EVFTA được coi là cơ hội để nông sản Việt liên kết sâu rộng vào thị trường lớn nhưng cũng là thách thức đòi hỏi sản xuất nông nghiệp cần phải thay đổi mạnh mẽ hơn …
Việt Nam đã hội nhập quốc tế mạnh mẽ và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu EU (EVFTA) được coi là một trong những hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới với những cam kết sâu rộng và toàn diện, mức độ cam kết sâu nhất (cắt giảm thuế gần như về 0% với lộ trình ngắn), có cơ chế thực thi chặt chẽ.
EU hiện là thị trường lớn thứ ba của xuất khẩu nông lâm thủy sản nước ta (sau Trung Quốc và Mỹ) với kim ngạch chiếm 11,75% thị phần. Với 27 quốc gia thành viên, hơn 511 triệu dân, GDP đầu người trên 35.000 USD, EU được đánh giá là thị trường lớn có mức thu nhập cao.
EVFTA được coi là cơ hội để nông sản Việt liên kết sâu rộng vào thị trường lớn, có giá bán cao, nhưng cũng là thách thức đòi hỏi sản xuất nông nghiệp nước ta cần phải thay đổi mạnh mẽ hơn nữa.
Sơ chế thanh long xuất khẩu tại Công ty Cổ phần Thực Phẩm Hùng Hậu
BA TRỤ CỘT CÓ THỂ KHAI THÁC LỢI THẾ TỪ EVFTA
Ông Nguyễn Xuân Cường – Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định 3 trụ cột có thể khai thác lợi thế từ EVFTA.
Thứ nhất, về thương mại nông sản, hiện nay chúng ta xuất khẩu sang thị trường EU khoảng 5,5 tỷ USD/năm, chiếm tỷ trọng 15% tổng giá trị xuất khẩu nông sản của Việt Nam. Với giá trị này, chúng ta chỉ chiếm 4% thị trường nhập khẩu nông sản của EU bởi tổng giá trị nhập khẩu nông sản của EU là 160 tỷ USD/năm. Đây chính là tiềm năng.
Thứ hai, là công nghệ của các quốc gia châu Âu rất tốt, đặc biệt là máy móc chế biến nông sản, vấn đề này ngành nông nghiệp đang yếu trong chuỗi giá trị sản phẩm.
Thứ ba, là nâng cao hiệu lực quản lý của ngành nông nghiệp. Nếu không hoàn thiện thể chế quản lý, chúng ta sẽ bị bật ra khỏi cuộc chơi. Với việc tăng cường mối quan hệ giữa Việt Nam và EU, hai bên có thể đẩy mạnh hợp tác khoa học công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực cho cả ba khu vực: quản lý nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Chúng tôi xác định, thị trường EU còn rất nhiều dư địa để đẩy mạnh xuất khẩu trong thời gian tới. Vì vậy, tất cả nhóm ngành hàng chúng ta có lợi thế thì cần phải triển khai nhanh, đồng bộ trên cả quy mô lớn, nhỏ. Qua hơn 2 tháng Hiệp định EVFTA có hiệu lực (1/8/2020), xuất khẩu nông sản sang thị trường EU trong tháng 8 và 9 đã tăng 15-17% so với tháng 7. Với đà tăng này, những tháng còn lại của năm 2020, xuất khẩu nông sản sang EU dự kiến tiếp tục tăng mạnh hơn nữa.
Với EVFTA, chúng ta không chỉ khai thác giá trị tuyệt đối về xuất khẩu sang EU, mà thông qua thị trường này để làm “tín chỉ” chứng minh trình độ sản xuất nông sản Việt Nam, trình độ liên kết các nhóm hàng Việt Nam đã đến cấp độ đi đến bất kỳ thị trường nào trên thế giới. Từ đó, mở rộng quá trình tổ chức sản xuất tạo sinh kế, lợi nhuận cho bà con nông dân.
