(Chinhphu.vn) – Việt Nam hiện đang là thị trường cung cấp hàng rau quả chế biến lớn thứ 11 cho Hoa Kỳ, nguồn cung hạt điều số 1 tại thị trường Đức và là nguồn cung cà phê lớn nhất tại thị trường Liên bang Nga (tính theo lượng)…
Xuất khẩu rau quả chế biến vào Hoa Kỳ tăng trưởng hai con số
Tin từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), theo số liệu thống kê từ Uỷ ban Thương mại quốc tế Hoa Kỳ, nhập khẩu hàng rau quả chế biến (mã HS 20) của Hoa Kỳ trong giai đoạn 2016 – 2020 tăng trưởng bình quân 3,7%/năm.
Bất chấp đại dịch COVID-19 bùng phát, Hoa Kỳ nhập khẩu hàng rau quả chế biến của Việt Nam trong năm 2020 đạt 8,6 tỷ USD, tăng 1,8% so với năm 2019 và 9 tháng đầu năm 2021, con số này đã tăng lên 7,4 tỷ USD (tăng hơn 17% so với cùng kỳ năm 2020).
Cục Xuất nhập khẩu cho biết, 9 tháng đầu năm 2021, Hoa Kỳ nhập khẩu rau quả đạt 171,9 triệu USD, tăng 49,9% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, tỉ trọng nhập khẩu từ Việt Nam chiếm 2,3% tổng trị giá nhập khẩu. Việt Nam hiện đang là thị trường cung cấp hàng rau quả chế biến lớn thứ 11 cho Hoa Kỳ.
Các sản phẩm được thị trường Hoa Kỳ ưa chuộng gồm: Các loại quả, quả hạch và các phần khác ăn được của cây, đã chế biến hoặc bảo quản bằng cách khác… (HS 2008) và các loại nước ép trái cây (kể cả hèm nho) và nước rau ép, chưa lên men và chưa pha thêm rượu, đã hoặc chưa pha thêm đường chất làm ngọt khác (HS 2009) với trị giá chiếm tỉ trọng cao nhất.
Có thể thấy, thị trường Hoa Kỳ nhập khẩu hàng rau quả chế biến từ Việt Nam luôn ở mức cao, điều này đã chứng tỏ, các sản phẩm rau quả chế biến của Việt Nam đang dần đáp ứng được yêu cầu của người tiêu dùng Hoa Kỳ. Tuy nhiên, với thị trường rộng lớn như Hoa Kỳ thì dư địa cho xuất khẩu hàng rau quả chế biến của các doanh nghiệp Việt Nam rất lớn.
Nguồn cung hạt điều số 1 tại thị trường Đức
Bên cạnh hàng rau quả chế biến, một sản phẩm nông sản tiêu biểu nữa của Việt Nam đó là hạt điều. Việt Nam hiện là nguồn cung hạt điều số 1 tại thị trường Đức nhờ sản lượng ổn định và chất lượng đảm bảo.
Cục Xuất nhập khẩu dẫn số liệu thống kê từ Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC) cho biết, Đức nhập khẩu hạt điều từ Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2021 đạt 28,23 nghìn tấn, trị giá 201,21 triệu USD, giảm 1,7% về lượng và giảm 7,0% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Mặc dù vậy, thị phần hạt điều của Việt Nam trong tổng kim ngạch nhập khẩu của Đức vẫn tăng từ 57,51% trong 9 tháng đầu năm 2020 lên 62,46% trong 9 tháng đầu năm 2021.
Cơ quan này nhận định, xét về cơ cấu nguồn cung, Việt Nam vẫn là nguồn cung hạt điều số 1 tại thị trường Đức nhờ sản lượng ổn định và chất lượng đảm bảo. Triển vọng xuất khẩu hạt điều của Việt Nam sang thị trường Đức sẽ khả quan trong năm 2022 nhờ lợi thế về Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA).
Đức là thị trường nhập khẩu hạt điều lớn nhất ở Liên minh châu Âu (EU), chiếm tới 29% trong tổng lượng và kim ngạch toàn khối. Nhu cầu tiêu thụ hạt điều tại Đức liên tục tăng do nhu cầu cao từ các ngành công nghiệp chế biến thực phẩm và nhu cầu tiêu dùng cuối cùng của người dân.
Thị trường hạt điều của Đức tập trung nhiều vào phân khúc snack, trong khi nhu cầu về hạt điều và hạt vỡ xuất phát từ ngành công nghiệp thực phẩm đang phát triển. Hạt điều chủ yếu được sử dụng ở thị trường Đức như một món ăn nhẹ rang muối. Gần đây, nhân hạt điều cũng được sử dụng nhiều đối với ngành công nghiệp thực phẩm. Người tiêu dùng Đức ngày càng ưa chuộng hạt điều, ngoài tác dụng tốt cho sức khỏe, hạt điều có mức giá cạnh tranh hơn so với các loại hạt khác như hạnh nhân.
