Theo các chuyên gia, nông sản Việt Nam tới đây phải khẳng định trên thị trường Trung Quốc bằng chất lượng, chứ không còn làm số lượng nữa. Điều đó được thể hiện qua con đường xuất khẩu chính ngạch bền vững và là xu thế tất yếu mà các doanh nghiệp phải tuân thủ.
13 mặt hàng xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc
Hiện nay Trung Quốc là 1 trong 3 thị trường nhập khẩu nông, lâm, thủy sản lớn nhất của Việt Nam. Tính đến hết tháng 4/2023, giá trị xuất khẩu (XK) sang Trung Quốc chiếm tỷ trọng 20,9%, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm trước.
Từ nửa cuối năm 2022, Việt Nam và Trung Quốc đã lần lượt ký nghị định thư XK chính ngạch sầu riêng, chuối, khoai lang, tổ yến sang thị trường Trung Quốc, mở ra cơ hội mới cho các mặt hàng thâm nhập sâu vào thị trường rộng lớn này. Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), tính đến nay, Việt Nam đã có 13 mặt hàng nông sản XK chính ngạch sang Trung Quốc, gồm: tổ yến, khoai lang, thanh long, nhãn, chôm chôm, xoài, mít, dưa hấu, chuối, măng cụt, vải, chanh dây và sầu riêng.
Mới đây, trong tháng 4/2023, tại huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long đã diễn ra lễ XK chuyến hàng 28 tấn khoai lang đầu tiên theo đường chính ngạch sang Trung Quốc. Đây là kết quả sau nhiều năm đàm phán của Bộ NN&PTNT Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc, nghị định thư XK khoai lang chính ngạch sang Trung Quốc được ký kết ngày 22/11/2022.
Ông Đặng Phúc Nguyên – Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, Trung Quốc vẫn là thị trường quan trọng đối với ngành rau quả Việt Nam. Năm 2023, nếu thuận lợi, dự kiến kim ngạch XK sầu riêng có thể đạt trên dưới 1 tỷ USD. Bên cạnh quả thanh long, mặt hàng sầu riêng sẽ mang lại giá trị tỷ USD trong tương lai không xa và dự báo kim ngạch của ngành rau quả năm 2023 đạt khoảng 4 tỷ USD.
Chuyển đổi sang xuất khẩu chính ngạch
Thực tế, thị trường Trung Quốc mang lại nhiều cơ hội cho nông sản Việt Nam nhưng cũng đi kèm với các rủi ro mới về kiểm soát chất lượng, lo ngại ùn ứ ở cửa khẩu vào mùa cao điểm sắp tới. Điều đáng lo ngại là thời gian gần đây, Trung Quốc đã phát triển mở rộng diện tích vải thiều, thanh long, chanh leo… đe dọa tới sức tiêu thụ nông sản Việt Nam tại thị trường này. Nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam chưa ký kết được nghị định thư kiểm dịch thực vật với Trung Quốc dẫn tới tỷ lệ kiểm soát gần 100% lô hàng, ảnh hưởng tới hiệu suất XK.
Không những vậy, Trung Quốc đang xây dựng lộ trình đóng biên, loại bỏ hoàn toàn XK tiểu ngạch vào nước này, đây sẽ là trở ngại lớn với cả thương nhân Việt Nam và Trung Quốc. XK nông sản Việt Nam hiện nay chỉ đếm trên đầu ngón tay số mặt hàng được XK chính ngạch. Trong khi đó, có tới 70% sản lượng nông sản XK sang nước bạn bằng đường tiểu ngạch và doanh nghiệp XK đa phần là doanh nghiệp nhỏ.
Trước thực trạng đó, các chuyên gia cũng như các cơ quan chức năng đều khẳng định, chuyển đổi sang XK chính ngạch là xu thế không thể khác và doanh nghiệp, địa phương, người dân buộc phải tuân thủ.
Để XK chính ngạch vào thị trường Trung Quốc, cơ quan chức năng khuyến cáo các địa phương, cơ quan quản lý nên xây dựng chiến lược phát triển ngành, xây dựng thương hiệu song song với xây dựng vùng sản xuất, vùng nuôi trồng chuyên canh tập trung, quy mô lớn dựa theo tín hiệu thị trường. Phía doanh nghiệp cần thường xuyên cập nhật và tuân thủ quy định về tiêu chuẩn chất lượng, kiểm nghiệm, kiểm dịch, bao bì đóng gói, truy xuất nguồn gốc của thị trường Trung Quốc…
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho rằng, bên cạnh việc thay đổi quy mô, điều quan trọng nữa là cần xây dựng được các kho bảo quản nông sản ở các địa phương biên giới. Điều này sẽ giúp rau quả tươi lâu hơn, giữ được chất lượng tốt khi đến thời hạn giao hàng.
Về phía cơ quan nhà nước, trong thời gian tới, Bộ NN&PTNT tiếp tục tổ chức các hoạt động như cử đoàn công tác làm việc với 2 tỉnh Vân Nam và Quảng Tây (Trung Quốc) để đẩy mạnh xúc tiến thương mại nông sản. Đồng thời, Bộ Công thương đang xây dựng dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 14/2018/NĐ-CP ngày 23/01/2018 quy định chi tiết về hoạt động thương mại biên giới.