Xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc được cải thiện trong những tháng gần đây, đưa kim ngạch xuất khẩu 8 tháng sang thị trường này đạt 35,79 tỷ USD, tăng 0,1% so với cùng kỳ.
Ấn tượng xuất khẩu sang Trung Quốc
Báo cáo của Bộ Công thương cho thấy, 8 tháng 2023, Việt Nam đã xuất khẩu lượng hàng hóa sang Trung Quốc trị giá 35,79 tỷ USD, tăng 0,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong bối cảnh chung của thương mại toàn cầu ảm đạm, mức tăng trưởng dương sang Trung Quốc là thực sự ý nghĩa, đây cũng là một trong số ít các thị trường xuất khẩu của nước ta duy trì mức tăng trưởng dương trong 8 tháng qua.
Ở chiều ngược lại, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 68,13 tỷ USD, giảm 17% so với cùng kỳ năm trước.
Theo Tổng cục Hải quan, năm 2018, quy mô kim ngạch thương mại song phương Việt Nam – Trung Quốc đạt 100 tỷ USD, đánh dấu là thị trường đầu tiên đạt con số kỷ lục này.
Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu Việt Nam – Trung Quốc đạt 175,56 tỷ USD, tăng 5,47%, trong đó xuất khẩu của Việt Nam đạt 57,7 tỷ USD, tăng 3,18%, nhập khẩu đạt 117,86 tỷ USD, tăng 6,63%, nhập siêu của Việt Nam 60,17 tỷ USD.
Còn theo số liệu của Trung Quốc, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc năm 2022 đạt 234,9 tỷ USD, tăng 2,1% so với năm 2021. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu 87,9 tỷ USD, giảm 4,7%; nhập khẩu từ Trung Quốc đạt 146,9 tỷ USD, tăng 6,8%.
Việt Nam tiếp tục giữ vị trí đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN và đối tác thương mại lớn thứ 4 của Trung Quốc tính theo quốc gia đơn lẻ (sau Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc).
Hiện nay, Trung Quốc là thị trường quan trọng của nhiều nhóm hàng xuất khẩu chủ lực như: Điện thoại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng…
Riêng năm ngoái, xuất khẩu điện thoại các loại và linh kiện đạt 16,3 tỷ USD, tăng 7,1%; Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện 11,9 tỷ USD, tăng 7,3%; Máy ảnh, máy quay phim và linh kiện đạt 3,8 tỷ USD, tăng 28,2%; Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác đạt 3,7 tỷ USD, tăng 28,3%…
Đáng chú ý, Trung Quốc vẫn đang là khách hàng lớn nhất của rau quả Việt Nam 8 tháng qua, khi chiếm tới gần 65% kim ngạch với 2,3 tỷ USD.
Năm 2022, các cơ quan chức năng của Việt Nam và Trung Quốc đã ký kết nhiều Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch đối với hàng loạt nông sản, hoa quả của Việt Nam, bao gồm sầu riêng, chanh leo, tổ yến, khoai lang. Trung Quốc cũng đang xem xét cho dừa tươi Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường này bằng việc tiến tới ký kết Nghị định thư xuất khẩu dừa.
Nhờ Nghị định thư xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc được ký kết vào tháng 7/2022, đã nhanh chóng đưa mặt hàng này đạt kim ngạch 1,2 tỷ USD trong 8 tháng, trong đó 95% được xuất sang Trung Quốc. Lúc này, sầu riêng vẫn liên tục chốt các đơn hàng xuất khẩu lớn từ các nhà nhập khẩu Trung Quốc.
Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã có 293 vùng trồng và 115 cơ sở đóng gói sầu riêng được Trung Quốc cấp mã số xuất khẩu chính thức.
Bà Ngô Tường Vy, Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu cho hay, tiêu chuẩn nhập khẩu hàng hóa, nhất là nông sản của Trung Quốc ngày càng cao, nhưng tạo cú hích cho các ngành hàng, doanh nghiệp phải đầu tư bài bản để xuất khẩu bền vững.
“Năm 2023, mặc dù Trung Quốc kiểm soát chặt chẽ hàng rào kỹ thuật, an toàn vệ sinh thực phẩm, nhưng với chất lượng ngày càng cao, giá cạnh tranh nên trái cây của Việt Nam được người tiêu dùng Trung Quốc ưa chuộng. Với tốc độ tăng trưởng như hiện tại, dự báo xuất khẩu trái cây trong những tháng còn lại của năm 2023 sẽ tiếp tục khả quan”, bà Tường Vy nhấn mạnh.
