Theo Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan, xuất siêu nông – lâm – thuỷ sản trong năm 2022 chiếm tới hơn 75% tổng giá trị xuất siêu toàn ngành kinh tế cho thấy sức sống từ nội lực của cộng đồng doanh nghiệp Việt to lớn và đáng trân trọng như thế nào.
Xuất siêu nông lâm thủy sản chiếm 75% tổng giá trị xuất siêu toàn ngành kinh tế
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 371,85 tỷ USD, tăng 10,6% so với năm trước., cán cân thương mại hàng hóa tháng 12 ước tính xuất siêu 0,5 tỷ USD, tính chung cả năm 2022, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 11,2 tỷ USD (năm 2021 xuất siêu 3,32 tỷ USD).
Đáng chú ý, xuất siêu nông lâm thủy sản trong năm 2022 chiếm tới hơn 75% tổng giá trị xuất siêu toàn ngành kinh tế.
Theo đó, xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2022 đạt kết quả cao kỷ lục 53,22 tỷ USD, tăng 9,3% so với năm 2021; trong đó nông sản chính đạt 22,59 tỷ USD, tăng 4,8%; lâm sản chính đạt 16,93 tỷ USD, tăng 6,1%; thủy sản đạt 10,92 tỷ USD, tăng 22,9%. Xuất siêu nông lâm thủy sản ước đạt 8,5 tỷ USD, tăng 30% so với năm 2021.
Trong nội tại ngành nông nghiệp, lĩnh vực lâm nghiệp đang xuất siêu lớn nhất với trên 14 tỷ USD trong tổng giá trị xuất khẩu lâm sản là 16,3 tỷ USD.
“Xuất siêu nông – lâm – thuỷ sản trong năm qua chiếm tới hơn 75% tổng giá trị xuất siêu toàn ngành kinh tế cho thấy sức sống từ nội lực của cộng đồng doanh nghiệp Việt to lớn và đáng trân trọng như thế nào”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định.
Nhiều loại nông sản đồng loạt tăng giá
Năm 2022, trước bối cảnh nhiều biến động của thị trường thế giới, Bộ NNPTNT đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương thực hiện các cơ chế, chính sách đối với công tác xúc tiến thương mại, đàm phán mở cửa, phát triển thị trường để giải quyết kịp thời các vướng mắc thúc đẩy xuất khẩu nông lâm thủy sản; ứng phó với tác động của dịch bệnh Covid-19 và xung đột quân sự Nga – Ukraine làm đứt gãy chuỗi cung ứng nông sản toàn cầu.
Chủ động nghiên cứu, dự báo, tranh thủ cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do để thúc đẩy xuất khẩu nông sản; thúc đẩy lưu thông, thương mại biên giới, nắm bắt tình hình sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông lâm thủy sản.
Bên cạnh đó, Bộ cũng phối hợp với Đại sứ quán, tham tán thương mại, tham tán nông nghiệp Việt Nam tại các nước xây dựng các kênh trao đổi, cung cấp thông tin các thị trường xuất khẩu, tăng cường xúc tiến, quảng bá theo hình thức trực tuyến (online) đối với các sản phẩm đã được mở cửa, xuất khẩu chính ngạch vào các thị trường gắn liền với các hoạt động ngoại giao của Chính phủ và của Bộ vào các thị trường lớn (Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU, Nga, Braxin) và khai thác hiệu quả các thị trường tiềm năng (Nhật Bản – Hàn Quốc, Asean, Úc – New Zealand, Trung Đông).
Chuẩn bị tổ chức Đoàn giao thương, quảng bá chuỗi cung ứng trái cây, thủy sản tại Trung Quốc. Đàm phán, hoàn thiện các thủ tục xuất khẩu xoài, thịt gà sang Hàn Quốc, bưởi, chanh ta sang Newzealand; lông vũ, yến và sản phẩm từ yến, sữa và sản phẩm từ sữa, sầu giêng, khoai lang,… sang Trung Quốc; mật ong sang EU; khảo sát vùng trồng, nhà máy chiếu xạ để quả bưởi tươi (citrus maxima) là loại trái cây thứ 7 của nước ta được phép nhập khẩu vào thị trường Mỹ.
Nhờ đó, năm 2022, có đến 11 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1,0 tỷ USD, trong đó có 08 sản phẩm/nhóm sản phẩm kim ngạch trên 02 tỷ USD (cà phê, cao su, gạo, rau quả, điều, tôm, cá tra, sản phẩm gỗ), bao gồm 07 mặt hàng có kim ngạch trên 03 tỷ USD (gỗ và sản phẩm gỗ đạt 10,92 tỷ USD; tôm 4,33 tỷ USD; cà phê 3,94 tỷ USD; gạo 3,49 tỷ USD; cao su 3,31 tỷ USD; rau quả 3,34 tỷ USD; hạt điều 3,07 tỷ USD).
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, những thành tựu trong năm 2022 của ngành nông nghiệp ghi nhận sự đóng góp to lớn của các Hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp nông nghiệp.
Những số liệu thống kê kim ngạch xuất khẩu từng ngành hàng là kết tinh từ những giọt mồ hôi, công sức của người nông dân cùng với “những đêm trắng” cân đối chi phí, doanh thu, lợi nhuận từng chuyến hàng của các doanh nghiệp.
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, bước vào năm mới, theo nhiều dự báo, kinh tế thế giới vẫn diễn biến với nhiều thách thức. Nhưng chúng ta có thể biến “điều không thể” thành “điều có thể”, nếu chúng ta kiên trì, có niềm tin và cách tiếp cận khác hơn, mới mẻ hơn.
“Điều có thể” là cấu trúc lại doanh nghiệp thích ứng xu thế mới. “Điều có thể” là cấu trúc lại thị trường, vừa hướng ra xuất khẩu, vừa hướng đến thị trường trong nước với 100 triệu dân. “Điều có thể” là cấu trúc lại các dòng sản phẩm phù hợp xu thế tiêu dùng xanh – Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định.