Việc ký kết thành công Nghị định thư một số nông sản sang thị trường Trung Quốc, cũng như Mỹ vừa qua được coi là “cú hích” lớn giúp nông sản Việt có cơ hội bứt phá xuất khẩu, cũng như thay đổi tư duy sản xuất để nâng cao chuỗi giá trị cho nông sản.
Nâng cấp “con đường” xuất khẩu nông sản
Trung Quốc hiện là thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản lớn của Việt Nam. Tuy nhiên, nếu xét trên tổng lượng nhập khẩu các mặt hàng này của Trung Quốc mỗi năm khoảng 260 tỷ USD, thì Việt Nam mới chiếm thị phần chưa đến 5%.
Tuy nhiên, cục diện thị trường đã có nhiều chuyển biến tích cực, khi mới đây Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) Việt Nam cùng cơ quan chức năng phía Trung Quốc đã ký kết 3 nghị định thư, tạo thuận lợi cho xuất khẩu nông sản vào thị trường này.
Ông Nguyễn Quang Hiếu – Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT) – đơn vị tham mưu xây dựng nghị định thư, cho biết: Sầu riêng đông lạnh là một trong những mặt hàng được hưởng lợi khi vào thị trường Trung Quốc.
Đây là nông sản có giá trị xuất khẩu lớn, đóng góp đáng kể vào kim ngạch xuất khẩu nông sản. Việc mở cửa chính thức thị trường Trung Quốc cho sản phẩm này dự kiến sẽ tạo ra cơ hội lớn cho ngành sầu riêng Việt Nam. Năm 2023, Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 500.000 tấn sầu riêng, đạt kim ngạch 2,3 tỷ USD, trong đó xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm tới 90%.
Hiện, Cục đã đề nghị Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật các tỉnh, thành phố thông báo và hướng dẫn các tổ chức, cá nhân có nhu cầu đăng ký vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng đông lạnh xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc; rà soát, kiểm tra, đánh giá thực địa và tổng hợp danh sách các vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng đông lạnh (quả sầu riêng có vỏ, sầu riêng xay nhuyễn và cơm sầu riêng không có vỏ) có đủ hồ sơ, trang thiết bị máy móc đáp ứng các yêu cầu về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm của nước nhập khẩu.
Các chuyên gia nông nghiệp cho biết, việc ký kết nghị định thư là bước tiến quan trọng trong quan hệ thương mại nông sản giữa hai nước, đặc biệt đối với ngành nông nghiệp Việt Nam.
“Điều này sẽ góp phần thúc đẩy mạnh mẽ xuất khẩu nông sản, đặc biệt là các sản phẩm vừa được ký kết sang thị trường Trung Quốc, góp phần vào tăng trưởng của ngành nông nghiệp Việt Nam” – Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường Nguyễn Như Tiệp cho biết.
Bộ NNPTNT sẽ tiếp tục làm việc chặt chẽ với Tổng cục Hải quan Trung Quốc để triển khai các bước tiếp theo sau khi các nghị định thư được ký kết, đảm bảo doanh nghiệp của Việt Nam có thể xuất khẩu các sản phẩm nói trên vào thị trường Trung Quốc một cách thuận lợi.
Bên cạnh sầu riêng, dừa tươi cũng là mặt hàng có triển vọng xuất khẩu lớn. Việc ký nghị định thư mở ra cơ hội cho dừa tươi Việt Nam tiếp cận thị trường Trung Quốc.
Trong các năm 2022, 2023, kim ngạch xuất khẩu của các sản phẩm từ dừa và liên quan tới dừa đã tiệm cận 1 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu trái dừa tươi đạt gần 800 triệu USD. Việt Nam là một trong những nước sản xuất và xuất khẩu dừa lớn trên thế giới, với diện tích trồng khoảng 175.000 ha, tập trung chủ yếu ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Với việc mở cửa thị trường Trung Quốc, dự kiến kim ngạch xuất khẩu dừa tươi có thể tăng thêm 200-300 triệu USD ngay trong năm 2024, sẽ đem về kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Đồng thời dự báo xuất khẩu dừa tươi sẽ tăng trưởng mạnh vào các năm tiếp theo.