Ngành nông nghiệp đang đẩy mạnh tái cơ cấu các ngành hàng theo hướng tập trung sản xuất hàng hoá theo chuỗi liên kết từ nguyên liệu, chế biến và đặc biệt là bao bì, nhãn mác. Chúng tôi xác định một số nhóm ngành đang có lợi thế như rau quả, thủy sản, nhóm sản phẩm cây công nghiệp để tập trung khai thác. Những nhóm ngành hàng này đã tập trung đẩy nhanh công tác sản xuất chuỗi, chuẩn bị kỹ về kỹ năng thương mại để hưởng thuế 0% ngay khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực. Bên cạnh đó là tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo chuỗi, trong đó liên kết chặt chẽ giữa hợp tác xã, doanh nghiệp với bà con nông dân, hình thành quy trình khép kín từ tổ chức nguyên liệu cho đến khâu chế biến, đảm bảo truy xuất nguồn gốc, an toàn thực phẩm. Có như vậy mới khai thác tốt thị trường EU.
Để đẩy mạnh xuất khẩu nông sản, trong quý cuối năm, toàn ngành nông nghiệp dự kiến sẽ khánh thành 10-12 dự án lớn, tập trung vào khâu yếu nhất là chế biến nông sản. Điển hình như khánh thành một nhà máy chế biến thức ăn thuỷ sản thúc đẩy ngành thuỷ sản nhanh hơn. Nhà máy là kết quả của sự hợp tác giữa Việt Nam và EU thể hiện tinh thần “win – win”. Đồng thời, khánh nhà máy lớn chế biến sản phẩm chăn nuôi ở Bình Phước, nhà máy chế biến rau quả lớn ở Sơn La…
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã và đang hoàn thiện chương trình hành động để triển khai EVFTA cả khu vực quản lý nhà nước, khu vực tư nhân, hiệp hội các ngành hàng và khu vực người dân với phương châm hành động “hai bên cùng thắng” chứ không phải chỉ riêng Việt Nam. Muốn làm được điều đó, bắt buộc phải thực hiện tái cơ cấu các ngành hàng bởi thị trường EU không phải một cái chợ mà chúng ta muốn bán gì thì bán.
“Để đẩy mạnh xuất khẩu nông sản, trong quý cuối năm, toàn ngành nông nghiệp dự kiến sẽ khánh thành 10-12 dự án lớn, tập trung vào khâu yếu nhất là chế biến nông sản”
GIA TĂNG XUẤT KHẨU CÀ PHÊ CHẾ BIẾN
Ông Thái Như Hiệp – Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp
EU đang là thị trường tiêu thụ nhiều cà phê nhất của Việt Nam, chiếm 40% tổng lượng và 38% về kim ngạch xuất khẩu cà phê của nước ta (trung bình giá trị xuất khẩu cà phê sang EU đạt 1,2 – 1,4 tỷ USD/năm trong 5 năm qua). Hiệp định EVFTA có hiệu lực đã đem đến những thuận lợi cho ngành cà phê Việt Nam nói chung, công ty chúng tôi nói riêng, đó là khi hàng rào thuế quan đã được dỡ bỏ, theo đó thuế xuất khẩu vào EU trở về 0%, giá trị đem lại cho nông dân, doanh nghiệp và nhà nhập khẩu được bền vững.
Tuy nhiên, để sản phẩm cà phê được vào châu Âu cũng gặp phải những rào cản mà kinh tế thương mại ràng buộc giữa các nhà xuất khẩu, buộc phải có truy xuất nguồn gốc, nâng cao chất lượng sản phẩm, chỉ dẫn địa lý, thực thi các quy trình của Hiệp định EVFTA đã được kiểm soát từ nhà xuất khẩu và nhà nhập khẩu. Đây là thách thức lớn đối với những doanh nghiệp đứng chân trên vùng nguyên liệu. Trước tiên là phải xây dựng được vùng nguyên liệu bền vững, chất lượng; sau đó là phải giữ được vùng nguyên liệu, làm cho vùng nguyên liệu đó hấp dẫn những thị trường vốn rất khó tính này.
