Việc phát triển mở rộng thị trường cho quả vải Thanh Hà luôn được các cấp, ngành, địa phương của Hải Dương đặc biệt quan tâm. Ông Trần Văn Hảo, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hải Dương đã trao đổi với Mekong ASEAN về tình hình mùa thu hoạch năm nay.
Mekong ASEAN: Trong niên vụ vải thiều năm nay tại tỉnh Hải Dương, ông đánh giá thế nào về năng suất và chất lượng của nông sản này?
Ông Trần Văn Hảo: Để chuẩn bị cho vụ vải năm 2023, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hải Dương đã chỉ đạo các sở, ngành, chính quyền địa phương khảo sát, tìm hiểu thực tế và có biện pháp hỗ trợ, hướng dẫn, tư vấn nông dân kỹ thuật canh tác, chăm bón vải thiều, tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP để nâng cao năng suất, sản lượng và chất lượng sản phẩm.
Hiện Hải Dương có 8.880 ha vải thiều, trong đó diện tích vải thiều sớm khoảng 30%, vải thiều chính vụ khoảng 70%. Dự kiến sản lượng vải quả năm nay đạt khoảng 60.000 tấn, tương đương sản lượng vải năm trước; trong đó, trà vải thiều sớm và trà vải thiều trung khoảng 30.000 tấn, trà vải thiều chính vụ khoảng 30.000 tấn.
Đến nay, vải thiều của Hải Dương cơ bản được sản xuất theo quy trình an toàn, trong đó có 500 ha đã được chứng nhận sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và đủ điều kiện xuất khẩu sang các thị trường cao cấp.
Toàn tỉnh hiện có 203 mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu; trong đó có 42 mã Hoa Kỳ, 46 mã Australia, 39 mã Nhật Bản, 8 mã Thái Lan, 68 mã Trung Quốc. Bên cạnh đó có 21 mã số cơ sở đóng gói xuất khẩu sang các thị trường Trung Quốc (13 mã), Hoa Kỳ, Australia, Newzeland, Nhật Bản và Thái Lan, với công suất gần 500 tấn/ngày.
Qua khảo sát ban đầu, các loại vitamin trong quả vải thiều Thanh Hà năm nay cao hơn, mẫu mã đẹp hơn so với những năm trước. Thời gian thu hoạch trà vải thiều sớm bắt đầu từ ngày 15/5, rộ từ ngày 25/5 – 5/6; trà vải thiều chính vụ bắt đầu từ ngày 5/6 đến hết tháng 6, tập trung từ ngày 10 – 20/6.
Mekong ASEAN: Ông có thể cho biết về công tác xúc tiến thương mại cho trái vải thiều đã và đang được Sở Công Thương Hải Dương triển khai như thế nào?
Ông Trần Văn Hảo: Việc tìm đầu ra cho nông sản nói chung và quả vải nói riêng luôn được các cấp, các ngành và các địa phương trong tỉnh quan tâm. Trong những năm qua, Sở Công Thương Hải Dương đã chủ động thực hiện các hoạt động kết nối giao thương, xúc tiến thương mại nhằm tìm đầu ra cho các sản phẩm nông sản tiêu biểu của tỉnh, nhất là vải quả.
Để bảo đảm tiêu thụ cho vải thiều niên vụ năm 2023 được hiệu quả, ngay từ sớm Sở đã chủ động tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp. Cụ thể, sớm gửi thông tin về tình hình sản xuất, các địa chỉ cung ứng đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP cho các doanh nghiệp tiêu thụ. Tổ chức cho các doanh nghiệp khảo sát, tìm hiểu các vùng trồng để nắm tình hình và xây dựng kế hoạch thu mua vải quả, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu. Đồng thời làm việc với các trung tâm thương mại lớn, các chợ đầu mối để thống nhất phương án kế hoạch tiêu thụ các sản phẩm nông sản.
Chủ động tham mưu UBND tỉnh liên hệ với các bộ, ngành, các tỉnh có cửa khẩu tạo điều kiện hỗ trợ tốt nhất cho việc xuất khẩu vải thiều tươi được thuận lợi, tránh bị ùn tắc tại các cửa khẩu.
Đồng thời, phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) và các đơn vị có liên quan tăng cường đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, sản phẩm vải thiều và nông sản trên các phương tiện truyền thông; hỗ trợ mở gian hàng bán vải trên các sàn thương mại điện tử như Lazada, Sendo, Postmart… và trên mạng xã hội như Zalo; Facebook; Tictok… nhằm đẩy mạnh tiêu thụ vải thiều.
