(VietQ.vn) – 2022 là một năm thành công đối với xuất khẩu nông sản nước ta, bởi Việt Nam liên tiếp đón các tin vui khi ngày càng nhiều nông sản “xuất ngoại”. Đây là tín hiệu cho thấy chất lượng nông sản Việt ngày càng nâng cao và việc lựa chọn các loại cây trồng ngày càng phù hợp với nhu cầu của thị trường.
2022 là một năm thành công đối với xuất khẩu nông sản nước ta, bởi Việt Nam liên tiếp đón tin vui khi ngày càng nhiều nông sản “xuất ngoại”. Đây là tín hiệu tích cực cho thấy chất lượng nông sản Việt ngày càng được nâng cao và việc lựa chọn các loại cây trồng của người dân, doanh nghiệp ngày càng phù hợp với nhu cầu của thị trường thế giới.
Như với thị trường Mỹ, vào giữa tháng 10/2022, quả bưởi tươi Việt Nam chính thức được xuất khẩu sang thị trường này sau 5 năm đàm phán. Đây là trái cây thứ 7 của Việt Nam được xuất khẩu vào Mỹ, sau các loại quả xoài, nhãn, vải, thanh long, chôm chôm và vú sữa. Dự kiến bưởi năm roi và bưởi da xanh sẽ là 2 loại bưởi đầu tiên được xúc tiến thương mại sớm xuất khẩu sang thị trường Mỹ.
Đến cuối tháng 9/2022, sau hơn 4 năm đàm phán và trải qua nhiều quy trình kiểm tra chặt chẽ với tiêu chí ngặt nghèo, thị trường Trung Quốc chính thức mở cửa đón trái sầu riêng tươi Việt Nam xuất khẩu chính ngạch. Trong đợt đầu tiên, hơn 100 tấn sầu riêng được các doanh nghiệp thu mua, đóng gói tại Đắk Lắk được thông quan nhanh chóng.
Mới đây nhất, ngày 15/11, hai mặt hàng nông sản là chanh xanh và bưởi của Việt Nam sẽ có cơ hội xuất khẩu sang thị trường New Zealand trong thời gian tới. Đây là bước đệm để hướng tới các cơ hội thương mại tiếp theo giữa hai nước, mở cửa thị trường đối với sản phẩm nông sản khác. Trước đó, xoài, thanh long và chôm chôm… đã được xuất khẩu sang New Zealand.
Việc mở rộng thị trường xuất khẩu cho nông sản là động lực khẳng định vị thế, vai trò của xuất khẩu nông sản nước ta, qua đó nâng cao giá trị sản phẩm cho người nông dân và hướng tới một nền sản xuất nông nghiệp an toàn, hiện đại. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, để xuất khẩu bền vững và đảm bảo chất lượng ổn định, mở đường cho các loại nông sản khác, doanh nghiệp và người dân cần tìm hiểu kỹ càng và tuân thủ chặt chẽ yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng… của thị trường xuất khẩu.
Ví dụ như đối với trái bưởi, TS Phan Thị Thu Hiền, Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu 2, Cục Bảo vệ Thực vật cho biết, theo quy định của Mỹ, vùng trồng và cơ sở xử lý trái bưởi tươi của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ phải được đăng ký với Cục Bảo vệ thực vật và Cơ quan kiểm dịch động thực vật của Mỹ (APHIS). Trái bưởi không được nhiễm đối tượng kiểm dịch thực vật mà Mỹ quan tâm; được xử lý chiếu xạ và được Cục Bảo vệ thực vật cấp giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật.
Theo đó, các vùng trồng, cơ sở đóng gói bưởi phải có biện pháp quản lý phù hợp để loại bỏ các đối tượng dịch hại Mỹ quan tâm bao gồm các loại ruồi đục quả, sâu đục quả và các loại nấm gây đốm trái Cylindrocarpon lichenicola, Phyllosticta citriasiana. Bà Hiền cũng lưu ý quả bưởi xuất khẩu đi Mỹ phải đảm bảo loại quả không có tì vết trên bề mặt và được đóng gói ở cơ sở đóng gói do Mỹ cấp phép… Trái bưởi sẽ được xử lý chiếu xạ tại các cơ sở chiếu xạ được Mỹ cấp phép APHIS.
Hay đối với trái sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc, mỗi trái sầu riêng cần đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và được dán tem truy xuất nguồn gốc theo quy định. Loại tem này bao gồm mã số vùng trồng, cơ sở chế biến đóng gói. Tem phải được thực hiện bằng tiếng Trung hoặc tiếng Anh để dễ đánh giá hơn.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh cho biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tăng cường cập nhật, thông báo kịp thời quy định an toàn thực phẩm của các thị trường cho doanh nghiệp, chính quyền địa phương, người nông dân để áp dụng quy trình sản xuất phù hợp và kiểm soát các chỉ tiêu an toàn thực phẩm trước khi xuất khẩu.
Nguồn: https://vietq.vn/ngay-cang-nhieu-nong-san-viet-xuat-ngoai-d205911.html