Sau 3 ngày Trung Quốc “mở cửa”: Nhiều loại nông sản xuất khẩu tăng giá, thanh long hút hàng nhất

Trung Quốc đã dần dỡ bỏ nhiều quy định kiểm dịch với hàng hóa. Trong đó đáng chú ý nhất là không bắt buộc xét nghiệm COVID-19 trên hàng hóa nhập khẩu. Vì vậy nhiều người kỳ vọng xuất khẩu các mặt hàng nông sản của Việt Nam sẽ sôi động trở lại.

Để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho xuất khẩu nông sản khi Trung Quốc mở cửa biên giới, Bộ NNPTNT cho biết đã giao nhiệm vụ cho các cơ quan liên quan phối hợp với các đơn vị tại cửa khẩu sắp xếp nhân sự, bố trí nguồn lực để hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu thuận lợi.

Giá nhiều loại trái cây tăng nhanh

Trung Quốc là thị trường tiêu thụ chủ lực của nhiều ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam. Vì vậy, việc nước này mở cửa thị trường trở lại từ đầu năm 2023 mang đến kỳ vọng lớn cho các doanh nghiệp, ngành hàng, nhất là rau quả, thủy sản, xơ sợi, xi măng, cao su, thép, dệt may…

Theo ghi nhận của PV, giá thanh long trong nước đã tăng nhanh trong những ngày gần đây. Theo đó, giá thanh long tại Tiền Giang đang được thương lái mua cao gấp 3 lần so với 1 tháng trước. Cụ thể, với thanh long ruột đỏ loại 1 có giá trên 34.000 đồng/kg; loại 2 giá 28.000 đồng/kg; loại 3 từ 23.000 – 25.000 đồng/kg.

Xe chở sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc qua Cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành.

Tại “thủ phủ” thanh long Bình Thuận, giá thanh long các loại cũng tăng mạnh. Trong đó, thanh long ruột trắng loại 1 giá 13.000 – 15.000 đồng/kg; thanh long ruột đỏ dao động từ 35.000 – 37.000 đồng/kg. Mức giá này khiến các nhà vườn vô cùng phấn khởi, đẩy mạnh chong đèn để làm thanh long nghịch vụ.

Bà Nguyễn Thùy Thuận, Giám đốc Công ty Trà Thanh Long (TP.HCM), chia sẻ với báo chí: “Hiện nay thanh long xuất khẩu sang Trung Quốc đang hút hàng. Từ lúc Trung Quốc mở cửa khẩu, dỡ bỏ các rào cản kiểm dịch, công ty tôi đã chuyển toàn bộ hàng hóa đường biển sang đường bộ để rút ngắn thời gian tiếp cận thị trường”.

“Tình hình chung của các doanh nghiệp trái cây là khá phấn khởi và nhộn nhịp. Nếu như cùng thời điểm này năm trước thanh long rớt giá thê thảm còn 1.000 – 2.000 đồng/kg thì hiện nay đã tăng lên trên 30.000 đồng/kg nhưng cũng không có hàng để thu mua” – bà Thuận thông tin.

Mặt hàng “sốt giá” nhiều nhất phải kể đến là sầu riêng. Tại thị trường hơn 1,4 tỷ dân là Trung Quốc, trái sầu riêng rất được ưa chuộng và tiêu thụ mạnh, vì thế có rất nhiều cơ hội cho trái sầu riêng Việt Nam. Nếu như hồi cuối tháng 12.2022, giá sầu riêng loại một thu mua tại vườn ở ĐBSCL đạt khoảng 80.000 đồng/kg (tăng 20.000 – 25.000 đồng/kg so với mùa trước), thì sau khi có thông tin Trung Quốc mở cửa thị trường đã tăng thêm khoảng 10.000 đồng/kg.

Những người đang có sầu riêng bán thì khấp khởi mừng vui, nhưng nhiều người cũng canh cánh nỗi lo diện tích trồng sầu riêng sẽ tăng ồ ạt trong thời gian tới.