Các chuyên gia đánh giá, xuất khẩu dừa tươi không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn tạo động lực cho ngành dừa Việt Nam phát triển bền vững, nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế.
Hiệp hội Dừa Việt Nam thống kê, cả nước có khoảng 100 doanh nghiệp liên quan đến dừa, trong đó hơn 40 doanh nghiệp sản xuất chế biến sâu. Bên cạnh sản xuất, các doanh nghiệp còn khai thác một số nguyên liệu, phế phụ phẩm từ dừa, phục vụ các ngành thực phẩm, y tế, mỹ phẩm.
Sẵn sàng đón sóng lớn
Không chỉ đạt được những bước tiến lớn đối với thị trường Trung Quốc, Việt Nam và Mỹ đã đạt được thỏa thuận cho chanh dây Việt Nam nhập khẩu vào nước này, thị trường vốn chiếm hơn 20% tổng kim ngạch nông sản xuất khẩu nước ta.
Các chuyên gia đánh giá, càng về những tháng cuối năm, các sản phẩm nông nghiệp có nhiều cơ hội lớn để bước vào chu kỳ tăng tốc xuất khẩu, sớm đạt mục tiêu xuất khẩu cả năm.
Do đó, việc tham gia ký kết các nghị định thư, thỏa thuận xuất khẩu chính là những “cú hích” quan trọng để nông sản Việt có thêm cơ hội bứt phá. Việc khai thác thị trường qua kênh chính thống không chỉ góp phần tăng thêm nguồn thu cho nông sản Việt Nam, mà đây còn là cơ hội để ngành nông nghiệp thực hiện tái cơ cấu, gắn với gia tăng giá trị sản phẩm một cách mạnh mẽ hơn.
“Muốn vào thị trường, bắt buộc các sản phẩm phải đáp ứng quy chuẩn về nguồn gốc, chất lượng, từ đó buộc người sản xuất, doanh nghiệp xuất khẩu phải đổi mới các quy trình này ngay từ đầu” – Chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy cho biết.
Điều này đồng nghĩa với việc, các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản cần nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa ngành hàng và chuyển từ phát triển chuỗi cung ứng nông sản sang phát triển chuỗi giá trị ngành hàng để kịp thời bắt nhịp với xu thế phát triển của thị trường thế giới.
Dẫn chứng từ ngành hàng rau quả, Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, chỉ riêng mặt hàng rau quả, mỗi năm nước ta sản xuất khoảng 31 triệu tấn, thế nhưng, tỷ lệ chế biến lại chưa tới 20%. Trong khi, chế biến sâu không chỉ giúp đa dạng hóa sản phẩm, giảm áp lực thu hoạch theo mùa mà còn tận dụng được tối đa nguồn nguyên liệu, kể cả những trái tươi không đạt yêu cầu về mẫu mã.
Các chuyên gia cũng cho rằng, thị trường rộng cửa, nhưng chúng ta chỉ có thể tận dụng được khi giữ vững được chất lượng nông sản.
Tại hội nghị về triển khai các nghị định thư xuất khẩu nông sản Việt sang Trung Quốc mới đây, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, việc ký kết nghị định thư sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp, người sản xuất, chăn nuôi của Việt Nam phát triển, ổn định đầu ra cho sản phẩm, mang lại lợi ích kinh tế cao…
Để nắm bắt tốt cơ hội này, Thứ trưởng đề nghị các Bộ, ngành Trung ương tháo gỡ khó khăn cho địa phương và doanh nghiệp sản xuất, chăn nuôi theo hướng bền vững, lựa chọn cá thể có nguồn giống tốt nhằm nâng cao giá trị vật nuôi, đảm bảo tuân thủ quy định về đa dạng sinh học và truy xuất nguồn gốc để đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Đồng thời, các doanh nghiệp cần chủ động kiểm tra và lựa chọn nguồn giống tốt, liên hệ với các đối tác để mở rộng thị trường xuất khẩu, trong đó đặc biệt chú trọng đến chất lượng, nguồn gốc sản phẩm, tránh gây ảnh hưởng đến thương hiệu nông sản Việt.
Nguồn: http://baokiemtoan.vn/xuat-khau-chinh-ngach-co-hoi-cho-nong-san-viet-but-pha-34750.html