Hơn 5h sáng, khi nắng còn chưa đến vườn nhãn thì gia đình ông Phạm Quang Đương ở xã Nà Nghịu, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La đã thu hoạch được vài gánh quả.
Giữa mảnh vườn rộng hơn 1 ha, từng chùm nhãn chín xếp tầng, xếp lớp; quả nhãn căng tròn với lớp vỏ vàng nâu nổi bật giữa nền trời. Đây là thành quả nhiều năm vun trồng, chăm sóc của gia đình ông Đương.
“Năm đầu gia đình chưa thu được nhiều lắm, chưa có kinh nghiệm, vườn thưa, cỏ nhiều. Chúng tôi đã chăm bón, tưới tiêu; cắt, ghép gần 100 cây nhãn ghép. Năm nay dự kiến cũng được trên 3 tấn nhãn ghép; cả nhãn miền, nhãn chín sớm cũng rơi vào tầm chục tấn” – ông Dương chia sẻ.
Bén duyên với mảnh đất biên cương từ những năm 60 của thế kỷ XX, theo thời gian, cây nhãn cứ thế leo đồi, leo núi, phủ xanh đôi bờ sông Mã, trở thành một phần không thể thiếu trong hành trình xóa đói, giảm nghèo và làm giàu của bà con vùng biên cương này.
Ông Dương Tự Thanh, Giám đốc HTX Toàn Thắng, bản Tây Hồ, xã Nà Nghịu, huyện Sông Mã chia sẻ, từ những vườn nhãn đơn lẻ, gần chục năm trở lại đây, các hộ nông dân đã liên kết, tham gia HTX để cùng sản xuất, xây dựng thương hiệu và đưa sản phẩm nhãn vươn xa.
Bén duyên với mảnh đất biên cương từ những năm 60 của thế kỷ XX, theo thời gian, cây nhãn cứ thế leo đồi, leo núi, phủ xanh đôi bờ sông Mã, trở thành một phần không thể thiếu trong hành trình xóa đói, giảm nghèo và làm giàu của bà con vùng biên cương này.
Ông Dương Tự Thanh, Giám đốc HTX Toàn Thắng, bản Tây Hồ, xã Nà Nghịu, huyện Sông Mã chia sẻ, từ những vườn nhãn đơn lẻ, gần chục năm trở lại đây, các hộ nông dân đã liên kết, tham gia HTX để cùng sản xuất, xây dựng thương hiệu và đưa sản phẩm nhãn vươn xa.
Không thể thiếu là hình ảnh bà con từ già đến trẻ thoăn thoắt đôi tay “xoáy nhãn làm long”. Gần 3.000 lò sấy cũng đã khởi động, sẵn sàng phục vụ sơ chế long nhãn năm nay. Không chỉ tạo ra đặc sản vùng miền, nghề làm long nhãn ở Sông Mã còn góp phần giải quyết bài toán đầu ra cho quả nhãn, tạo việc làm, tăng thu nhập bà con.
Ông Nông Văn Phương, chủ cơ sở kinh doanh và sản xuất long nhãn tại xã Chiềng Khoong, huyện Sông Mã cho biết: “Nhà tôi làm long nhãn từ năm 2000, đến năm 2005 thì đầu tư làm quy mô lớn. Chúng tôi thu mua nhãn của bà con mỗi ngày khoảng 2 – 3 tấn. Để làm lúc nào cũng có 50 – 60 người, người già trẻ em đều làm được, việc nhẹ, chỉ đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn thận. Long nhãn được sản xuất, thu mua để xuất đi các nước, chủ yếu là sang Trung Quốc”.
Là vùng trồng nhãn lớn của tỉnh Sơn La nói riêng và miền Bắc nói chung, huyện Sông Mã hiện có trên 7.500 ha, sản lượng năm nay khoảng 70.000 tấn. Riêng với nhãn rải vụ, đến nay đã thu hoạch hơn 10.000 tấn quả tươi.
Nhãn Sông Mã năm nay được mùa, giá bán ổn định từ 20.000 – 35.000 đồng/kg; những quả mẫu mã kém hơn được các lò sấy thu mua làm long nhãn với giá 10.000 – 15.000 đồng/kg.
Ông Nguyễn Tiến Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La thông tin: “Huyện chỉ đạo các xã, HTX phát triển diện tích cây ăn quả theo hướng liền vùng liền khoảnh, tạo vùng nguyên liệu tập trung, nâng cao chất lượng mẫu mã theo tiêu chuẩn VietGAP; sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ. Đặc biệt thời gian tới sẽ khảo sát, lựa chọn xây dựng mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với diện tích nhãn trên địa bàn, đưa diện tích nhãn đáp ứng yêu cầu về chất lượng, mẫu mã, yêu cầu thị trường”.
Không chỉ xây dựng thương hiệu, vị trí vững chắc tại thị trường nội địa, Sơn La đã định hướng lộ trình để nhãn Sông Mã từng bước chinh phục thị trường quốc tế. Đến nay, Sông Mã đã được cấp gần 50 mã số vùng trồng xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Trung Quốc, Úc, New Zealand, với diện tích gần 500 ha.
Sông Mã đang sẵn sàng cho những chuyến container nhãn đầu tiên của năm 2023 sẽ khởi hành, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, EU và Vương quốc Anh vào cuối tháng 7 này; đem theo kỳ vọng vươn xa của trái ngọt trên dải đất biên cương Tổ quốc.
Nguồn: https://baomoi.com/nhan-song-ma-khang-dinh-vi-the-tren-ban-do-nong-san-viet-nam/c/46435044.epi