Nông sản Long An phong phú và chất lượng ngày càng cao đang có cơ hội lớn để mở rộng thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên, để chinh phục những thị trường khó tính và gia tăng giá trị cho các sản phẩm nông sản, cần có những giải pháp đồng bộ từ nâng cao chất lượng, đổi mới công nghệ chế biến đến xây dựng thương hiệu. Từ đó không chỉ giúp nâng cao đời sống nông dân (ND) mà còn góp phần vào sự phát triển kinh tế chung của tỉnh.
Nâng cao chất lượng cây trồng
Trong bối cảnh nhiều ND đang tìm hướng đi mới để nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, anh Trần Đăng Khoa (ấp Trương Công Ý, xã Tân Lập, huyện Tân Thạnh) trở thành một điển hình với mô hình trồng sầu riêng quy mô lớn. Từ việc chuyển đổi từng phần diện tích đất canh tác ban đầu, anh Khoa hiện sở hữu 6ha vườn sầu riêng, trong đó có 3ha đang ở độ tuổi cho trái.
Nhờ đầu tư bài bản, sử dụng giống cây chất lượng cao và sự hỗ trợ từ các cấp Hội ND cùng ngành Nông nghiệp, mô hình của anh không chỉ mang lại lợi nhuận cao mà còn khẳng định tiềm năng lớn của cây sầu riêng trong nâng cao giá trị nông sản địa phương.
Anh Khoa chia sẻ: “Tôi trồng sầu riêng cách đây 7 năm sau khi nhận thấy các cây trồng trước như lúa hay thanh long không mang lại hiệu quả kinh tế như mong đợi. Ban đầu, tôi chỉ chuyển đổi khoảng 2ha, dần dần mở rộng và hiện tại đã có 6ha sầu riêng, trong đó có 3ha đang cho trái. Với chi phí đầu tư lớn, khoảng 6-8 triệu đồng mỗi gốc từ khi trồng đến khi thu hoạch trong 5 năm, trồng sầu riêng là một thách thức không nhỏ. Tuy nhiên, lợi nhuận mang lại cũng rất cao, trung bình mỗi vụ, 1ha sầu riêng thu về khoảng 800 triệu đồng”.
Hiện nay, xã Tân Lập được cấp 3 mã số vùng trồng sầu riêng, trong đó, anh Khoa làm đại diện 1 mã nhưng do chưa cho trái đồng loạt nên chưa đủ sản lượng ký hợp đồng xuất khẩu. Hiện anh Khoa trau dồi kiến thức để nâng cao chất lượng trái sầu riêng đạt chuẩn xuất khẩu sang Trung Quốc cũng như hướng tới các thị trường khó tính khác; đồng thời, ứng dụng thêm công nghệ vào sản xuất để tăng năng suất và bảo đảm chất lượng sản phẩm. Từ đó, xây dựng thương hiệu sầu riêng địa phương vươn xa, ổn định đầu ra, nâng cao thu nhập và phát triển kinh tế bền vững.
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng bền vững đang trở thành xu hướng tất yếu tại nhiều địa phương, đặc biệt là với các loại cây ăn trái có giá trị kinh tế cao như mít.
Ông Nguyễn Văn Dẹo (ấp Bằng Lăng, xã Tân Lập, huyện Tân Thạnh) đã thành công khi áp dụng tiêu chuẩn VietGAP vào trồng 1ha mít. Được biết, ông hiện là Chi hội trưởng Chi hội ND ấp Bằng Lăng và là Tổ trưởng Tổ 2 của mô hình trồng mít theo hướng VietGAP tại địa phương.
Với năng suất ổn định, chất lượng bảo đảm và phù hợp với yêu cầu của thị trường, vườn mít của ông không chỉ mang lại thu nhập cao mà còn góp phần nâng cao uy tín cho sản phẩm nông sản địa phương.
Ông Dẹo chia sẻ: “ND ở địa phương đang hoàn tất hồ sơ để xin cấp thêm mã số vùng trồng, có “thẻ thông hành” cho sản phẩm mít xuất khẩu chính ngạch. Trước mắt, thị trường chúng tôi muốn tiếp cận là Trung Quốc, vì đây là thị trường lớn của nông sản Việt Nam trước nay. Sau đó, ND cố gắng cải thiện chất lượng nông sản và xây dựng thương hiệu để chinh phục các thị trường khó tính hơn như Nhật Bản, châu Âu và Hoa Kỳ. Việc được cấp mã số vùng trồng không chỉ giúp tăng giá trị cho trái mít mà còn mở ra cơ hội lớn để ND địa phương phát triển kinh tế bền vững”.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – Hồ Thị Ngọc Lan cho biết, việc nâng cao giá trị nông sản là một trong những mục tiêu quan trọng của ngành Nông nghiệp tỉnh. Không chỉ chú trọng sản lượng mà còn phải quan tâm đến chất lượng và giá trị gia tăng của nông sản. Việc áp dụng khoa học – công nghệ trong sản xuất là yếu tố then chốt để gia tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Thời gian tới, ngành Nông nghiệp tiếp tục hỗ trợ các địa phương nâng cao chất lượng sản phẩm; tạo ra các kênh phân phối ổn định, bền vững để nông sản tỉnh có thể vươn xa hơn nữa.
