Sáng 27/5/2021, Tổng cục QLTT tổ chức cuộc họp đột xuất theo hình thức trực tuyến với 63 điểm cầu trong lực lượng để bàn về các giải pháp tiêu thụ nông sản cho bà con nông dân vùng dịch.
Khẳng định tính cấp thiết và tầm quan trọng của nhiệm vụ được Bộ trưởng Bộ Công Thương giao trong Chỉ thị 08/CT-BCT, Tổng cục trưởng Trần Hữu Linh nhấn mạnh “Đây là một trong những nhiệm vụ mang yếu tố chính trị cao” bởi, chỉ trong thời điểm diễn biến phức tạp của dịch bệnh như hiện nay lực lượng QLTT mới được Chính phủ, Bộ Công Thương trực tiếp giao cho trọng trách nằm ngoài quy định trong chức năng, nhiệm vụ được giao. Chính vì vậy, lực lượng QLTT cần nêu cao tinh thần chủ động, sáng tạo, tự giác. Phải suy nghĩ cách làm mới, áp dụng hiệu quả nhằm hướng đến mục tiêu hỗ trợ bà con nông dân tiêu thụ các mặt hàng nông sản theo mùa vụ tại thị trường nội địa.
Bên cạnh thị trường nội địa thì việc xuất khẩu nông sản cũng được đẩy mạnh. Nhìn nhận được tình hình trên Công ty Cổ Phẩn Thực Phẩm Hùng Hậu đã đẩy mạnh mảng xuất khẩu bỏ qua mục tiêu lợi nhuận, tăng cường xuất khẩu giúp bà con nông dân tiêu thụ nông sản đang trong mùa vụ thu hoạch.
Nắm bắt được tinh thần chỉ đạo quyết liệt từ Người đứng đầu Tổng cục, tất cả các đơn vị trực thuộc đều sẵn sàng cho nhiệm vụ được giao.
Tại Cục QLTT Hà Nội, Phó Cục trưởng Nguyễn Minh Hùng cho biết, từ năm 2018, Hà Nội đã triển khai xây dựng Đề án quản lý kinh doanh trái cây. Chương trình được thí điểm năm 2019 với sự tham gia của 12 quận nội thành, 900 cửa hàng kinh doanh. Năm 2021, số lượng cửa hàng kinh doanh trái cây được treo biển nhận diện lên đến 1.500 cửa hàng; 1.862 cửa hàng kinh doanh mặt hàng trái cây; 200 siêu thị; 1.500 cửa hàng tiện ích; 03 chợ đầu mối chuyên biệt về nông sản.
“Hà Nội không chỉ giải cứu các tỉnh mà còn giải cứu Hà Nội” Phó Cục trưởng Cục QLTT Hà Nội nói. Đơn cử, trong năm 2020, Hà Nội đã hỗ trợ tiêu thụ 43.000 tấn hàng hóa cho các địa phương và 1.500 tấn củ cải cho địa bàn Long Biên, Hà Nội.
Để quá trình hỗ trợ tiêu thụ nông sản trong làn sóng Covid-19 lần này mang lại hiệu quả, an toàn, ông Hùng cho rằng cần có các giải pháp để đảm bảo các phương tiện vận chuyển hàng hóa về Hà Nội phải có chứng nhận phòng chống dịch. Đối với lái xe cần chứng minh âm tính với Covid-19 để nhân dân thủ đô và các cửa hàng kinh doanh an tâm kinh doanh, tiêu thụ.
Tại thị trường TP.HCM, Cục trưởng Trương Văn Ba cho biết sẽ chủ động phối hợp với các đơn vị trên địa bàn thành phố báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố có ý kiến chỉ đạo Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp – Phát triển nông thôn có giải pháp kết nối cung cầu với Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp – Phát triển nông thôn các tỉnh có nông sản mùa vụ để hỗ trợ tiêu thụ nông sản mùa vụ trong tình hình hiện nay; Chủ động, phối hợp triển khai đến các siêu thị, cửa hàng tiện ích, chợ đầu mối, chợ truyền thống… có kế hoạch hỗ trợ tiêu thụ nông sản mùa vụ; tuyền truyền, vận động tiểu thương (có thể vận động cam kết) hỗ trợ thu mua để tiêu thụ nông sản góp phần hỗ trợ cho bà con nông dân; Quản lý tốt địa bàn, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân thực hiện mua bán các mặt hàng nông sản mùa vụ trong tình hình hiện nay.