Bên cạnh đó, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương, các ngành liên quan của tỉnh và Vụ Á – Phi (Bộ Công Thương) tuyên truyền phổ biến và hướng dẫn người nông dân và các doanh nghiệp thu mua chế biến, tiêu thụ vải thiều biết và chủ động sản xuất đáp ứng các yêu cầu từ phía thị trường Trung Quốc.
Kết nối làm việc với các doanh nghiệp du lịch, lữ hành để đưa sản phẩm vải thiều vào tiêu thụ tại hệ thống các khu, điểm du lịch, nhà hàng, khách sạn, các sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch trên toàn quốc.
Ngoài ra, Sở Công Thương Hải Dương sẽ tiếp tục chủ động phối hợp với các vụ, cục của Bộ Công Thương, các bộ ngành Trung ương và Sở Công Thương các tỉnh, thành phố để có những thông tin hỗ trợ kịp thời cho người nông dân và các doanh nghiệp thu mua, tiêu thụ vải quả.
Mekong ASEAN: Về định hướng trong thời gian tới cho thị trường trong và ngoài nước, Sở Công Thương Hải Dương có những kế hoạch nào, thưa ông?
Ông Trần Văn Hảo: Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, với việc tham gia mạnh mẽ các FTA thế hệ mới đã mở ra nhiều cơ hội, song việc xuất khẩu nông sản nói chung, quả vải nói riêng còn gặp nhiều khó khăn do các quy định khắt khe, yêu cầu cao về các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, hàm lượng dinh dưỡng, dư lượng hoá chất, thuốc bảo vệ thực vật, mẫu mã, nguồn gốc xuất xứ…
Cùng với đó, tình hình dịch bệnh Covid-19 đang có những diễn biến phức tạp, điều này gây ảnh hưởng rất lớn đến việc tiêu thụ và xuất khẩu vải thiều của tỉnh.
Để tăng cường công tác xúc tiến, mở rộng thị trường cho quả vải cùng với nông sản, trong thời gian tới ngành Công Thương Hải Dương sẽ tiếp tục tăng cường phối hợp với Bộ Công Thương và thông qua các Tham tán thương mại chủ động cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp về nhu cầu nông sản ở các nước đối với từng loại nông sản chủ lực của tỉnh; các thông tin về các hàng rào kỹ thuật một cách chi tiết, cụ thể để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, người nông dân nắm bắt xây dựng kế hoạch hoạt động sản xuất, xuất khẩu phù hợp.
Chủ động cung cấp thông tin về tình hình sản xuất, sản lượng, chủng loại, thời gian thu hoạch, các địa chỉ cung ứng đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Tăng cường tuyên truyền để các doanh nghiệp, người nông dân ý thức việc bảo đảm chất lượng sản phẩm, an toàn vệ sinh thực phẩm… Đồng thời đề nghị với Bộ Công Thương hỗ trợ tổ chức chuỗi các hoạt động xúc tiến thương mại đối với quả vải trong năm 2023.
Cùng với đó, duy trì, giữ vững và tiếp tục mở rộng các thị trường đã có như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Australia, EU…; chủ động, tích cực phối hợp với các cục, vụ của Bộ Công Thương và Tham tán thương mại tại các nước để quảng bá, kết nối, xúc tiến nhằm khai thông và thâm nhập phát triển các thị trường mới, đa dạng hóa thị trường.
Qua khảo sát, thị trường trong nước với gần 100 triệu dân là thị trường lớn, có tính ổn định cao và còn nhiều dư địa, Sở Công Thương Hải Dương đã và đang tích cực phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại, Vụ Thị trường trong nước chủ động làm việc với các tập đoàn bán lẻ, siêu thị, doanh nghiệp, hợp tác xã, chợ đầu mối hoa quả… nhằm xây dựng các giải pháp đưa vải thiều của Hải Dương vào các kênh phân phối. Tiếp tục phối hợp với Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trong cả nước tổ chức các chương trình quảng bá, giới thiệu về hình ảnh, chất lượng vải thiều Hải Dương.
Ngoài ra, Sở Công Thương Hải Dương cũng đã chủ động làm việc và đề nghị Sở Công Thương các tỉnh có đường biên giới và phía Trung Quốc hỗ trợ tạo điều kiện, giải quyết thủ tục hành chính, vận chuyển, tiêu thụ vải thiều cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Hải Dương được nhanh chóng, thuận lợi.
Nguồn: https://mekongasean.vn/hai-duong-mo-rong-thi-truong-cho-san-pham-vai-thieu-thanh-ha-post22774.html