Khi các thị trường truyền thống gặp khó khăn, các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản đã chủ động khai thác thị trường mới có thị phần và giá trị còn thấp nhưng tốc độ tăng trưởng khả quan. Trong đó, khu vực Trung Đông và Châu Phi có nhiều tiềm năng và triển vọng lớn.
Sáng ngày 24/11, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phối hợp với Vụ Thị trường Châu Á – Châu Phi (Bộ Công Thương) tổ chức Tọa đàm “Kết nối thông tin về nhu cầu, thị hiếu và phổ biến quy định thị trường nông sản khu vực Trung Đông – Châu Phi”.
Đây là một trong những sự kiện thuộc chuỗi các Tọa đàm được tổ chức trong năm 2023 nhằm phổ biến đến các địa phương, doanh nghiệp về thông tin, quy định, nhu cầu của thị trường tiêu thụ trong nước và các khu vực thị trường xuất khẩu nông sản tiềm năng của Việt Nam như: thị trường Đông Á, thị trường Trung Đông – châu Phi, thị trường EU và Hoa Kỳ.
Nhiều triển vọng tăng xuất khẩu nông sản Việt Nam sang khu vực Trung Đông và châu Phi
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, ông Ngô Hồng Phong – Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Đến nay, sản phẩm nông lâm thủy sản Việt Nam đã có mặt trên 190 quốc gia và vùng lãnh thổ với kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 10 tháng đầu năm 2023 đạt 43,08 tỷ USD, trong đó các khu vực tiêu thụ lớn nhất là Châu Á (chiếm thị phần 49,1%), châu Mỹ (thị phần 22,6%), châu Âu (thị phần 10,5%); hai khu vực có thị phần còn tương đối nhỏ là châu Phi (chiếm 2,1%) và châu Đại Dương (chiếm 1,5%). Các mặt hàng duy trì được tốc độ tăng và có giá trị xuất khẩu tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2022 là rau quả (đạt gần 4,91 tỷ USD, tăng 78,9%), gạo (đạt 3,97 tỷ USD, tăng 17%), hạt điều (2,92 tỷ USD, tăng 14,8%), sản phẩm chăn nuôi (đạt 402 triệu USD, tăng 22%).
Theo ông Phong, Trung Đông và châu Phi là hai khu vực thị trường rộng lớn với nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, là thị trường tiềm năng và triển vọng, có nhu cầu nhập khẩu lớn các mặt hàng nông sản của Việt Nam, đặc biệt là nhóm hàng lương thực thực phẩm.
Trong những năm gần đây, xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang 02 khu vực thị trường này có xu hướng gia tăng. Tổng giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản vào 02 khu vực này năm 2022 đạt trên 1,6 tỷ USD (tăng 2,6% so với cùng kỳ) và 10 tháng đầu năm 2023 đã đạt gần 1,6 tỷ USD (tăng 11,7%), trong đó xuất khẩu vào khu vực Trung Đông năm 2022 đạt trên 836 triệu USD (tăng 22,3%), 10 tháng 2023 đạt gần 700 triệu USD (tăng 2,6%); xuất khẩu vào khu vực châu Phi năm 2022 đạt trên 859 triệu USD (giảm 11,3%) nhưng 10 tháng 2023 đã đạt gần 900 triệu USD (tăng 20,1%).
Trước tình hình xuất khẩu gặp nhiều khó khăn tại các thị trường truyền thống thời gian qua như: Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, các doanh nghiệp đã chủ động tìm kiếm thị trường mới, mặc dù thị phần còn thấp và giá trị đạt được còn nhỏ nhưng tốc độ tăng giá trị xuất khẩu khả quan. Tăng trưởng của một số mặt hàng trong 10 tháng đầu năm 2023 cho thấy rõ nhu cầu và tiềm năng lớn của 02 khu vực thị trường Trung Đông và châu Phi.
Thông tin thêm về khu vực thị trường này, ông Nguyễn Phúc Nam, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường Châu Á – Châu Phi (Bộ Công Thương) cho biết: Trong trao đổi thương mại giữa Việt Nam và khu vực Trung Đông – Châu Phi, nông sản, thủy sản luôn nằm trong nhóm những mặt hàng xuất khẩu quan trọng, có kim ngạch tăng trưởng tốt, góp phần thúc đẩy kim ngạch thương mại song phương.
