Trung Quốc mạnh tay trong việc ngăn chặn các đợt dịch lây lan vào nước này với các biện pháp rất cứng rắn, như cấm nhập khẩu toàn bộ nhóm hàng và tạm dừng toàn bộ tư cách xuất khẩu của doanh nghiệp đã được đăng ký với hải quan khi xuất khẩu sang Trung Quốc…
Theo số liệu thống kê của Hải quan Trung Quốc, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc trong 2 tháng đầu năm 2023 đạt 30,3 tỷ USD, giảm 5,3% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 11,57 tỷ USD, giảm 4%; kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc đạt 18,69 tỷ USD, giảm 6,1%.
Tính riêng trong tháng 2, xuất nhập khẩu hai nước đạt 15,33 tỷ USD, tăng 20,7% so với cùng kỳ.
BAN HÀNH NHIỀU BIỆN PHÁP GIÁM SÁT CHẶT HÀNG NHẬP KHẨU
Chia sẻ tại hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 3/2023 ngày 31/3, ông Nông Đức Lai, Tham tán thương mại Việt Nam tại Trung Quốc, cho biết theo hoạch định chính sách vĩ mô của Trung Quốc, nước này sẽ đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu trên cơ sở ổn định và nâng cao chất lượng xuất nhập khẩu.
Vì vậy, cùng với các chính sách về nâng cao kiểm soát chất lượng hàng hóa (đặc biệt là hàng nông, thủy sản và thực phẩm) hải quan Trung Quốc không ngừng hoàn thiện về cơ chế quản lý cũng như việc ban hành các văn bản thực thi trong những năm trở lại đây.
Dự báo công tác quản lý, giám sát nhập khẩu nhóm hàng này vào thị trường Trung Quốc sẽ được cơ quan quản lý nước này tiếp tục siết chặt hơn nhằm tạo môi trường thông thoáng cho hoạt động xuất nhập khẩu theo hướng bền vững.
Thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc cho biết thêm, nhu cầu tiêu dùng của thị trường này đang phục hồi dần kể từ khi nước này nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch và mở cửa trở lại.
Đến nay, sau khi Trung Quốc dỡ bỏ một số biện pháp hạn chế do dịch Covid-19 tình hình thông quan giữa các cửa khẩu biên giới Việt Nam – Trung Quốc cơ bản ổn định.
Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế như: một số cửa khẩu chưa khôi phục lại hoàn toàn, phía Trung Quốc vẫn yêu cầu lái xe của phía Việt Nam cung cấp chứng nhận xét nghiệm âm tính với vi-rút SARS-CoV-2.
Ngoài ra, Trung Quốc tập trung mở rộng nội nhu, ưu tiên khôi phục và mở rộng tiêu dùng cùng với việc liên tục ban hành nhiều chính sách tập trung phát triển “vòng kinh tế tuần hoàn trong nước”. Vì vậy, hàng hóa các nước xuất khẩu sang Trung Quốc, trong đó có Việt Nam sẽ chịu sự cạnh tranh cao từ chính hàng hóa nội địa nước này.
Đặc biệt, thời gian qua, hải quan Trung Quốc đã liên tục ban hành các biện pháp hạn chế, tăng cường quản lý các loại dịch lây lan trên thế giới (như đậu mùa khỉ, tả lợn châu phi, cúm gia cầm…).
“Có thể thấy, Trung Quốc rất mạnh tay trong việc ngăn chặn các đợt dịch lây lan vào nước này với các biện pháp rất cứng rắn, như cấm nhập khẩu toàn bộ nhóm hàng và tạm dừng toàn bộ tư cách xuất khẩu của doanh nghiệp đã được đăng ký với Hải quan khi xuất khẩu sang Trung Quốc”, ông Lai nhấn mạnh.
Không chỉ vậy, hàng hóa của Việt Nam, nhất là hàng nông sản thời gian tới sẽ phải cạnh tranh với các đối tác cùng xuất khẩu sang Trung Quốc, đặc biệt là nhóm mặt hàng nông sản cùng loại, bên cạnh đó còn phải cạnh tranh với chính hàng hóa, sản phẩm được sản xuất ngay tại nội địa nước này.
Hơn nữa, mức sống người dân không ngừng tăng, yêu cầu về chất lượng hàng hóa nhập khẩu nói chung và hàng nông sản thực phẩm nói riêng cũng không ngừng được nâng cao. Do đó, tốc độ đào thải khỏi thị trường Trung Quốc là tương đối cao nếu như doanh nghiệp không đáp ứng được những yêu cầu ngày một nâng cao của thị trường.
Ông Lai cho biết số lượng hàng Việt Nam bị Trung Quốc bị cảnh báo chất lượng ngày càng tăng. Năm 2021 Việt Nam xếp thứ 4, sang năm 2022 tỷ lệ lô hàng bị cảnh báo xếp thứ 2. Tình trạng này đã ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu hàng hóa Việt Nam và tác động xấu đến tâm lý người tiêu dùng Trung Quốc đối với hàng hóa của ta.
