Hàng Việt Nam đã có chỗ đứng nhất định tại thị trường Australia

Xuất khẩu (XK) nông thuỷ sản của Việt Nam sang thị trường Australia ngày một gia tăng. Nhiều sản phẩm, mặt hàng đã có vị trí nhất định tại thị trường và được người tiêu dùng Australia đánh giá cao. Đây là những điều kiện thuận lợi để Việt Nam đẩy mạnh XK nông sản, thuỷ sản sang Australia trong thời gian tới.

Xuất khẩu (XK) nông thuỷ sản của Việt Nam sang thị trường Australia ngày một gia tăng. Nhiều sản phẩm, mặt hàng đã có vị trí nhất định tại thị trường và được người tiêu dùng Australia đánh giá cao. Đây là những điều kiện thuận lợi để Việt Nam đẩy mạnh XK nông sản, thuỷ sản sang Australia trong thời gian tới.

Thanh long Việt Nam bày bán ở siêu thị thực phẩm của Việt Nam ở thành phố Melbourne, Australia.

Ông Nguyễn Phú Hòa, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Australia cho biết, hợp tác kinh tế-thương mại giữa hai nước là điểm sáng, với kim ngạch thương mại hai chiều năm 2022 đạt gần 15,7 tỷ USD, tăng gần 27% so với năm 2021. Australia trở thành đối tác thương mại lớn thứ 7 của Việt Nam và Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn thứ 10 của Australia.

Sau nỗ lực thực hiện kế hoạch hành động thị trường của Thương vụ giai đoạn 1 (2019-2021), niềm tin vào sản phẩm Việt Nam và sự quan tâm của doanh nghiệp (DN) hai nước là cơ hội lớn. Thương vụ đang triển khai kế hoạch giai đoạn 2 căn cứ tình hình thị trường và chính sách của nước sở tại theo hướng đi sâu hơn vào chuỗi cung ứng.

Là một DN có nhiều năm XK sang thị trường Australia, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vina T&T cho biết, thị trường Australia không phải thị trường lớn nhưng khá ổn định. Nhu cầu về rau quả tương đối lớn, nên đây cũng là thị trường cho DN khai thác.

DN đang XK xoài, dừa, nhãn, sầu riêng đông lạnh sang thị trường Australia, mỗi tháng XK trung bình mỗi loại 2 container, kim ngạch gần 10 triệu USD/năm. Với sự tăng trưởng ổn định như hiện nay, thị trường tăng trưởng khoảng 10-12%/năm. Năm 2023, DN đầu tư cho quảng bá, mở rộng thị trường cho các sản phẩm khác cho bưởi, trái sầu riêng tươi vào thị trường Australia.

Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên cho biết, đối với rau quả, Australia không phải là thị trường lớn, tiêu thụ ít nhưng đòi hỏi chất lượng khá cao. Tuy nhiên, đây là một thị trường ngách để DN tận dụng các cơ hội để XK.

Mỗi năm rau quả XK vào thị trường này rơi vào khoảng 100 triệu USD trở lại nhưng thị trường này cũng có sự cạnh tranh khá lớn, chịu sức ép cạnh tranh từ Thái Lan, Malaysia…

Các mặt hàng XK chính và có vị thế trên thị trường sang Australia gồm có thanh long, xoài, mít, sầu riêng, dừa xiêm. Trong những năm gần đây, DN cũng đã đẩy mạnh hợp tác, chuyển giao công nghệ trong chế biến, quản lý với Australia để việc XK và chinh phục thị trường được tốt hơn.

“Australia có nhiều tổ chức hỗ trợ phát triển rau quả Việt Nam, hỗ trợ về kỹ thuật canh tác, bảo quản, chuẩn hoá, để XK ngược lại sang Australia. Họ đã hỗ trợ cho ngành trái cây Việt Nam phát triển, đặc biệt hỗ trợ về công nghệ, chuyên gia sang chuyển giao, hỗ trợ cho sản phẩm chủ lực vào thị trường như xoài, dừa…”, ông Nguyên cho hay.

Trao đổi với PV Báo CAND, bà Tô Thị Tường Lan, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) cho biết, riêng lĩnh vực thủy sản, Việt Nam đang giữ vị trí số 1 trên thị trường Australia, chiếm 23% nhập khẩu thủy sản của Australia năm 2022.

Australia là một thị trường phát triển nhanh và ổn định. CPTPP mang lại cơ hội gia tăng XK thủy sản sang Australia trong thời gian qua. Tăng đột biến và chiếm tỷ trọng lớn nhất trong các sản phẩm XK sang Australia sau 4 năm là tôm chân trắng.

Cùng với đó, cá tra phile phát triển khá tốt. Tuy nhiên, trong những tháng đầu năm, thị trường ghi nhận sự sụt giảm chung do lạm phát và người tiêu dùng giảm chi tiêu. Theo đó, quý I/2023, XK thủy sản của Việt Nam sang Australia đạt 63 triệu USD, giảm 32% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, XK tôm chân trắng giảm 34%, XK cá tra giảm 26%, cá chẽm giảm 34%…Tuy nhiên, dự báo XK thủy sản sang Australia sẽ hồi phục dần trong quý II, quý III/2023.

Ông Đặng Phúc Nguyên cho biết, bên cạnh những cơ hội thì thị trường Australia cũng còn nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó, rào cản kỹ thuật, quy định ngặt nghèo về an toàn sinh học của Australia vẫn là trở ngại lớn cho các DN XK Việt Nam.

DN trước hết cần tuân thủ các quy định và đảm bảo sản phẩm chất lượng ổn định theo đúng yêu cầu. Bởi, sản phẩm như xoài sang bên Australia, họ có dây chuyền phân loại hàng hoá tự động, nếu hàng loại 1 trộn với loại 2 sẽ bị trả lại, sẽ ảnh hưởng tới DN và thị trường.

Nguồn: https://cand.com.vn/kinh-te/hang-viet-nam-da-co-cho-dung-nhat-dinh-tai-thi-truong-australia-i689718/