Từ khi Chính phủ thông qua Hiệp định EVFTA, mỗi doanh nghiệp trên vùng nguyên liệu phải chuẩn bị từ trước đây 5 năm để hội nhập. Sự chuẩn bị đó là phải xây dựng lại quy trình, quy chuẩn về canh tác nhằm nâng cao giá trị sản phẩm; thay đổi cách làm truyền thống lạc hậu kém hiệu quả, ảnh hưởng xấu đến môi trường, hội nhập phương thức canh tác mới về công nghiệp số, nông nghiệp số, chuẩn hóa số từ bao bì, chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý…
Hiện sản phẩm của Công ty Vĩnh Hiệp đã đạt toàn bộ các chứng chỉ quốc tế cho 25.000 ha cà phê của công ty. Từ các chứng chỉ của Mỹ, Nhật, châu Âu, Hàn Quốc, kể cả chứng chỉ của các tổ chức bền vững, trong đó có Hà Lan về FOSI, DELFORES. Đặc biệt, Công ty Vĩnh Hiệp là doanh nghiệp cà phê đầu tiên của Việt Nam đạt được chứng nhận USDA của Mỹ. Niên vụ 2019 – 2020, chúng tôi đã xuất sang thị trường châu Âu khoảng 34.000 tấn cà phê, gồm các sản phẩm như cà phê rang xay, cà phê hòa tan, cà phê tinh và cà phê sạch.
Muốn xuất khẩu sang EU, tận dụng ưu đãi thuế quan từ EVFTA, các doanh nghiệp cà phê ngoài việc đảm bảo các tiêu chuẩn cần đầu tư nhiều hơn vào khâu chế biến. Đặc biệt trong bối cảnh giá trị gia tăng hiện nay vẫn chưa cao vì tỷ lệ cà phê rang xay chỉ chiếm chưa đến 10% tổng lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam. Trước đây, EU bảo hộ cà phê chế biến như rang xay, hòa tan… và áp thuế nhập khẩu cao, nên cà phê chế biến của Việt Nam ít có cơ hội. Nay, EU đã xóa bỏ thuế với cà phê chế biến thì việc gia tăng xuất khẩu cà phê chế biến vào EU để tận dụng ưu đãi thuế quan là điều mà các DN cần làm ngay.
CÁC DOANH NGHIỆP VIỆT NGÀY CÀNG NĂNG ĐỘNG
Ông Phùng Đức Tiến – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Ngay khi Thủ tướng Chính phủ có Quyết định 1201/2020/QĐ-TTg (6/8/2020) phê duyệt kế hoạch thực hiện Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), Bộ NN&PTNT đã xây dựng ngay Chương trình hành động cho ngành nông nghiệp. Ưu đãi thuế quan chỉ là bước khởi đầu để các doanh nghiệp bước vào thị trường EU. Muốn nâng cao kim ngạch xuất khẩu vào thị trường này, các doanh nghiệp cần đáp ứng đầy đủ quy trình phía EU yêu cầu, từ tổ chức sản xuất, sử dụng giống, vật tư đầu vào, xây dựng mã số vùng trồng, mã số vùng nuôi đến khâu chế biến, vận chuyển phải đảm bảo an toàn và minh bạch.
Trước đó, các doanh nghiệp đã có sự chuẩn bị ngay từ đầu, từ khâu giống, vật tư đầu vào đến quy trình nuôi, trồng sao cho đáp ứng các tiêu chuẩn của EU. Nhờ vậy, ngay khi EVFTA chính thức có hiệu lực từ 1/8/2020, các doanh nghiệp có bước chuẩn bị kỹ lưỡng đã đón sóng cơ hội. Chỉ trong 2 tháng sau khi EVFTA có hiệu lực, kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam vào EU đã đạt 766,3 triệu USD. Giá trị kim ngạch xuất khẩu nông sản sang EU tháng 8/2020 tăng tới 11,9% so với tháng 7/2020; sang tháng 9/2020, giá trị kim ngạch xuất khẩu nông sản sang EU tăng tới 35% so với tháng 8/2020.
Cũng phải khẳng định, các doanh nghiệp Việt Nam ngày càng năng động trong tìm kiếm thị trường, liên kết với nông dân thực hiện đúng các khuyến cáo của EU để nâng cao giá trị nông sản, được phía đối tác EU đánh giá cao.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tạo môi trường thuận lợi giúp các doanh nghiệp xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu. Tôi tin tưởng, thời gian tới nếu chúng ta làm tốt vấn đề truy xuất nguồn gốc, kiểm soát tốt chất lượng nông sản, giá trị kim ngạch xuất khẩu vào EU sẽ còn lớn hơn nữa.