Dư địa tăng trưởng thương mại Việt – Trung còn lớn
Dư địa tăng trưởng thương mại 2 chiều Việt Nam – Trung Quốc được nhận định còn rất lớn trong nhiều năm tới. Nền tảng là dung lượng thị trường lớn và nhu cầu của Trung Quốc với hàng hóa Việt Nam phục vụ thị trường tỷ dân tiếp tục gia tăng, trong khi Việt Nam cần nguồn nguyên liệu từ Trung Quốc để phục vụ sản xuất.
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến nay, Việt Nam đã có 13 mặt hàng nông sản xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, gồm: tổ yến, khoai lang, thanh long, nhãn, chôm chôm, xoài, mít, dưa hấu, chuối, măng cụt, vải, chanh dây và sầu riêng.
Cùng đó, thương mại 2 chiều được hậu thuẫn bởi một số Hiệp định thương mại tự do đã có hiệu lực, như Hiệp định Thương mại tự do Trung Quốc – ASEAN; Hiệp định Đối tác Toàn diện khu vực (RCEP), giúp thuận lợi hóa về thương mại, hải quan, gia tăng cơ hội ưu đãi thuế quan…cho doanh nghiệp 2 nước.
Tín hiệu thuận lợi là Trung Quốc tiếp tục mở cửa thị trường nhập khẩu cho nông sản Việt, nâng cao hiệu suất thông quan, tăng cường hợp tác kinh tế thương mại giữa Việt Nam và các địa phương Trung Quốc.
Theo Thứ trưởng Bộ Công thương, ông Đỗ Thắng Hải: “Hàng Việt ngày càng có vị thế tại thị trường tỷ dân, nhưng cùng với sức cầu lớn, yêu cầu về tiêu chuẩn hàng hóa cũng cao hơn, buộc các nhà sản xuất trong nước phải tuân thủ, chuẩn hóa quy trình sản xuất. Thị trường này đã không còn dễ tính..”.
Từ nay tới cuối năm, xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc sẽ chứng kiến mức tăng trưởng nhanh hơn, do nhu cầu tiêu dùng cuối năm tăng, trong đó, một số nông sản vào thị trường Trung Quốc sẽ tăng mạnh, như nhóm hàng rau quả, gạo…
Các mặt hàng suy giảm mạnh trong 8 tháng đầu năm như gỗ, thủy sản, sắn có thể phục hồi nhẹ.
Là doanh nghiệp xuất khẩu trái cây lớn, Vina T&T Group cho biết, đang khai thác thị trường Trung Quốc rất hiệu quả để tăng xuất khẩu các mặt hàng nông sản có giá trị như sầu riêng, thanh long..
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Vina T&T Group, cho biết, Thái Lan đã xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc nhiều năm, có mạng lưới phân phối rộng lớn nhưng Việt Nam cũng có lợi thế là có nguồn sầu riêng quanh năm, do đó từ cuối năm ngoái, Vina T&T Group đã “bắt tay” với Tập đoàn Sunwah (Hồng Kông, Trung Quốc) xuất khẩu 90.000 tấn sầu riêng tươi chính ngạch sang Trung Quốc trong năm 2023
Để hoạt động xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc khôi phục và phát triển bền vững, Bộ Công thương khuyến nghị các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu nông sản, thực phẩm cần chú ý nghiên cứu và khẩn trương hoàn tất thủ tục đăng ký trước khi xuất khẩu nông sản, thực phẩm sang thị trường Trung Quốc.
Phối hợp với đối tác Trung Quốc đa dạng hóa tuyến xuất khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới, tránh tập trung vào một vài cửa khẩu biên giới nhất định hoặc tận dụng tuyến vận tải biển, vận tải đường sắt liên vận Việt Nam – Trung Quốc, hạn chế nguy cơ gây ùn tắc tại các cửa khẩu trong mùa cao điểm.
Nghiên cứu kỹ thông tin, tín hiệu và các quy định, tiêu chuẩn của thị trường, tuân thủ đầy đủ các điều kiện về đăng ký doanh nghiệp, các tiêu chuẩn chất lượng, kiểm nghiệm kiểm dịch, bao bì đóng gói, truy xuất nguồn gốc…
Nguồn: https://baodautu.vn/dau-an-xuat-nhap-khau-voi-thi-truong-trung-quoc-d198192.html