Nông sản xứ Tuyên sang thị trường châu Âu

7 sản phẩm OCOP của Tuyên Quang được xuất khẩu sang thị trường Anh – thị trường khó tính với những quy định khắt khe về kiểm dịch thực vật, quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc và vệ sinh ATTP.

Các đại biểu tham quan gian hàng OCOP của huyện Yên Sơn (Tuyên Quang).

Đây được xem là bước đi đầu tiên mở đường cho các mặt hàng nông sản của tỉnh xuất hiện tại thị trường châu Âu.

Từ quả bưởi Soi Hà

Vườn bưởi của gia đình ông Đỗ Khắc Thỏa ở thôn Soi Hà, xã Xuân Vân, huyện Yên Sơn là một trong những vườn bưởi được chọn để xuất khẩu sang thị trường Vương quốc Anh. Với diện tích trên 4ha, nhiều năm nay cây bưởi đã đem lại thu nhập cao cho gia đình ông Thỏa, dù chỉ được tiêu thụ ở thị trường trong nước và chưa được nhiều người tiêu dùng biết đến.

Để đáp ứng yêu cầu của thị trường khó tính như Vương quốc Anh, bưởi Soi Hà phải đảm bảo có độ ngọt Brix từ 11.5 độ trở lên, mọng nước, màu vàng đều, không nám rám, không có vết côn trùng cắn… Bưởi có trọng lượng từ 1 – 1,2 kg/quả và được kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật 2 tuần trước khi thu hái, có giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn dư lượng châu Âu. Việc quả bưởi Soi Hà của xã Xuân Vân lần đầu tiên xuất khẩu đi châu Âu đem lại hy vọng cho ông Thỏa và các hộ trồng bưởi nơi đây bởi không chỉ nâng tầm thương hiệu nông sản mà còn giúp người trồng bưởi tăng thêm thu nhập.

Ông Thỏa cho biết, để đáp ứng tiêu chuẩn, chất lượng của thị trường nhập khẩu, ngay từ đầu vụ, gia đình ông đã thực hiện quy trình chăm sóc cây bưởi theo quy chuẩn VietGAP. Đồng thời, phối hợp với Chi cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang) kiểm soát toàn bộ quy trình từ khâu chăm bón, cắt tỉa cành để tạo nên những quả bưởi có chất lượng tốt nhất, an toàn, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu.

Trên địa bàn xã Xuân Vân hiện có trên 1.000 ha bưởi; trong đó, gần 200 ha là giống bưởi Soi Hà. Năm 2017, bưởi Soi Hà được Hội Người tiêu dùng Việt Nam bình chọn là Top 10 nhãn hiệu, thương hiệu nổi tiếng. Năm 2021, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ khoa học và Công nghệ) chính thức cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý.

Ông Lê Hồng Việt, Chủ tịch UBND xã Xuân Vân, huyện Yên Sơn (Tuyên Quang) chia sẻ, để xuất khẩu quả bưởi sang thị trường châu Âu đòi hỏi rất nhiều tiêu chí về an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường. Chính quyền xã đã tuyên truyền bà con trong quá trình trồng và chăm sóc theo hướng VietGAP, hữu cơ nhằm giúp sản phẩm xuất khẩu đảm bảo các tiêu chí về kích thước, màu sắc, độ đường theo đúng quy định, tiêu chuẩn mà thị trường châu Âu đặt ra. Với việc lần đầu tiên bưởi Soi Hà được xuất khẩu sang thị trường khó tính như Vương quốc Anh không chỉ khẳng định thương hiệu của sản phẩm mà còn của nông sản xứ Tuyên và mang lại nguồn thu đáng kể cho các hộ trồng bưởi trên địa bàn. Qua đó, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân, củng cố vững chắc tiêu chí thu nhập về xây dựng nông thôn mới.

Cơ hội cho nông sản xứ Tuyên

Bưởi Soi Hà huyện Yên Sơn (Tuyên Quang) đã được xuất khẩu sang thị trường Vương Quốc Anh.

Hợp tác xã Nông sản hữu cơ Bình Minh, xã Tứ Quận, huyện Yên Sơn cũng có 2 sản phẩm đáp ứng được những tiêu chí khắt khe để xuất khẩu sang thị trường Vương quốc Anh là sản phẩm trà ổi và hoa đu đủ đực ngâm mật ong. Được thành lập và đi vào hoạt động từ tháng 8/2022, hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực chế biến các sản phẩm nông nghiệp. Hiện nay, các sản phẩm của hợp tác xã đang cung cấp cho các siêu thị trong tỉnh và các tỉnh, thành phố như: Quảng Ninh, Ninh Bình, Hà Nội…

Ông Đỗ Thanh Kim, Phó Giám đốc Hợp tác xã Nông sản hữu cơ Bình Minh cho hay, đây là niềm vui và là tiền đề để hợp tác xã tiếp tục cải thiện, nâng cao chất lượng các sản phẩm. Thời gian tới, hợp tác xã sẽ xây dựng thêm nhà xưởng, mua sắm thêm trang thiết bị máy móc và kết nối với các hợp tác xã, đơn vị xuất khẩu để có thêm nhiều mặt hàng đủ điều kiện xuất khẩu sang thị trường đầy tiềm năng, nhưng cũng đầy thách thức như thị trường châu Âu.

