Bên cạnh cải tạo và trồng mới, tỉnh Đồng Tháp đặt mục tiêu đến năm 2025 công suất chế biến xoài và phế phụ phẩm đạt 30.000 tấn/năm, tăng gấp 5 lần so với năm 2020 và thời gian bảo quản trái xoài có thể kéo dài lên đến 2 tháng.
Phân loại xoài xuất khẩu ở tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: Trung Chánh
Ông Huỳnh Minh Tuấn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp vừa ban hành kế hoạch phát triển ngành xoài của địa phương này đến năm 2025. Trong đó, phấn đấu đến năm 2025 trồng mới và cải tạo vườn xoài già cỗi kém hiệu quả là 4.450 héc ta.
Tỉnh Đồng Tháp tiếp tục lựa chọn hai giống xoài chủ lực là Cát Chu và Cát Hoà Lộc đưa vào sản xuất. Ưu tiên phát triển nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý xoài Cao Lãnh ở các thị trường đã nhập khẩu xoài của Việt Nam.
Kế hoạch của tỉnh Đồng Tháp cũng đặt mục tiêu thu hút đầu tư mới nhà máy chế biến xoài và phụ phẩm xoài có công suất 30.000 tấn/năm, tăng gấp 5 lần so với con số của năm 2020.
Tỉnh Đồng Tháp cũng đặt mục tiêu thời gian bảo quản xoài của địa phương có thể kéo dài lên đến 2 tháng.
Đến năm 2025, có 11.000 héc ta các vùng trồng và cơ sở hoạt động trong lĩnh vực sơ chế, đóng gói xoài xuất khẩu đều được cấp mã số, chiếm 100% diện tích đủ điều kiện cấp mã số vùng trồng theo quy định.
Phấn đấu đến năm 2025, các hợp tác xã, tổ hợp tác, hội quán có diện tích trồng xoài đạt chứng nhận an toàn thực phẩm, các tiêu chuẩn thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP) gắn truy xuất nguồn gốc, dán tem chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm có hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm xoài tươi đạt 20%.
Tỉnh Đồng Tháp cũng đặt mục tiêu diện tích chuyển đổi sản xuất xoài “hướng hữu cơ” , “xoài hữu cơ” đến năm 2025 đạt 2%, tương đương diện tích 293 héc ta.
Phấn đấu ứng dụng đồng bộ công nghệ sau thu hoạch, bao gồm vận chuyển, phân loại, cắt cuống, xử lý mủ, rửa, sấy khô và dán nhãn; đóng gói, áp dụng công nghệ xử lý bằng hơi nước bảo hòa (xử lý côn trùng) và cấp đông siêu tốc bằng chất lỏng (cấp đông nguyên trái), giảm tỷ lệ tổn thất, tăng chất lượng trái xoài, giảm tổn thất sau thu hoạch ít nhất 20%.
Kế hoạch cũng đặt mục tiêu ứng dụng đồng bộ tiến bộ khoa học, quy trình sản xuất tiên tiến và cải tiến chuỗi giá trị ngành hàng trên cơ sở tổ chức lại sản xuất, sắp xếp các nhân tố tham gia bên trong ngành hàng xoài nhằm phát huy tối đa giá trị gia tăng, nâng cao thu nhập cho nhà vườn trồng xoài, lợi nhuận tăng thêm của ngành hàng ít nhất 15%/năm.
Tại hội thảo phát triển ngành hàng xoài của tỉnh Đồng Tháp diễn ra hồi tháng 7-2022, ông Lê Quốc Điền, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp cho biết, sản lượng xoài của địa phương hiện đạt khoảng 129.000 tấn mỗi năm, tập trung ở TP Cao Lãnh và các huyện Cao Lãnh, Thanh Bình, trong đó, có khoảng 65% sản lượng được xuất khẩu và 35% tiêu thụ trong nước.
Báo cáo của Tổng cục Hải quan cho thấy, ở phân khúc xuất khẩu quả tươi, xoài là 1 trong 4 loại trái cây có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam sau thanh long, chuối và mít. Trong đó, 6 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu xoài tươi của Việt Nam đạt 84,176 tiệu đô la Mỹ, giảm 58,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi đó, ở phân khúc sản phẩm chế biến, 6 tháng đầu năm 2022, xoài đã mang về cho Việt Nam 25,775 triệu đô la Mỹ, giảm 5,7% so với cùng kỳ năm ngoái.