“Lực lượng Quản lý thị trường Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tăng cường phối hợp với các Sở, ngành, các lực lượng chức năng trong công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, lưu thông hàng hóa; tuyên truyền đến tổ chức, cá nhân hỗ trợ, hưởng ứng thực hiện chủ trương của Chính phủ, của Bộ, ngành thúc đẩy tiêu thụ nông sản, vừa bảo đảm phòng tránh dịch bệnh Covid-19. Các Đội Quản lý trường địa bàn tích cực phối hợp với các phòng, ban, Ủy ban nhân dân các phường, xã tuyên truyền vận động các Ban quản lý siêu thị, chợ và tiểu thương tích cực hưởng ứng thu mua nông sản mùa vụ để kinh doanh, chung tay giải quyết khó khăn của bà con nông dân” Cục trưởng Trương Văn Ba quyết tâm.
Tham gia ý kiến tại cuộc họp, đại diện các đơn vị như Vụ Thị trường trong nước, Cục Xúc tiến thương mại, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã đưa ra những giải pháp cấp bách mà các đơn vị đang triển khai để hỗ trợ bà con nông dân kết nối cung cầu, tiêu thụ nông sản.
Trong bối cảnh dịch bệnh không thể tổ chức các chương trình Hội chợ, triển lãm, Cục Xúc tiến thương mại xây dựng các kế hoạch xúc tiến thương mại giữa các vùng miền, tổ chức kết nối nhà cung cấp ở các địa phương với các nhà chế biến nông sản để đưa ra các giải pháp tiêu thụ. Bên cạnh đó, Cục hỗ trợ các địa phương về mặt kỹ thuật để tổ chức các hội nghị kết nối nông sản trực tiếp tại các địa phương. Ví dụ như tại Bắc Giang, Sơn La hay Bình Thuận. Đặc biệt, Cục đã làm việc với các đơn vị quảng bá sản phẩm trên các sàn giao dịch TMĐT lớn như Shoppee, Lazada để đưa nông sản như trái vải, xoài hay thanh long bán trên các sàn giao dịch hay phối hợp với Viettel post để hỗ trợ bà con nông dân vận chuyển hàng hóa, livestream bán hàng…
Đánh giá cao những hoạt động hỗ trợ mà Cục Xúc tiến thương mại đã thực hiện để hỗ trợ nông dân quảng bá, tiêu thụ nông sản. Tuy nhiên, Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh góp ý Cục Xúc tiến thương mại cần lưu tâm cách thức đảm bảo chất lượng sản phẩm bởi quả vải là mặt hàng nông sản có tính mùa vụ cho nên việc bảo quản để sản phẩm tươi, ngon đến tay người tiêu dùng là vấn đề rất quan trọng.
“Làm thế nào đừng để lực lượng QLTT liên tục nhận thông tin trên đường dây nóng của Tổng cục về việc quả vải bán trên các sàn giao dịch TMĐT kém chất lượng” Tổng Cục trưởng nói.
Một điểm cũng được Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh lưu ý đó là hàng nông sản được vận chuyển trên Viettelpost cũng cần được lưu tâm bởi cùng 01 lúc xe của đơn vị này sẽ vận chuyển nhiều mặt hàng hóa khác nhau chứ không riêng nông sản. “Nhiều khi chỉ vì một mặt hàng vận chuyển chung trên xe vi phạm sẽ dẫn đến tình trạng ách tắc nông sản, như thế sẽ không đảm bảo được chất lượng” Tổng Cục trưởng nói.