(Tổ Quốc) – Khu vực Trung Đông – Bắc Phi là thị trường giàu tiềm năng với các mặt hàng nông sản Việt Nam. Tuy nhiên, công tác quảng bá nông sản sang thị trường này hiện còn gặp rất nhiều khó khăn.
Khu vực Trung Đông – Bắc Phi là thị trường giàu tiềm năng với dân số gần 500 triệu người có nhu cầu và mức chi tiêu cao với các mặt hàng nông, thủy sản nhập khẩu mà doanh nghiệp Việt Nam vốn có thế mạnh như: Các loại thủy sản, gạo, chè, tiêu, hồi, quế, điều, rau củ quả, hoa quả và thực phẩm chế biến. Với điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, không phù hợp để phát triển nông nghiệp đáp ứng đủ nhu cầu nội địa, đây là thị trường còn nhiều dư địa để các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam đẩy mạnh khai thác tiềm năng trong thời gian tới.
Theo số liệu thống kê 10 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Đông tăng 4%, sang Bắc Phi tăng 9,4%. Nông lâm thủy sản vẫn là mặt hàng xuất khẩu chủ lực sang thị trường này. Trong đó, xuất khẩu cà phê sang Algeria đạt hơn 116 triệu USD, tăng 67% so với cùng kỳ; xuất khẩu thủy sản sang Arab Saudi tăng 36,4%; hạt điều sang UAE tăng 59,9%; hạt tiêu sang Ai Cập tăng 58,7%; chè sang Iraq tăng 48,7%; gạo sang Thổ Nhĩ Kỳ tăng gấp 3 lần….
Tuy nhiên, công tác quảng bá nông sản sang thị trường Trung Đông – Bắc Phi hiện nay còn gặp rất nhiều khó khăn. Một số nguyên nhân có thể kể đến như: Sự khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa, hệ thống pháp luật và tập quán kinh doanh; Mạng lưới thương mại, phân phối của Việt Nam tại khu vực vẫn còn hạn chế; chi phí logistics và tiếp thị vẫn còn cao; Thực tiễn tập quán văn hóa kinh doanh cần được trực tiếp xem và kiểm tra các mặt hàng trước khi giao dịch.
Để khắc phục những khó khăn trên, các Đại sứ quán Việt Nam tại khu vực Trung Đông – Bắc Phi đã bước đầu thành lập các Phòng/khu vực trưng bày để tăng cường quảng bá hàng nông sản Việt, trưng bày và giới thiệu sản phẩm tại các siêu thị, giúp kết nối thành công một số đối tác địa phương và doanh nghiệp sở tại với các đối tác Việt Nam. Mặc dù vậy, các không gian trưng bày vẫn còn hạn chế, đặc biệt về chủng loại hàng hóa, bảo quản lưu trữ, vận chuyển hàng mẫu và cơ sở vật chất.
Nhận thấy tầm quan trọng, sự cần thiết của hỗ trợ quảng bá, tăng cường xuất khẩu sang thị trường này, ngày 6/12 vừa qua, Bộ Ngoại giao đã tổ chúc Tọa đàm “Nâng cao hiệu quả quảng bá nông sản Việt Nam tại khu vực Trung Đông – Bắc Phi”. Tọa đàm với sự tham dự của hơn 100 đại biểu từ nhiều Bộ/ngành, địa phương, viện nghiên cứu, liên minh hợp tác xã, hiệp hội và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, chế biến và xuất khẩu nông sản và vận tải hàng hóa quốc tế…..
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã cùng trao đổi thông tin, đưa ra những phương hướng, biện pháp từng bước triển khai hiệu quả, bài bản nhằm hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp quảng bá các sản phẩm nông sản tại khu vực này, mang lại lợi ích thiết thực cho địa phương, doanh nghiệp và người nông dân Việt Nam trong thời gian tới.
Theo đó, các đại biểu cùng chung nhận định, một là, đẩy mạnh hơn nữa hoạt động xúc tiến thương mại, tham gia các hội chợ và triển lãm quốc tế nhằm quảng bá nông sản tại khu vực. Các hoạt động xúc tiến thương mại cần phải được tổ chức có trọng tâm, trọng điểm, nắm bắt rõ hơn nhu cầu, thị hiếu của thị trường, khai thác tốt, hiệu quả tiềm năng, phù hợp với khả năng của địa phương và doanh nghiệp.
Hai là, tận dụng các nguồn lực, hệ thống có sẵn tại chỗ như các cơ quan đại diện, các cơ quan thương vụ của Việt Nam, các hệ thống siêu thị và nhà hàng tại khu vực nhằm trưng bày, giới thiệu các sản phẩm nông lâm thủy sản một cách trực quan nhất tới người tiêu dùng; kết hợp giữa hoạt động quảng bá trực tiếp với các hoạt động quảng bá trực tuyến, kết hợp tham gia các nền tảng thương mại điện tử lớn trên thế giới và khu vực.
Ba là, sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước, địa phương và hiệp hội, doanh nghiệp không chỉ trong lĩnh vực xuất khẩu nông lâm thủy sản mà còn trong các lĩnh vực liên quan như vận tải, logistics nhằm tận dụng tối đa nguồn lực, hỗ trợ nhau cùng phát triển.
Để làm được những điều này, các địa phương, doanh nghiệp xuất khẩu nông sản và logistics cần phối hợp chặt chẽ, thường xuyên hơn nữa với Bộ Ngoại giao, cũng như các cơ quan đại diện Việt Nam trong việc xác định sản phẩm ưu tiên để quảng bá, cách thức tổ chức mô hình trưng bày; chủ động cung cấp hàng mẫu, tài liệu thông tin giới thiệu sản phẩm phù hợp một cách thường xuyên, lâu dài./.