoái, tương đương kim ngạch tăng thêm 851 triệu USD.

Sầu riêng đóng góp quan trọng vào tăng trưởng xuất khẩu ngành hàng rau quả.

Đáng chú ý, XK rau quả của Việt Nam sang Trung Quốc ngày càng khởi sắc, đặc biệt sau khi Trung Quốc mở cửa nhập khẩu chính ngạch cho mặt hàng sầu riêng. Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, XK sầu riêng tăng đột biến trong tháng 5, qua đó đưa tổng kim ngạch XK mặt hàng này trong 5 tháng đầu năm đạt hơn 503 triệu USD. Trong đó, riêng XK sầu riêng sang Trung Quốc đạt kim ngạch 477 triệu USD, chiếm 95% tổng kim ngạch XK nhóm hàng này của cả nước. Như vậy, sầu riêng chính thức vượt thanh long, trở thành sản phẩm mang lại trị giá lớn nhất trong các mặt hàng rau quả của việt Nam. Đây là kết quả rất tích cực từ việc Việt Nam chính thức ký Nghị định thư XK sầu riêng chính ngạch sang Trung Quốc vào tháng 7/2022.

Riêng về mặt hàng sầu riêng, ông Nguyễn Đình Tùng, Chủ tịch HĐQT-Tổng Giám đốc Công ty Vina T&T Group cho rằng, từ khi XK sầu riêng chính ngạch sang Trung Quốc, mặt hàng này luôn chiếm ưu thế, tốc độ tăng trưởng mạnh, hiện sầu riêng Thái Lan đã vào cuối vụ sắp hết mùa cho nên cơ hội cho sầu riêng Việt Nam là rất lớn. “Với tốc độ XK như hiện nay thì XK sầu riêng sẽ vượt mốc 1 tỷ USD và ngành rau quả có thể đạt từ 4-5 tỷ USD là trong tầm tay. Riêng Vina T&T Group, năm 2022 doanh thu đạt 65 triệu USD, năm 2023 dự kiến đạt 80-85 triệu USD,” ông Tùng cho hay.

Giải pháp nào để xuất khẩu rau quả cán đích 4 tỷ USD?

Về nguyên nhân giúp XK rau quả tăng trưởng mạnh trong những tháng qua, ông Đặng Phúc Nguyên cho rằng, kết quả trên là nhờ Trung Quốc tăng mua sau khi chính sách “Zero COVID” được thực thi. Đặc biệt, các Nghị định thư đã ký với nước này trong năm ngoái đã giúp hoạt động XK rau quả của Việt Nam có nhiều thuận lợi. Cùng với đó, đây là năm đầu tiên sau 3 năm đại dịch các mặt hàng như thanh long, sầu riêng, xoài, mít được Trung Quốc đẩy mạnh thu mua. Năm nay, dù Trung Quốc kiểm soát chặt chẽ hàng rào kỹ thuật, an toàn vệ sinh thực phẩm, hàng Việt chất lượng ngày càng cao, giá cạnh tranh nên được người tiêu dùng ưa chuộng. Đồng thời, đây cũng là năm mà kim ngạch XK rau quả có mức tăng trưởng đột biến và có thể lập kỷ lục từ trước tới nay. Dự báo, XK rau quả có thể cán đích 4 tỷ USD.

Về thị trường XK, Trung Quốc tiếp tục duy trì vị trí số 1. Cập nhật của Tổng cục Hải quan theo thị trường hết tháng 5/2023 ghi nhận XK rau quả sang Trung Quốc thu về 1,286 tỷ USD, tăng đến 80,2% so với cùng kỳ năm ngoái, tương đương kim ngạch tăng thêm 572,3 triệu USD. Như vậy, trong Top 10 thị trường XK rau quả lớn nhất của Việt Nam thì Trung Quốc dẫn đầu với gần 63,5% thị phần, tăng hơn 12,4% so cùng kỳ năm ngoái (kim ngạch đạt gần 1,3 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm). Ngoài ra, các thị trường lớn khác như: Hàn Quốc, Hà Lan, Hoa Kỳ, Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất, thị trường Đài Loan…đều tăng trưởng tốt.

Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện các cơ chế, chính sách đối với công tác xúc tiến thương mại, đàm phán mở cửa, phát triển thị trường để giải quyết kịp thời các vướng mắc thúc đẩy XK nông lâm thủy sản. Bên cạnh đó, phối hợp với Đại sứ quán, Tham tán Thương mại, Tham tán Nông nghiệp Việt Nam tại các nước xây dựng các kênh trao đổi, cung cấp thông tin các thị trường XK, tăng cường xúc tiến, quảng bá đối với các sản phẩm đã được mở cửa, XK chính ngạch vào các thị trường gắn liền với các hoạt động ngoại giao của Chính phủ và của Bộ vào các thị trường lớn (Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU, Nga, Brazil) và khai thác hiệu quả các thị trường tiềm năng (Nhật Bản – Hàn Quốc, Asean, Australia – New Zealand, Trung Đông, châu Phi…).

Nguồn: https://cand.com.vn/thi-truong/nong-san-viet-rong-cua-xuat-ngoai-i698781/