Trong số các mặt hàng có lợi thế vào EU, tôi đánh giá cao mặt hàng tôm và cá tra. Trong đó, mặt hàng tôm năm nay cho sản lượng lớn, giá cao, cơ hội vào EU rất tốt. Ngày càng nhiều doanh nghiệp đảm bảo đủ các tiêu chí xuất khẩu vào thị trường khó tính nhất nhì thế giới này. Với mặt hàng cá tra, sau một thời gian chững lại, giá trị kim ngạch xuất khẩu tháng 7/2020 đã tăng tới 13%, bước sang tháng 8 và tháng 9, xuất khẩu cá tra tiếp tục khởi sắc, giá cá tra nguyên liệu cũng đã tăng 19.000 – 20.000 đồng/kg. Với hai sản phẩm chủ lực này, ngoài việc giữ vững và tiếp tục mở rộng thị trường ở 27 nước EU mà chúng tôi coi việc xuất khẩu sang EU cũng là cầu nối đưa tôm, đặc biệt là cá tra sang thị trường Nga. Hiện, đã có doanh nghiệp ký xuất khẩu cá tra hàng năm vào thị trường Nga.
ĐỘT PHÁ TỪ SẢN PHẨM CHANH LEO
Ông Đinh Cao Khuê – Tổng Giám đốc Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao
EVFTA là dấu mốc vô cùng quan trọng, mở ra cơ hội lớn cho xuất khẩu rau quả tươi cũng như chế biến của Việt Nam. Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao là một trong những doanh nghiệp hàng đầu cả nước trong lĩnh vực sản xuất, chế biến và xuất khẩu nông sản, đi tiên phong trong đầu tư, đổi mới công nghệ tiên tiến, trang thiết bị hiện đại, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của các thị trường lớn và yêu cầu nghiêm ngặt, góp phần đưa rau quả Việt ra thị trường thế giới. Công ty cũng là đơn vị xuất khẩu lô chanh leo đầu tiên sang Đức theo Hiệp định EVFTA, vào ngày 16/9 vừa qua.
Trong 5 năm qua, Việt Nam đã nổi lên như một quốc gia sản xuất và xuất khẩu chanh leo hàng đầu khu vực do điều kiện tự nhiên thuận lợi cho sản xuất và nhu cầu gia tăng về chanh leo và các sản phẩm chế biến từ chanh leo trên thị trường quốc tế, đặc biệt là các thị trường cao cấp. Hiện chanh leo Việt Nam đã xuất khẩu tới cả các thị trường có yêu cầu nghiêm ngặt về chất lượng, kiểm dịch và an toàn thực phẩm như Pháp, Đức, Hồng Kông, Hà Lan, Hàn Quốc, Đài Loan, Thụy Sĩ…
Từ năm 2015 – 2018, sản lượng và kim ngạch xuất khẩu chanh leo của Việt Nam đã tăng hơn 300%, tương ứng từ 95 nghìn tấn quả tươi/năm (2015) lên 300 nghìn tấn quả tươi (2018) và kim ngạch từ 19,6 triệu USD lên 66,2 triệu USD, đưa Việt Nam vào top 10 quốc gia xuất khẩu chanh leo lớn nhất trên thế giới, sau Brazil, Peru, Ecuador… Năm 2019, các sản phẩm chế biến từ chanh leo là mặt hàng nông sản xuất khẩu chiếm tỷ trọng cao (trên 65% tổng giá trị chanh leo xuất khẩu) và có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất trong các loại trái cây (tăng hơn 50% so với 2018). Sáu tháng đầu năm 2020, xuất khẩu chanh leo đạt 18,4 triệu, tăng 41% so với cùng kỳ 2019.
Với ưu đãi về thuế, rau quả nói chung, sản phẩm chanh leo nói riêng, Việt Nam được tạo điều kiện, tăng sức cạnh tranh với các nước cùng vị trí địa lý cũng như với các nước sản xuất chanh leo khác như Nam Mỹ, Ecuado, Costarica… tại thị trường EU. Trước đây, với sản phẩm chanh leo, Công ty chúng tôi xuất sang Hà Lan, Đức… phải chịu thuế 7,5% nay được giảm xuống 0%.
