EU là một trong các thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam. Hiệp định EVFTA được coi là cơ hội để nông sản Việt liên kết sâu rộng vào thị trường lớn, có giá bán cao, nhưng cũng là thách thức đòi hỏi các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu cần phải thay đổi mạnh mẽ hơn nữa để tăng trưởng xuất khẩu bền vững sang thị trường “khó tính” này.
* Bộ Công Thương là cơ quan đầu mối thực thi Hiệp định EVFTA
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính của Việt Nam (bao gồm cà phê, hạt điều, cao su, rau quả, hạt tiêu, gạo và chè) sang thị trường EU trong 11 tháng năm 2021 đạt khoảng 2,2 tỷ USD và tăng 10,1% so với cùng kỳ năm 2020. Với kết quả này, EU là một trong những thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất nước ta, chiếm 13,7% trong tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính. Về cơ cấu mặt hàng xuất khẩu, tỷ trọng các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang EU cụ thể như sau: cà phê (chiếm 42,2% tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính sang EU), hạt điều (chiếm 33%), cao su (chiếm 7,9%), rau quả (chiếm 7,8%), hạt tiêu (chiếm 7,4%), gạo (chiếm 1,7%) và chè (chiếm 0,1%). Cơ cấu các mặt hàng nông sản của Việt Nam sang EU 11 tháng năm 2021 (% tính trị giá)
Về thị trường xuất khẩu sang các nước thành viên EU, dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, kim ngạch xuất khẩu nông sản sang các thị trường chủ lực của Việt Nam tại khu vực EU đều tăng trưởng tích cực hoặc chỉ giảm nhẹ: Đức (chiếm 28,8% tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính của Việt Nam sang EU, đạt 641 triệu USD, tăng 24,4% so với cùng kỳ năm 2020), Hà Lan (chiếm 22,5%, đạt 500 triệu USD, tăng 1,9%), Italy (chiếm 12,8%, đạt 285 triệu USD, tăng 3,2%), Tây Ban Nha (chiếm 9%, đạt 202 triệu USD, giảm nhẹ 0,6%), Pháp (chiếm 6,4%, đạt 142 triệu USD, tăng 25,2%),… Ngoài ra, một số thị trường có kim ngạch xuất khẩu nhỏ nhưng đạt mức tăng trưởng mạnh mẽ, cho thấy tiềm năng xuất khẩu: Phần Lan (tăng 198%), Hungary (tăng 86,9%), Cộng hoà Séc (tăng 49,2%),…
Xuất khẩu rau quả sang EU
EU cam kết mở cửa rất mạnh cho rau quả Việt Nam trong EVFTA, 94% trong tổng số 547 dòng thuế rau quả và các chế phẩm từ rau quả (trong đó có nhiều sản phẩm là thế mạnh của Việt Nam như vải, nhãn, chôm chôm, thanh long, dứa, dưa,…) được xoá bỏ ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Phần lớn các dòng thuế EU cam kết xóa bỏ ngay hiện đều đang có mức thuế MFN trung bình là trên 10%, cá biệt có những sản phẩm rau quả đang chịu thuế trên 20%. Do đó, mức cam kết này của EU được đánh giá là sẽ tạo ra lợi thế lớn về giá cho rau quả Việt Nam (đặc biệt trong cạnh tranh nhập khẩu vào EU với các nước có thế mạnh về rau quả chưa có FTA với EU như Thái Lan, Trung Quốc, Malaysia, Indonesia).
Xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang thị trường EU sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực và đi vào thực thi đã đạt được kết quả tích cực. Trong 11 tháng 2021, kim ngạch xuất khẩu rau quả sang EU đạt 173 triệu USD, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm 2020. Các chủng loại rau quả xuất khẩu chủ yếu sang EU là: mã HS. 20098999 – Các loại nước ép trái cây (kể cả hèm nho) và nước rau ép, chưa lên men và chưa pha thêm rượu, đã hoặc chưa pha thêm đường hoặc chất tạo ngọt khác – Loại khác (đạt 28 triệu USD, giảm 23,5% so với cùng kỳ 2020 và chiếm 16% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả sang EU); mã HS. 8109094 – Quả lựu, quả mãng cầu hoặc quả na, quả roi, quả thanh trà, quả chanh leo, quả sấu đỏ, quả táo ta, và quả dâu da đất (đạt 22 triệu USD, tăng 19,8%, chiếm 13%); mã HS. 08119000 – Quả và quả hạch (nuts), đã hoặc chưa hấp chín hoặc luộc chín trong nước, đông lạnh, đã hoặc chưa thêm đường hoặc chất tạo ngọt khác – Loại khác (đạt 18 triệu USD, tăng 23,8%, chiếm 10,4%)…
Trong 11 tháng năm 2021, EU là thị trường xuất khẩu rau quả lớn thứ tư của Việt Nam, chiếm 5,3% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này. Trong số các thị trường thành viên EU, rau quả của Việt Nam được xuất chủ yếu sang các nước: Hà Lan (đạt 71 triệu USD), Pháp (đạt 35 triệu USD) và Đức (đạt 20 triệu USD). Lượng rau, quả tiêu thụ có xu hướng ngày một tăng tại EU do thói quen ăn uống để bảo vệ, tăng cường sức khỏe. Tuy nhiên, thị trường EU đòi hỏi rất khắt khe về các truy xuất nguồn gốc và tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, đặc biệt là an toàn vệ sinh thực phẩm. Vì vậy, các doanh nghiệp cần phải tìm hiểu, nắm bắt rõ thông tin về thị trường, từ thị hiếu người tiêu dùng cho đến những quy định, tiêu chuẩn về quy tắc xuất xứ, an toàn vệ sinh thực phẩm… để từ đó gia tăng chất lượng hàng hóa, chinh phục thị trường “khó tính” này.
Thời gian tới, kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang thị trường EU được dự báo sẽ tăng trưởng mạnh mẽ hơn khi dịch Covid-19 được kiểm soát, EU dần nới lỏng các biện pháp phòng dịch, mở cửa thông thương thuận tiện hơn, các doanh nghiệp xuất khẩu của ta cũng trải qua thời gian thích nghi với các cam kết tại EVFTA đặc biệt là các cam kết về quy tắc xuất xứ. Đây là những tiền đề quan trọng để ngành nông sản của Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu, xây dựng thương hiệu, mở rộng thị phần tại thị trường các quốc gia châu Âu.