Bố trí nhân lực, nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu

Tại buổi họp báo do Bộ NNPTNT tổ chức ngày 30/12/2022, ông Huỳnh Tấn Đạt – Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT) cho biết, ngay khi có thông tin Trung Quốc sẽ “mở cửa” biên giới từ ngày 8/1, nới lỏng việc kiểm dịch hàng hoá, Cục BVTV đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị tại cửa khẩu sắp xếp nhân sự, bố trí nguồn lực để hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu.

Theo đó, với các mặt hàng chủ lực đã được ký nghị định thư xuất khẩu chính ngạch, Cục BVTV đã triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu về các vùng trồng và cơ sở đóng gói, mùa vụ, năng suất. Qua đó điều tiết các vùng nguyên liệu, tránh ùn tắc, gây áp lực tiêu thụ tại các cửa khẩu.

Đối với các cơ sở đóng gói, mã số vùng trồng, đơn vị đã tổ chức tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn cho tất cả doanh nghiệp tuân thủ các điều kiện quy định trong các nghị định thư mà Việt Nam đã ký kết với Trung Quốc.

Xe container chờ làm thủ tục xuất khẩu hàng nông sản tại cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành. Ảnh: Quốc Khánh

Cũng theo ông Đạt, sau khi Trung Quốc mở cửa trở lại, các nước cũng sẽ xuất khẩu ồ ạt sang thị trường này. Vì vậy có thể Trung Quốc sẽ kiểm tra chặt hơn về mặt an toàn thực phẩm, nâng cao những tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm, trước mắt là lệnh 248, 249 của Trung Quốc được áp dụng từ năm 2021. Đây là những thách thức mà các nhà xuất khẩu Việt Nam cần hết sức chú ý để giảm thiểu rủi ro.

Theo bà Lê Hằng – Giám đốc truyền thông Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP), việc Trung Quốc mở cửa biên giới là tin vui đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Tương tự, nếu chúng ta nhìn ra được lợi thế từ chính sách này của Trung Quốc thì các nước khác cũng sẽ nhanh chóng chớp cơ hội. Do vậy, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc bên cạnh những thuận lợi cũng gặp không ít khó khăn, thách thức.

“Có thể mình sẽ bị ép giá khi có quá nhiều sản phẩm cùng loại của nhiều quốc gia cùng xuất khẩu vào Trung Quốc” – bà Hằng nhận định.

Ông Nguyễn Văn Long – Cục trưởng Cục Thú y cho biết thêm, đến nay đã có 9 nhà máy của 7 công ty sản xuất sữa được xuất khẩu sang Trung Quốc, tăng 50% so với năm 2021. Đặc biệt là sau gần 4 năm đàm phán, chúng ta đã ký được nghị định thư xuất khẩu tổ yến sang Trung Quốc. Hiện Cục Thú y đã ban hành hướng dẫn gồm 7 bước cho các đơn vị có nhu cầu xuất khẩu yến và đã có 5 đơn vị gửi hồ sơ. Cố gắng đầu năm 2023 sẽ có lô yến đầu tiên xuất khẩu sang thị trường này.

Theo thông tin từ Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Lào Cai, phương tiện vận chuyển hàng hóa xuất/nhập khẩu và lái xe sẽ xuất/nhập cảnh qua cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành (Lào Cai), thời gian thông quan từ 7:00 đến 19:00 (giờ Hà Nội).

Đối với người và các phương tiện đi cùng sẽ xuất/nhập cảnh qua cửa khẩu quốc tế Lào Cai, thời gian thông quan từ 7h00 đến 22h00 (giờ Hà Nội).

Để hoạt động xuất/nhập khẩu, xuất/nhập cảnh qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lào Cai diễn ra thuận lợi, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Lào Cai đề nghị các đơn vị liên quan có phương án bố trí lực lượng, đảm bảo các điều kiện cần thiết để duy trì hoạt động xuất/nhập khẩu, xuất/nhập cảnh tại các cửa khẩu theo đúng quy định.

Nguồn: https://danviet.vn/sau-3-ngay-trung-quoc-mo-cua-nhieu-loai-nong-san-xuat-khau-tang-gia-thanh-long-hut-hang-nhat-20230111000118629.htm