Nguồn cung cà phê lớn nhất cho thị trường Nga (tính theo lượng)
Theo Cơ quan Hải quan Nga, 9 tháng đầu năm 2021, nhập khẩu cà phê của Nga đạt trên 182.000 tấn, trị giá 565,74 triệu USD, tăng 6,4% về lượng và tăng 20,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Trong 9 tháng đầu năm 2021, Nga nhập khẩu cà phê từ Việt Nam đạt trên 61.000 tấn, trị giá 116 triệu USD, giảm 8% về lượng, nhưng tăng 4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Việt Nam hiện là nguồn cung cà phê lớn nhất cho Nga tính theo lượng. Còn tính về kim ngạch, cà phê Việt Nam đứng thứ 2 ở thị trường Nga sau Brazil (133 triệu USD trong 9 tháng đầu năm).
Hiện Nga là nhà nhập khẩu cà phê lớn thứ 7 ở châu Âu, khoảng 57% lượng cà phê nhập khẩu của Nga là loại cà phê Robusta và 43% là Arabica. Tiêu thụ cà phê của Nga chiếm 3% tiêu thụ toàn cầu với thị hiếu của người tiêu dùng chuyển từ trà sang cà phê.
Cà phê nằm trong nhóm hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, cà phê xuất khẩu Việt Nam hiện đứng thứ 2 thế giới, chỉ sau Brazil. Cà phê Việt Nam hiện đã có mặt hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, tập trung chủ yếu ở những thị trường lớn như: Đức, Mỹ, Tây Ban Nha, Italy, Bỉ, Anh và các thị trường mới nổi như Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc, Nhật Bản,…
Trong những năm gần đây, ngành cà phê Việt Nam đã có nhiều thay đổi, ngoài xuất khẩu cà phê nhân, Việt Nam đã đẩy mạnh chế biến và xuất khẩu cà phê rang xay, hòa tan, khai thác tối đa lợi ích từ các Hiệp định thương mại tự do, hướng tới mục tiêu xuất khẩu 6 tỷ USD vào năm 2030. Trong các Hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký kết, tất cả các thị trường đều mở cửa cho sản phẩm cà phê chế biến của Việt Nam với mức thuế ưu đãi từ 0-5%.
Singapore muốn hợp tác sản xuất nông sản, thực phẩm chế biến với Việt Nam
Không chỉ ghi dấu trên bản đồ xuất khẩu hàng nông sản, Việt Nam còn là một địa chỉ hấp dẫn trong việc hợp tác xuất khẩu nông sản.
Bà Trần Thu Quỳnh, Tham tán Thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Singapore cho biết: Mặc dù không có nền nông nghiệp nhưng Singapore lại có tỷ trọng xuất khẩu thực phẩm chế biến rất lớn. Nước này còn có ‘tham vọng’ trở thành Trung tâm Halal toàn cầu (thức ăn và đồ uống “được phép” theo Luật hồi giáo) và dành sự quan tâm đặc biệt đến ngành thực phẩm chế biến. Các nhà sản xuất thực phẩm chế biến rất quan tâm đến khâu nguyên liệu. Do đó, doanh nghiệp của Việt Nam có thể nắm bắt cơ hội để xuất khẩu nguyên liệu sản phẩm cho thực phẩm chế biến nói chung và thực phẩm Halah nói riêng.
Bên cạnh đó, Singapore cũng có vai trò là quốc gia trung chuyển hàng hóa sang thị trường nước thứ 3. Các nhà nhập khẩu Singapore có mạng lưới quan hệ với các bạn hàng người Hoa trên khắp thế giới, nhập khẩu hàng hóa từ nhiều nước để trung chuyển sang các nước rất đặc thù mà các doanh nghiệp nước khác khó tiếp cận.
Việt Nam và Singapore là hai nước duy nhất trong khối ASEAN cùng ký kết Hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EU) và Vương quốc Anh. Trong đó, theo Hiệp định Thương mại tự do EU – Singapore (EUSFTA), phía EU dành cho Singapore hạn ngạch xuất khẩu 2.500 tấn thực phẩm, và con số này đối với hiệp định thương mại tự do giữa Singapore và Vương quốc Anh (UKSFTA) là 500 tấn. Cho đến nay, lượng hàng xuất khẩu của Singapore vào các thị trường này vẫn chưa đạt được các hạn ngạch trên.
Trong khi đó, sản phẩm sản xuất tại Việt Nam với nhãn hiệu của Singapore hoặc các sản phẩm sử dụng nguyên vật liệu từ Việt Nam sản xuất cho các sản phẩm của Singapore vẫn được hưởng miễn thuế vào các thị trường trên.
“Các doanh nghiệp của Singapore có sự quan tâm lớn đến nguồn cung hàng hóa của Việt Nam, tìm kiếm các đối tác nhằm khai thác nguyên tắc xuất xứ, nguyên tắc xuất xứ cộng gộp của các hiệp định đã ký kết”, bà Trần Thu Quỳnh cho hay.
Nguồn: https://baochinhphu.vn/nong-san-thuc-pham-che-bien-viet-nam-lien-tuc-ghi-dau-tren-ban-do-xuat-khau-102305339.htm