“Những năm qua, xuất khẩu nông, thủy sản sang khu vực Trung Đông – Châu Phi có nhiều khởi sắc“, ông Nam cho biết.
Năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với khu vực Trung Đông – Châu Phi đạt 24 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 10 tỷ USD; xuất khẩu nông, thủy sản đạt 1,6 tỷ USD, chiếm 16% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Trong 10 tháng năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với khu vực Trung Đông – Châu Phi đạt 20,8 tỷ USD, trong đó xuất khẩu của Việt Nam đạt 9,45 tỷ USD; xuất khẩu nông, thủy sản đạt 1,54 tỷ USD.
Ông Nguyễn Phúc Nam cho biết, đối với khu vực châu Phi, các mặt hàng nông sản nhiều tiềm năng xuất khẩu gồm: Gạo, cà phê, hạt tiêu, cơm dừa, các mặt hàng nông sản chế biến, thực phẩm đóng hộp, thủy sản… Trong khi đối với khu vực Trung Đông, các mặt hàng nông sản nhiều tiềm năng gồm có: Gạo, cà phê, hạt điều, hạt tiêu, trái cây tươi (thanh long, chanh leo, vải, chanh không hạt…), thủy sản…
Còn những khó khăn, rủi ro
Bên cạnh những cơ hội, xuất khẩu nông, thủy sản của Việt Nam sang khu vực thị trường này còn gặp một số khó khăn. Trong đó, sự khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa, hệ thống pháp luật, tập quán kinh doanh, điều kiện đi lại giữa Việt Nam và khu vực này còn khó khăn vẫn đang là những rào cản hạn chế sự phát triển quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam với các nước khu vực này.
Do mạng lưới thương mại của Việt Nam ở khu vực còn mỏng, để tránh rủi ro, các doanh nghiệp Việt Nam thường xuất khẩu qua các công ty trung gian quốc tế. Điều này làm cho giá nông, thủy sản xuất khẩu của Việt Nam đội lên, giảm tính cạnh tranh và đôi khi thương hiệu Việt Nam không được người tiêu dùng địa phương biết đến.
Mặt khác, chi phí dịch vụ logistics kết nối giữa Việt Nam và khu vực Trung Đông – Châu Phi còn hạn chế, chi phí vận tải, chi phí bảo hiểm cao dẫn tới giá thành xuất khẩu cao cũng góp phần làm giảm sức cạnh tranh của hàng Việt Nam tại khu vực này.
Đáng chú ý, hiện tượng gian lận, lừa đảo trong giao dịch thương mại vẫn còn phổ biến, cùng với việc thiếu thông tin đối tác, thông tin thị trường, chính sách, quy định quản lý xuất nhập khẩu của các nước trong khu vực khiến rủi ro trong kinh doanh còn ở mức cao.
Bên cạnh đó, do các ngân hàng thương mại Việt Nam và khu vực này chưa thiết lập quan hệ đại lý, dẫn tới việc doanh nghiệp gặp khó khăn trong thanh toán xuất nhập khẩu, phát sinh chi phí do phải thông qua ngân hàng quốc tế; những khó khăn liên quan đến phương thức thanh toán…
Tại Tọa đàm, đại diện các thương vụ Việt Nam tại khu vực Trung Đông và Châu Phi đã cung cấp các thông tin về tiềm năng và nhu cầu thị trường, các quy định của thị trường nhập khẩu, các lưu ý trong trao đổi, thanh toán thương mại và các đầu mối kết nối, liên hệ, hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu, định hướng sản xuất cho các địa phương.
Các chuyên gia cùng đại diện các Bộ, ngành, doanh nghiệp, địa phương… tham gia trực tiếp và trực tuyến đã trao đổi, thảo luận về những khó khăn, vướng mắc, kinh nghiệm và đóng góp các giải pháp thúc đẩy phát triển sản xuất đáp ứng yêu cầu thị trường và gia tăng thị phần xuất nhập khẩu tại hai khu vực thị trường tiềm năng này một cách bền vững trong thời gian tới.