Đẩy mạnh xây dựng thương hiệu
Thông tin từ Sở Công Thương, năm 2024, kim ngạch xuất khẩu dự kiến đạt 7,5 tỉ USD, đạt 100% kế hoạch và tăng 8,69%. Trong đó, xuất khẩu nông sản 10 tháng năm 2024 đối với gạo đạt 350,3 triệu USD và nông sản khác đạt 593,5 triệu USD. Dự kiến cả năm 2024, xuất khẩu nông sản đạt 1,2 tỉ USD. Qua đó khẳng định tỉnh là thị trường lớn cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Năm 2024, Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng nông sản tỉnh hỗ trợ 8 hợp tác xã sản xuất lúa, bưởi, mít theo tiêu chuẩn VietGAP với diện tích 282,5ha được chứng nhận, sản lượng đạt 4.887,25 tấn sản phẩm/năm. Đến nay, toàn tỉnh có 2.902,1ha được chứng nhận VietGAP; có 300 lượt mã số vùng trồng với tổng diện tích 14.570ha xuất khẩu sang các thị trường: Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Úc, New Zealand, châu Âu, Nga, Trung Quốc,… và 170 mã cơ sở đóng gói trái cây xuất khẩu đang hoạt động.
Long An hiện là tỉnh đứng đầu Đồng bằng sông Cửu Long về diện tích trồng chanh với hơn 11.888ha. Trong đó, huyện Bến Lức chiếm hơn một nửa diện tích này, chủ yếu là 2 loại giống chủ lực chanh không hạt và chanh bông tím.
Thời gian qua, chính quyền địa phương tích cực tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật và chuyển giao khoa học – công nghệ, giúp nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất. Nhờ đó, nhiều hộ gia đình có thu nhập ổn định và kinh tế cao hơn.
Chanh không hạt Bến Lức nổi bật với quả chắc, tuyến múi dày, vỏ xanh đậm, sáng bóng, đều màu, bề mặt chứa nhiều túi tinh dầu. Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Thạnh Hòa (huyện Bến Lức) thành lập năm 2014, hiện có 15 thành viên trồng 30ha chanh không hạt.
Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Thạnh Hòa – Đặng Văn Phải cho biết: “Khi phát hiện cây chanh phù hợp thổ nhưỡng, người dân bắt đầu chuyển đổi sang loại cây này. Nhờ đầu ra ổn định và giá cả tốt, đời sống người dân ngày càng cải thiện. Các vùng trồng chanh đạt tiêu chuẩn GlobalGAP thì xuất khẩu sang châu Âu, số lượng còn lại phục vụ thị trường nội địa và các thị trường khác”.
Trước đây, anh Nguyễn Văn Tươi (ấp 6, xã Bình Đức, huyện Bến Lức) gắn bó với cây mía nhưng giá bán bấp bênh và thị trường tiêu thụ không ổn định. Sau những chuyến tham quan, học hỏi mô hình chuyển đổi cây trồng tại các địa phương, năm 2012, anh mạnh dạn trồng thử nghiệm chanh không hạt trên một phần diện tích đất trồng mía. Thấy cây chanh phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và mang lại lợi nhuận cao, năm 2016, anh quyết định chuyển toàn bộ diện tích đất sang trồng chanh không hạt. Hiện tại, anh canh tác hơn 3ha với 1.500 gốc chanh, trong đó 1ha đang cho trái, còn 2ha trồng mới.
Theo anh Tươi, cây chanh không hạt chỉ sau hơn 1,5 năm trồng đã cho vụ thu hoạch đầu tiên. Nếu sử dụng phân bón hữu cơ, tuổi thọ của cây có thể kéo dài từ 6-8 năm. Đặc biệt, giống chanh này có thể thu hoạch quanh năm và bắt đầu đạt năng suất cao từ năm thứ hai. Gia đình anh thường thu hoạch 15 ngày một lần. Nhờ hợp tác với Công ty Chanh xuất khẩu Hà Lan (trụ sở tại TP.Cần Thơ), trái chanh được thu mua với giá ổn định, cao hơn giá thị trường khoảng 5.000 đồng/kg.
“Tôi đã bán chanh cho công ty hơn 11 năm. Để duy trì hợp tác, tôi sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật theo quy định của công ty và tuân thủ quy trình canh tác nghiêm ngặt, đặc biệt là không được dùng thuốc cỏ vì sản phẩm xuất khẩu sang Hà Lan, yêu cầu chất lượng rất cao. Dù có phần hơi rườm rà nhưng đổi lại, trái chanh có đầu ra ổn định và góp phần đưa thương hiệu chanh không hạt Bến Lức vươn ra thị trường quốc tế. Đó cũng là cách để xây dựng uy tín và thương hiệu cho nông sản địa phương” – anh Tươi chia sẻ.
Việc nâng cao giá trị nông sản không chỉ là “chìa khóa” mở rộng thị trường xuất khẩu mà còn là động lực thúc đẩy nền nông nghiệp tỉnh phát triển bền vững, góp phần đưa nông sản Việt Nam vươn xa, chinh phục những thị trường khó tính và mang lại giá trị kinh tế cao./.
Nguồn: https://baolongan.vn/nang-cao-gia-tri-nong-san-de-mo-rong-thi-truong-nong-san-a186844.html