Động lực thu hút, thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến

Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) không chỉ đưa nông sản đến với người tiêu dùng trong nước, hướng đến xuất khẩu, mà còn thu hút được đông đảo các hợp tác xã, đơn vị, doanh nghiệp chế biến, từ đó hình thành chuỗi giá trị hàng hóa sản phẩm.

Hình thành chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ

Sau 4 năm triển khai Chương trình OCOP vào thực tế, Đồng Nai đã có 232 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên là các sản phẩm đặc trưng, thế mạnh của địa phương. Chương trình đã hình thành nhiều chuỗi giá trị sản phẩm từ sản xuất đến chế biến và tiêu thụ. Đến nay, toàn tỉnh có gần 200 chuỗi liên kết với sự tham gia của hơn 100 doanh nghiệp, 65 hợp tác xã (HTX). Trong đó các sở, ngành liên quan tổ chức nhiều chương trình hỗ trợ các sản phẩm OCOP xây dựng được chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ.

Là huyện thuần nông, Cẩm Mỹ rất chú trọng triển khai thực hiện Chương trình OCOP. Đến nay, toàn huyện có 20 sản phẩm được chứng nhận OCOP; trong đó có 18 sản phẩm OCOP 3 sao, 2 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP 4 sao. Nhiều nông sản, trái cây tươi được cấp chứng nhận OCOP như: sầu riêng Xuân Đường, sầu riêng Sáu Hiệp (xã Xuân Quế), hồ tiêu Lâm San, bưởi da xanh xã Xuân Mỹ, chôm chôm Sông Nhạn…

Cơ sở sản xuất sầu riêng cấp đông xuất khẩu tại huyện Xuân Lộc.

Huyện đang tiếp tục tập trung vận động các chủ thể sản xuất, kinh doanh duy trì, nâng chất lượng sản phẩm OCOP để ngày càng đáp ứng tốt hơn cả về nhu cầu chất lượng và sự đa dạng sản phẩm của thị trường tiêu thụ. Qua đó, góp phần xây dựng nhãn hàng, thương hiệu nông sản địa phương.

Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thương mại Toàn Thắng (huyện Cẩm Mỹ) Trương A Vùng nhận xét, sầu riêng mỗi năm chỉ có một vụ thu hoạch. Khi doanh nghiệp triển khai thêm khâu chế biến, làm sầu riêng đông lạnh, người tiêu dùng có thể thưởng thức đặc sản này quanh năm. Thị trường trong nước cũng là kênh tiêu thụ giàu tiềm năng cho sản phẩm sầu riêng cấp đông. Theo đó, doanh nghiệp tham gia làm OCOP, sản phẩm sầu riêng múi cấp đông của doanh nghiệp đã đạt chuẩn OCOP 4 sao. Chứng nhận này góp phần khẳng định uy tín về chất lượng của sản phẩm với người tiêu dùng trong nước.

Phát triển mô hình khép kín, đầu tư dây chuyền chế biến

HTX Nông nghiệp An Hòa Hưng (TP. Biên Hòa) thành lập từ năm 2019 nhưng trước đó 10 năm, chị Hoàng Thị Kim Oanh, Giám đốc HTX đã nghiên cứu về cây an xoa (một loại thảo dược có lợi cho sức khỏe) và đăng tải những kết quả nghiên cứu này lên các diễn đàn thuốc nam, dược liệu. Sau rất nhiều lần thử nghiệm thất bại thì chị đã tạo ra được sản phẩm ưng ý, được chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa với tên gọi là An Hòa.