EU LÀ KHÔNG GIAN CẠNH TRANH
TS.Nguyễn Quốc Toản – Cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Thị trường EU với không gian dân số 500 triệu người, thu nhập bình quân đầu người đạt 15,8 nghìn USD là một thị trường bậc cao, đa dạng sản phẩm. EU hiện là thị trường lớn thứ ba của xuất khẩu nông lâm thủy sản nước ta (sau Trung Quốc và Mỹ) với kim ngạch chiếm 11,75% thị phần.
Với việc phê chuẩn EVFTA, chúng ta phải coi đây là không gian cạnh tranh với các nước xuất khẩu khác trên thế giới. Phải xác định vào EU là những mặt hàng có giá trị cao, giá bán cao, vì thế phải sản xuất đạt chuẩn về giá trị, bên cạnh giá trị kinh tế còn có giá trị văn hóa. Tới đây, Bộ Tài chính sẽ ban hành biểu thuế những mặt hàng được ưu đãi thuế xuất nhập khẩu vào EU. Trong đó, riêng rau quả chiếm 94% trong tổng số 547 dòng thuế được ưu đãi. Nhiều mặt hàng thế mạnh của Việt Nam như chanh leo, vải nhãn, chôm chôm, thanh long đều… là những sản phẩm rau quả nhiệt đới, bổ trợ cho nhóm rau quả ôn đới của châu Âu.
Thách thức lớn nhất khi vào thị trường châu Âu là phải tạo được niềm tin cho người tiêu dùng. Niềm tin này phải bắt đầu từ những dòng sản phẩm vừa có lợi thế, vừa đảm bảo chất lượng, quy chuẩn, có sức cạng tranh ngang tầm. Thách thức nữa là làm sao chúng ta có hệ thống phân phối theo chuỗi, đặc biệt là phải phát triển phân khúc bán lẻ ở trên khắp châu Âu.
Trong những tháng cuối năm là những tháng về đích, không chỉ về hoàn thiện thể chế chính sách mà còn phải tận dụng những cơ hội thị trường, các hiệp định thương mại tự do mà chúng ta vừa ký kết, đặc biệt là EVFTA. Coi đây là những mũi đột phá để hoàn thành các chỉ tiêu về mặt tăng trưởng, chúng ta cùng xây dựng kịch bản về mặt kinh doanh, tăng cường liên kết với các doanh nghiệp nhập khẩu đầu mối ở từng thị trường, đặc biệt là ở thị trường châu Âu, châu Mỹ. Đồng thời tận dụng lợi thế ở hệ thống tham tán đã được thiết lập ở các khu vực, đầu mối các nhà nhập khẩu đã sẵn có.
Đối với các hiệp định thương mại thế hệ mới, các doanh nghiệp cần hiểu sâu sắc nội dụng của các hiệp định, các điều khoản ưu đãi và cả những thách thức phải vượt qua. Đó là, trong từng doanh nghiệp phải có bộ phận nghiên cứu thị trường, nghiên cứu về mặt pháp lý, kinh tế. Các doanh nghiệp cần phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chuyên ngành của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để giải quyết những vấn đề về rào cản kỹ thuật. Điều quan trọng là không ngừng cải thiện về chất lượng, đặc biệt là liên tục cập nhật những quy định mới của châu Âu. Hàng tuần, văn phòng SPS gửi các thông báo cho các hiệp hội ngành hàng nên doanh nghiệp phải tăng cường mối liên kết với các hiệp hội.
Chúng ta cần tăng cường thông tin từ cơ quan nhà nước tới các hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp Cùng với đó, là thông tin của các doanh nghiệp về thị trường ở các nước. Dù đã rất chủ động nhưng các doanh nghiệp cần tận dụng lợi thế so sánh quốc gia, có sức mạnh đoàn kết tổng hợp. Trong khâu quảng bá, bao bì đóng gói thì phải cải tiến, đổi mới triệt để. Chúng ta nên học tập những cách làm hay của Hàn Quốc, Singapore.
Source: VNEconomy