Đức, Pháp, Bỉ và Anh là các thị trường đơn lẻ tiềm năng nhất cho xuất khẩu rau quả đông lạnh sang thị trường châu Âu. Đức là nước nhập khẩu trái cây đông lạnh lớn nhất; trong khi đó, Pháp là nước nhập khẩu rau đông lạnh lớn nhất châu Âu. Ngoài các thị trường lớn truyền thống này, các thị trường đang tăng trưởng và có nhiều cơ hội nằm ở khu vực Trung và Đông Âu cùng với Ireland. Các loại trái cây mọng nước, đông lạnh đang có nhu cầu ngày càng tăng tại châu Âu.
Nhập khẩu rau quả đông lạnh tại châu Âu tiếp tục tăng
Tổng kim ngạch nhập khẩu rau quả đông lạnh của châu Âu tăng trưởng trung bình 5%/năm về giá trị và 3%/năm về lượng trong giai đoạn 2013 – 2017. Tăng trưởng giá trị nhanh hơn tăng trưởng về lượng nhập khẩu, chủ yếu do giá trái cây mọng nước đông lạnh tăng trong những năm gần đây khi nhu cầu vượt nguồn cung.
Các nhà phân tích dự báo rằng nhập khẩu rau quả đông lạnh của EU sẽ tiếp tục tăng trong những năm tới, đặc biệt là ở phân khúc trái cây đông lạnh, chủ yếu tập trung vào các loại trái cây mọng nước. Các loại trái cây mọng nước đông lạnh đang ngày càng được sử dụng nhiều hơn cho mục đích làm nguyên liệu trong ngành chế biến trái cây cũng như các sinh tố đá xay làm tại nhà và các sản phẩm khác. Các nhà xuất khẩu từ các nước đang phát triển, bao gồm Việt Nam, có thể tận dụng cơ hội này để tăng sản xuất có chiến lược các loại trái cây mọng nước.
Các công ty lớn về rau quả đông lạnh trên thị trường châu Âu là Greenyard Foods, Ardo Group, Bonduelle, Findus Sweden AB, Gelagri Bretagne SA, PinguinFoods, Unilever và Vivartia S.A.
Quy trình sản xuất xoài xuất khẩu tại Công ty TNHH Rau Quả Hùng Hậu
Xu hướng nào đang tạo ra cơ hội trên thị trường rau quả đông lạnh châu Âu?
Sự quan tâm ngày càng tăng của người tiêu dùng tới các thực phẩm chay, không chứa gluten và thực phẩm tự nhiên đang là các cơ hội lớn cho các nhà xuất khẩu từ các nước đang phát triển, bao gồm Việt Nam. Chứng nhận an toàn thực phẩm và các chứng từ chứng minh từ các kết quả kiểm tra trong phòng thí nghiệm cùng với các tiêu chuẩn trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp có thể sẽ tạo nên các lợi thế lớn cho các nhà cung cấp rau quả đông lạnh cho thị trường châu Âu.
Các cơ hội khác tập trung vào các sản phẩm có hàm lượng đường thấp và “siêu thực phẩm”. Các sản phẩm hàm lượng đường thấp đang có nhu cầu cao trên thị trường châu Âu. Xu hướng này có lợi cho các loại rau đông lạnh do hàm lượng đường thấp trong phần lớn các sản phẩm này.
Các yếu tố khác thúc đẩy tăng trưởng thị trường rau quả đông lạnh châu Âu bao gồm: đổi mới các công nghệ đông lạnh; phát triển hệ thống logistics chuỗi lạnh; phát triển hệ thống phân phối bán lẻ; phát triển các đặc tính xã hội như nhịp sống nhanh và thiếu thời gian nấu những bữa ăn cầu kì. Tiêu dùng “siêu thực phẩm” có thể sẽ tiếp tục tăng lên. Tuy nhiên, mỗi năm thị trường châu Âu lại chứng kiến sự lên ngôi của mỗi loại “siêu thực phẩm” khác nhau, mặc dù các loại trái cây mọng nước đông lạnh vẫn tăng trưởng nhanh nhất.
Các kênh thị trường rau quả đông lạnh tại châu Âu
Các nhà nhập khẩu chuyên về rau quả đông lạnh là kênh thâm nhập thị trường phổ biến cho ngành rau quả đông lạnh. Nhiều nhà nhập khẩu cũng là các nhà đóng gói, và ngoài ra cũng có thể cung cấp thêm các hoạt động giao dịch và bán buôn. Trong một số trường hợp, các nhà xuất khẩu từ các nước đang phát triển cung có thể cung ứng trực tiếp trong các phân khúc khác nhau, đặc biệt là các công ty sử dụng rau quả đông lạnh làm nguyên liệu để sản xuất sản phẩm cuối cùng.
Hình 1: Các kênh thị trường rau quả đông lạnh tại EU
Cấu trúc giá bán lẻ rau quả đông lạnh tại EU
Cơ quan xúc tiến nhập khẩu từ các nước đang phát triển (CBI) ước tính giá CIF chiếm khoảng 25% trong cấu thành giá bán lẻ một gói rau quả đông lạnh phân phối bán lẻ. Lựa chọn tốt nhất cho các nhà cung cấp để theo dõi giá cả là so sánh chào hàng của bạn với chào hàng từ các đối thủ cạnh tranh lớn nhất. Cơ quan này tính toán cấu thành giá bán lẻ rau quả đông lạnh tại EU theo bảng dưới đây:
Bảng 1: Cấu trúc giá bán lẻ rau quả đông lạnh tại EU
Công đoạn | Loại giá | Tỷ trọng trung bình trong giá bán lẻ tại EU |
Sản xuất rau/trái cây | Giá nguyên liệu thô (giá cổng trại) | 5-20% |
Sơ chế, chế biến, bán lô lớn | Giá FOB hoặc FCA | 20-30% |
Vận chuyển | Giá CIF | 35-50% |
Nhập khẩu, sơ chế và chế biến | Giá bán buôn (bao gồm thuế GTGT) | 60% |
Đóng gói bán lẻ, xử lý và bán | Giá bán lẻ cho đóng gói trung bình cỡ 250gr | 100% |
Nguồn: Cơ quan Xúc tiến Nhập khẩu từ các nước đang phát triển Hà Lan (CBI)