Để phát triển dòng sản phẩm này, HTX Nông nghiệp An Hòa Hưng đã ra đời. Từ việc sản xuất khoảng 3.000 sản phẩm/tháng thời điểm đầu thành lập, đến nay mỗi tháng, HTX cung ứng 5.000 sản phẩm, số lượng đại lý liên tục được mở rộng. Điều đặc biệt, HTX tiên phong trong phát triển mô hình khép kín là nghiên cứu, trồng, chế tạo và phát triển dòng sản phẩm cao dược liệu. Sản phẩm An Hòa cũng là một trong 17 sản phẩm được xếp hạng OCOP đầu tiên của Đồng Nai và tới năm 2022 thì được xếp hạng 4 sao. Hiện HTX cũng đang nghiên cứu những dòng sản phẩm khác bổ sung vào hệ sinh thái sản phẩm theo hướng chăm sóc, bảo vệ sức khỏe để cung ứng ra thị trường.

Tại huyện Trảng Bom, HTX Thanh Bình là đơn vị có 2 sản phẩm đạt OCOP 3 sao. Hiện HTX đã đầu tư dây chuyền thu hoạch đến hệ thống kho lạnh, các máy móc sơ chế, chế biến sản phẩm từ chuối. Trung bình mỗi năm, HTX xuất khẩu được 3.000 – 5.000 tấn chuối tươi, trong đó có nhiều thị trường Hàn Quốc, Trung Quốc và một phần sang thị trường châu Âu.

HTX Thanh Bình là đơn vị đi tiên phong làm mã số vùng trồng chuối xuất khẩu trên địa bàn tỉnh. Trong đó, HTX có 120ha chuối canh tác theo hướng hữu cơ, năng suất bình quân thu hoạch chuối trên 1ha dao động 45 – 52 tấn, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa. HTX này cũng đã đầu tư dây chuyền thu hoạch đến hệ thống kho lạnh, các máy móc sơ chế, chế biến…

Theo Giám đốc HTX Lý Minh Hùng, ngoài sản xuất chuối tươi, HTX còn nâng cao giá trị sản phẩm và đa dạng thị trường bằng việc đầu tư xưởng chế biến chuối. HTX cũng đầu tư được nhà sơ chế, chế biến quy mô 500m2 cùng hệ thống dây chuyền thu hoạch chuối, máy chế biến nông sản khô, máy chế biến dẻo các loại nông sản, hệ thống kho lạnh. Sản phẩm chế biến của HTX cũng khá đa dạng như: chuối già lùn sấy dẻo, chuối sấy giòn.

Ngoài việc mạnh dạn đầu tư để đưa trái chuối xuất ngoại, ông Lý Minh Hùng còn nghiên cứu làm bẹ chuối, xơ, sợi chuối sấy khô bán trong nước và xuất khẩu. Điều này không chỉ tận dụng được những bẹ chuối bỏ đi sau thu hoạch của vùng thủ phủ chuối Đồng Nai mà còn mở ra cơ hội phát triển chuối bền vững cho bà con nông dân.

Trong 2 năm (2021 – 2022), HTX sản xuất từ 6 – 10 tấn bẹ dây chuối, sợi dây chuối/tháng để xuất khẩu đi các nước làm nguyên liệu sản xuất các sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Theo đó, thu nhập bình quân của HTX đạt khoảng 3 tỷ đồng/năm; tạo việc làm cho hàng chục lao động tại địa phương với mức thu nhập bình quân gần 6 triệu đồng/người/tháng.

Bà Tô Thị Nga, Giám đốc Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu Nga Biên (xã Xuân Hưng, huyện Xuân Lộc) cho biết, trước đây doanh nghiệp chỉ xuất nguyên liệu hoặc làm ra sản phẩm theo dạng gia công cho các đơn vị khác nên trên sản phẩm khi đến tay người tiêu dùng không có thông tin về doanh nghiệp. Hiện nay, doanh nghiệp làm nhãn hàng với đầy đủ thông tin giới thiệu đến người tiêu dùng. Với mong muốn tăng độ nhận diện về sản phẩm với người tiêu dùng trong nước, doanh nghiệp đăng ký tham gia làm sản phẩm OCOP.

Nguồn: https://daibieunhandan.vn/dong-luc-thu-hut-thuc-day-phat-trien-cong-nghiep-che-bien-post395215.html