KHÔNG NGỪNG NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG HÀNG HÓA
Trước diễn biến tình hình thị trường Trung Quốc trong những tháng đầu năm như vậy, ông Lai khuyến nghị, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế và các địa phương, nhất là địa phương có đường biên giới tăng cường kiểm soát dịch bệnh động, thực vật trong nước và ngăn chặn các loại dịch bệnh xâm nhập từ bên ngoài vào trong nước nhằm đảm bảo không ảnh hưởng đến các sản phẩm đã được xuất khẩu sang các thị trường cũng như công tác đàm phán mở cửa thị trường cho các sản phẩm mới.
Đề nghị các đơn vị chức năng thuộc Bộ ngành liên quan và các tổ chức, cơ quan giám định, giám sát cấp chứng nhận hàng hóa nghiên cứu các quy định liên quan theo Lệnh 259 và các yêu cầu đối với từng loại hàng hóa. Xem xét, đăng ký với Tổng cục Hải quan Trung Quốc nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc trong thời gian tới.
Về phía doanh nghiệp, nên tiến hành khảo sát, nghiên cứu sâu hơn về tiềm năng ngành hàng thực phẩm chế biến sẵn cũng như xu hướng tiêu dùng đối với ngành hàng này, qua đó tìm kiếm cơ hội cung ứng, hợp tác trong chuỗi sản xuất với doanh nghiệp nước sở tại.
Trong bối cảnh Trung Quốc đã mở cửa trở lại, hoạt động đi lại giữa hai nước không còn rào cản, tham tán Nông Đức Lai khuyến nghị các đơn vị chức năng và doanh nghiệp nghiên cứu tổ chức đoàn doanh nghiệp đi khảo sát thị trường, tổ chức các hoạt động giao thương tại các địa phương vốn chưa được ta tận dụng hết các tiềm năng và dư địa trong những năm qua như: Hồ Nam, Hồ Bắc, Sơn Đông hay vành đai kinh tế Bắc Kinh – Thiên Tân – Hà Bắc…
Các doanh nghiệp muốn mở rộng thị trường, tận dụng dư địa của thị trường cần có sự chuẩn bị, nghiên cứu về thị trường một cách bài bản trước khi chính thức đưa hàng hóa của mình tiến vào các khu vực thị trường mới tại Trung Quốc do mỗi khu vực thị trường tại Trung Quốc có thói quen tiêu dùng, nhu cầu và thị hiếu khác nhau.
Đồng thời không ngừng nâng cao chất lượng hàng hóa nông lâm thủy sản và vệ sinh an toàn thực phẩm. Tăng cường kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, phụ gia thực phẩm, các loại vi khuẩn nguy hiểm trên hàng thực phẩm, áp dụng hệ thống quản lý chất theo ISO, HACCP… để đáp ứng yêu cầu, tiêu chuẩn nước nhập khẩu.
Tận dụng, khai thác thị trường Trung Quốc qua kênh thương mại điện tử thông qua liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp Trung Quốc thiết lập kho hàng…
Năm 2022, Viêt Nam đã đàm phán thành công, mở cửa thị trường cho những mặt hàng nông sản có giá trị cao xuất khẩu sang Trung Quốc như: sầu riêng, chanh leo, tổ yến, khoai lang, đồng thời có hàng trăm mã số vùng trồng trái cây được phía Trung Quốc phê duyệt.
Tuy nhiên, với mặt hàng sâu riêng, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho biết hiện Trung Quốc mới chỉ cấp cho Việt Nam 246 mã vùng trồng sầu riêng xuất khẩu, trong khi sản lượng sầu riêng của Việt Nam lên tới gần 1 triệu tấn/năm, kim ngạch hàng tỷ USD. Do đó, nếu không mở rộng hơn nữa việc cấp mã số vùng trồng cho sầu riêng Việt Nam thì sẽ rất khó khăn, không đủ quota để xuất khẩu.
Do đó, ông Nguyên đề nghị các cơ quan liên quan cần có biện pháp xử lý vi phạm sở hữu trí tuệ vùng trồng, mã đóng gói, chống hàng giả, hàng nhái. Có biện pháp hỗ trợ kỹ thuật khi cơ quan hải quan Trung Quốc sang kiểm tra các vườn trồng để cấp mã số.
Mặt khác, các doanh nghiệp ngành rau quả nghiên cứu khả năng đầu tư hoặc hợp tác đầu tư với doanh nghiệp Trung Quốc trong lĩnh vực chế biến rau quả, một mặt nâng cao hàm lượng giá trị xuất khẩu, một mặt bắt kịp xu thế thị trường trái cây và rau quả chế biến không ngừng tăng trong những năm trở lại đây.