Trung Quốc đang mở cửa rộng hơn với nhiều loại nông sản nhập chính ngạch từ Việt Nam. Để khai thác hiệu quả thị trường tỷ dân này, ngành sản xuất nông nghiệp trong nước cần chuẩn hóa quy trình, đáp ứng nhu cầu của nhà nhập khẩu.
Gia tăng cơ hội
Chỉ trong thời gian ngắn, đã có 3 loại nông sản của Việt Nam được Trung Quốc đồng ý nhập khẩu chính ngạch, mới nhất là khoai lang và tổ yến, trước đó là sầu riêng. Cùng đó, chanh leo cũng được xuất khẩu thí điểm qua một số cửa khẩu được chỉ định từ tháng 7/2022.
Tính đến nay, Việt Nam có 13 loại nông sản xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc (gồm: thanh long, nhãn, chôm chôm, xoài, mít, dưa hấu, chuối, măng cụt, vải, sầu riêng, chanh leo, khoai lang, tổ yến).
Chưa khi nào, cơ hội với ngành nông nghiệp nước ta lại lớn đến thế, khi các thị trường tiêu dùng lớn như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc… đều mở rộng cửa nhập hàng Việt. Vấn đề còn lại để tăng tốc xuất khẩu, gia tăng giá trị và sớm định vị vị thế, không gì khác là ngành sản xuất nội địa phải chuyển động, sản xuất quy củ, bài bản, tuân thủ chặt chẽ từng khâu, từng mắt xích mà nhà nhập khẩu đặt ra.
Năng lực sản xuất trái cây tươi, rau – củ – quả chế biến của nước ta ngày càng lớn, cao điểm có năm đạt trị giá gần 4 tỷ USD, trong đó Trung Quốc chiếm 55 – 60%.
Liên hệ với thị trường Nhật Bản, bà Nguyễn Ngọc Huyền, CEO Mia Group (doanh nghiệp chuyên xuất nhập khẩu sản phẩm nông nghiệp, trái cây chất lượng cao) chia sẻ: “Chúng ta hay ví, Nhật Bản là thị trường khó tính, nếu hàng hóa đáp ứng được yêu cầu của khách Nhật, thì sẽ thuận lợi để vào các thị trường khác. Vì vậy, doanh nghiệp Việt cũng cần chinh phục khách Trung Quốc như thị trường khó tính khác”.
Bà Huyền phân tích, nhu cầu tiêu dùng trái cây tươi tại thị trường này rất lớn, chỉ cần doanh nghiệp trong nước tận dụng được một phần trong đó, là đã không lo thiếu nơi tiêu thụ, nhưng cần phải chuẩn hóa quy trình sản xuất.
“Tôi vừa dự Triển lãm Thương mại quốc tế về các sản phẩm hoa quả tươi hàng đầu tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, gặp gỡ hàng trăm nhà mua hàng trong lĩnh vực nông sản trên thế giới. Các doanh nghiệp Trung Quốc sau khi xem Bản đồ trái cây Việt Nam với đầy đủ thông tin về vùng trồng, sản lượng và quy trình sản xuất đã “chốt” một số đơn hàng cho mùa vụ 2023”, bà Huyền thông tin.
Có thể thấy, khi nhà cung cấp đảm bảo bán hàng tiêu chuẩn, dám “gật đầu” trước những yêu cầu khắt khe từ nhà mua hàng, nghĩa là đã ngầm gửi đi thông điệp: hàng xuất khẩu đạt tiêu chuẩn chất lượng.
Ngoài trái cây tươi xuất khẩu theo mùa, có đủ cơ sở về vùng trồng được cấp phép, có thể truy xuất nguồn gốc rõ ràng, cơ sở đóng gói đủ tiêu chuẩn, nếu doanh nghiệp đầu tư được hệ thống nhà máy chế biến cạnh các vùng nguyên liệu, sẽ là “địa chỉ” tiêu thụ lượng nông sản lớn, vừa giúp nâng cao giá trị, vừa không lo bị ép giá.
Dư địa lớn
Mỗi năm, Trung Quốc chi khoảng 15 – 17 tỷ USD nhập khẩu rau quả. Đây là dư địa để ngành rau quả Việt Nam tăng xuất khẩu khi quá trình tổ chức sản xuất ngày càng được chuẩn hóa, tiến lên chuyên nghiệp.
Ngoài rau quả tươi và chế biến, nhìn sang sản phẩm tổ yến mới được xuất chính ngạch, có thể thấy, khả năng nâng giá trị xuất khẩu sẽ sớm được hiện thực hóa. Theo Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), ngành sản xuất yến của Việt Nam đang có nhiều cơ hội phát triển và tiềm năng mang lại giá trị kinh tế cao.
Cả nước hiện có 22.087 nhà nuôi chim yến, sản lượng yến đạt trên 120 tấn, giá trị khoảng 450 triệu USD, trong khi nhu cầu nhập khẩu tổ yến của Trung Quốc rất lớn. Việc thị trường này mở cửa nhập chính ngạch tổ yến là động lực để các doanh nghiệp đầu tư sản xuất quy mô lớn, tập trung hơn. Theo đó, mặt hàng này cũng được kỳ vọng sớm lọt danh sách các nhóm hàng xuất khẩu tỷ USD của ngành nông nghiệp.
Có một thực tế, tư duy coi Trung Quốc là thị trường “dễ tính” đã ăn sâu, bám rễ trong không ít doanh nghiệp Việt, nên nhiều doanh nghiệp chưa thực sự đầu tư bài bản để chinh phục thị trường này. Tuy nhiên, vài năm gần đây, ngày càng có nhiều doanh nghiệp coi trọng thị trường Trung Quốc như các thị trường Mỹ, EU… thông qua chiến lược đầu tư đồng bộ vùng nguyên liệu, chế biến sâu, truy xuất nguồn gốc, xuất xứ, để chinh phục thị trường tỷ dân.
Riêng ngành sữa, đã có hàng chục nhà máy được cấp mã giao dịch xuất khẩu, trong đó có các tên tuổi lớn như Vinamilk, TH True Milk, Mộc Châu Milk, Nutifood, Hanoimilk.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) đánh giá, xuất khẩu nông – lâm – thủy sản sang Trung Quốc có lợi thế không chỉ nhờ cự ly gần, đỡ tốn chi phí vận chuyển và dung lượng thị trường lớn, mà nhờ hệ thống các FTA đang thực thi, ưu đãi thuế quan cũng mang lại lợi ích đáng kể với doanh nghiệp.
Cụ thể, thực hiện cam kết trong Hiệp định Thương mại tự do ASEAN – Trung Quốc, đến nay, Trung Quốc đã giảm thuế cho hơn 8.000 mặt hàng nhập khẩu từ Việt Nam, trong đó có nông sản, trái cây tươi, mở ra nhiều cơ hội để doanh nghiệp Việt tiếp cận thị trường rộng lớn này.
Nguồn: https://baodautu.vn/co-hoi-de-nong-san-chinh-phuc-thi-truong-ty-dan-d177934.html