Số liệu từ Tổng cục Thống kê, xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 49,4 tỷ USD, là thị trường duy nhất đạt mức tăng trưởng dương 4,7%.
Trong 10 tháng của năm 2023, nhiều nhóm hàng nông sản, gạo, trái cây tận dụng được cơ hội mở cửa thị trường và giá đang cao để đẩy mạnh xuất khẩu, gia tăng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Đáng chú ý, với riêng mặt hàng rau quả, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc tăng tới gần 113% so với cùng kỳ năm ngoái, tương đương kim ngạch tăng gần 1,2 tỷ USD. Thống kê của Tổng cục Hải quan nửa đầu tháng 10 (1-15/10), xuất khẩu rau quả thu về 349,52 triệu USD, qua đó nâng kim ngạch từ đầu năm đến 15/10 lên con số 4,56 tỷ USD, tăng trưởng tới 75,4% so với cùng kỳ năm ngoái, tương đương kim ngạch tăng gần 2 tỷ USD. Sự tăng trưởng của mặt hàng rau quả có sự đóng góp lớn từ việc phục hồi ở nhiều thị trường chủ lực, đặc biệt là Trung Quốc.
Bà Ngô Tường Vy – Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu cho biết, với tốc độ tăng trưởng như hiện tại, xuất khẩu trái cây sẽ tiếp tục khả quan, đặc biệt là vào mùa lễ hội khi nhu cầu tăng mạnh. Bên cạnh đó, với việc mở rộng cửa khẩu đường bộ Hữu Nghị Quan sẽ tạo nhiều thuận lợi cho xuất khẩu trái cây sang Trung Quốc trong những tháng cuối năm.
Ông Đặng Phúc Nguyên – Tổng Thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam thông tin, tính đến hiện tại, Việt Nam đã có 13 mặt hàng nông sản xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, gồm tổ yến, khoai lang, thanh long, nhãn, chôm chôm, xoài, mít, dưa hấu, chuối, măng cụt, vải, chanh dây và sầu riêng.
Nhận định về triển vọng xuất khẩu sang Trung Quốc trong thời gian tới, đại diện Vụ Thị trường châu Á – châu Phi (Bộ Công thương) cho rằng, còn nhiều dư địa để đẩy mức tăng xuất khẩu. Đặc biệt, nhu cầu tiêu dùng của thị trường 1,4 tỷ dân tiếp tục gia tăng dịp cuối năm sẽ tác động tốt đến hoạt động xuất khẩu của nước ta. Trong khi đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cho rằng từ nay tới cuối năm, xuất khẩu nông sản vào thị trường Trung Quốc sẽ duy trì tăng trưởng.
Thời gian gần đây, nhiều hoạt động hoạt xúc tiến thương mại đang được đẩy mạnh để khai thác các địa bàn tiềm năng. Chẳng hạn, từ ngày 10 đến 15/11/2023 tại Trung tâm Hội chợ – Triển lãm Kim Thành (tỉnh Lào Cai) sẽ diễn ra Hội chợ Thương mại Quốc tế Việt – Trung. Hội chợ là hoạt động xúc tiến thương mại đầu tư quan trọng nhằm thúc đẩy sự hợp tác, giao lưu, đầu tư, phát triển kinh tế, du lịch và thương mại giữa Lào Cai và các địa phương của Việt Nam với tỉnh Vân Nam và các địa phương của Trung Quốc.
Trước đó, Bộ Công thương tổ chức hội nghị xúc tiến thương mại, đầu tư và kết nối giao thương Việt Nam – Trung Quốc (Trùng Khánh). Đây là thị trường lớn nhưng kim ngạch thương mại Việt Nam – Trùng Khánh chỉ chiếm tỷ lệ thấp (3%) trong tổng kim ngạch thương mại hai nước.
Tuy nhiên, giới chuyên gia cho biết, tiêu chuẩn nhập khẩu hàng hóa, nhất là nông sản của Trung Quốc ngày càng cao, vì thế các ngành hàng, doanh nghiệp phải đầu tư bài bản để xuất khẩu bền vững. Bên cạnh đó cần tích cực nắm bắt thông tin, diễn biến tình hình dịch trên thế giới và nguy cơ lây lan trong nước để kịp thời có các biện pháp tránh lây nhiễm và làm tốt công tác vệ sinh an toàn thực phẩm. Ngoài ra cần nghiên cứu khả năng đầu tư hoặc hợp tác đầu tư với doanh nghiệp Trung Quốc nhằm nâng cao hàm lượng giá trị xuất khẩu cũng như bắt kịp xu thế thị trường trái cây và rau, quả chế biến không ngừng tăng trong những năm trở lại đây.
Nguồn: http://daidoanket.vn/nhieu-du-dia-xuat-khau-sang-trung-quoc-5743061.html