Qua thăm dò, khảo sát của Công ty cổ phần R.Y.B (Hà Nội), công ty đã đánh giá rất cao chất lượng các sản phẩm OCOP của Tuyên Quang và đã thực hiện giới thiệu, chào hàng trên 50 sản phẩm chủ lực, đặc sản, sản phẩm OCOP của tỉnh sang thị trường các nước châu Âu như: Anh, Pháp, Đức… Nhờ quy trình kiểm nghiệm nghiêm ngặt về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm, 7 mặt hàng nông sản của tỉnh Tuyên Quang được chọn xuất khẩu sang Vương quốc Anh gồm: Sản phẩm trà ổi, hoa đu đủ đực ngâm mật ong của Hợp tác xã Nông sản hữu cơ Bình Minh; sản phẩm chuối sấy dẻo của Hợp tác xã Chuối sạch Chiêu Yên; sản phẩm trà túi lọc đậu đen xanh lòng của Hợp tác xã Hữu cơ Hồng Phát; sản phẩm siro chanh và siro tắc của Hợp tác xã Nông sản và dược liệu Minh Thảo và sản phẩm bưởi Soi Hà của Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Xuân Vân.

Theo bà Nguyễn Thanh Hương, Giám đốc Công ty cổ phần R.Y.B (Hà Nội), Tuyên Quang là tỉnh có nhiều sản phẩm OCOP chất lượng, được làm từ nguyên liệu thiên nhiên, chế biến và đóng gói bao bì theo quy chuẩn nên các sản phẩm có nhiều tiềm năng xuất khẩu sang thị trường châu Âu. Đặc biệt, những sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường và công ty sẽ hướng dẫn bà con sản xuất theo các tiêu chí của đối tác, hoàn thiện hơn các tiêu chí về chất lượng, đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật để có thể đưa sản phẩm vào thị trường nhập khẩu.

Sau hơn 5 năm triển khai thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), hiện nay, tỉnh Tuyên Quang có 248 sản phẩm được chứng nhận OCOP từ 3 sao trở lên; 32 chuỗi liên kết cung ứng thực phẩm an toàn; 107 sản phẩm được cấp văn bằng bảo hộ của Cục Sở hữu trí tuệ; trên 200 sản phẩm được dán tem truy xuất nguồn gốc; 4 sản phẩm được cấp bảo hộ chỉ dẫn địa lý… Các sản phẩm được công nhận, xếp hạng OCOP tiếp tục được ưu tiên giới thiệu trong các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, hỗ trợ đưa lên các sàn giao dịch điện tử, kết nối liên kết tiêu thụ sản phẩm an toàn trên các sàn thương mại điện tử như: Sendo, Voso, PostMart, Cuccu, Shopee…

Người dân thôn Soi Hà, xã Xuân Vân, huyện Yên Sơn (Tuyên Quang).

Ông Nguyễn Đại Thành, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang khẳng định, 7 mặt hàng vừa được xuất khẩu sang thị trường châu Âu là sự khẳng định chất lượng, thương hiệu nông sản của tỉnh Tuyên Quang. Đây cũng là kết quả bước đầu của hoạt động sản xuất sản phẩm nông sản chất lượng mang định hướng xuất khẩu nhằm đưa sản phẩm nông sản xứ Tuyên vươn xa ra thị trường nước ngoài.

Thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các địa phương trong tỉnh tiếp tục tăng cường công tác chỉ đạo sản xuất, tạo ra các vùng nguyên liệu bảo đảm chất lượng, hỗ trợ việc chứng nhận an toàn thực phẩm cho vùng nguyên liệu. Đồng thời, áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn, quy chuẩn như: VietGAP, hữu cơ, GLOBAl GAP, chứng nhận ISO theo tiêu chuẩn quốc tế, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng để xuất khẩu. Bên cạnh đó, hỗ trợ người sản xuất nâng cao chất lượng, mẫu mã bao bì sản phẩm, tem truy xuất nguồn gốc; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm nông sản; đưa các sản phẩm vào trung tâm thương mại, siêu thị và lên sàn giao dịch thương mại điện tử…

Việc Tuyên Quang xuất khẩu thành công các sản phẩm OCOP sang thị trường khó tính như Vương quốc Anh là tiền đề quan trọng để tỉnh có kế hoạch bài bản trong phát triển sản phẩm chủ lực, đặc sản của địa phương và mở ra cơ hội cho nông sản xứ Tuyên vươn ra thị trường quốc tế.

Nguồn: https://bnews.vn/nong-san-xu-tuyen-sang-thi-truong-chau-au/355540.html