Ngay đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang một số thị trường như Hoa Kỳ, EU, Hàn Quốc… đã xuất hiện những tín hiệu phục hồi. Mặt hàng gạo cũng được dự báo tiếp tục thuận lợi; còn rau quả khởi sắc ngay từ đầu năm, trong đó sầu riêng vẫn vững ngôi đầu.
Năm 2023, Việt Nam đã tạo ra điểm sáng trong bức tranh kinh tế, thương mại toàn cầu. Nổi bật là thành tích của ngành nông nghiệp với dấu ấn đậm nét từ các kỷ lục. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, tăng trưởng khu vực nông nghiệp vẫn đạt mức 3,83%. Đây là mức mức tăng cao nhất của ngành 10 năm qua. Có hơn 10 mặt hàng nông sản đạt kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên. Nhiều nông sản có mức tăng trưởng kỷ lục như lúa gạo, sầu riêng…
Thời cơ cho lúa gạo Việt
Một số doanh nghiệp (DN) xuất khẩu gạo ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cho biết, tín hiệu thị trường năm 2024 rất tốt. Hoạt động xuất khẩu được DN tiến hành liên tục từ những ngày đầu năm bởi nhu cầu thị trường thế giới vẫn cao, trong khi nguồn cung hạn chế. Ông Phạm Thái Bình – Chủ tịch HĐQT công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An dự báo xuất khẩu gạo năm 2024 có thể đạt trên 5 tỷ USD.
“Giá gạo 5% tấm không dưới 700 USD/tấn. Năm 2024, lượng gạo xuất khẩu tối thiểu cũng bằng năm 2023 nhưng giá trị chắc chắn sẽ cao hơn từ 15 đến 20%. Năm 2023 đã thu về 4,8 tỷ USD thì năm 2024, kim ngạch gạo phải ở trên 5 tỷ USD” – ông Bình nhận định.
Còn ông Nguyễn Văn Thành – Tổng Giám đốc Công ty TNHH Phước Thành IV, Vĩnh Long cho biết, giá gạo năm 2024 vẫn phụ thuộc khá lớn vào động thái của Ấn Độ về việc có xem xét dỡ bỏ lệnh cấm. Tuy nhiên, dù có những yếu tố khách quan khó đoán định nhưng giá lúa gạo năm 2024 vẫn có thể ở mức cao. “Dự báo của FAO cho rằng thế giới sẽ thiếu hụt khoảng 5 triệu tấn gạo. Các quốc gia cũng nhận thấy điều này và gần đây nhất là Indonesia đã mở nhiều gói thầu mua dự trữ. Tôi tin rằng thị trường gạo trên thế giới năm 2024 sẽ vẫn tốt” – ông Thành nói.
Theo ông Lê Thanh Hòa – Phó Cục trưởng Cục Chất lượng – Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), sản lượng gạo toàn cầu có thể đạt kỷ lục gần 520 triệu tấn, đồng thời mức tiêu thụ cũng tiến sát 525 triệu tấn. Như vậy, thế giới sẽ thiếu hụt 5 triệu tấn gạo trong năm tới. Hơn nữa, lượng gạo tồn kho toàn cầu giảm, chỉ còn hơn 160 triệu tấn nên đây là thời cơ lớn cho ngành hàng lúa gạo Việt Nam.
Ngoài ra, nhu cầu nhập khẩu của các nước sẽ biến động. Một số quốc gia sẽ giảm nhập như Brazil, Ai Cập, Ghana… nhưng một số nước, trong đó có bạn hàng lớn của Việt Nam là Indonesia lại dự báo tăng nhập khoảng 600.000 tấn, hay như Philippines – một đối tác quan trọng khác của Việt Nam ngay trong năm 2023 này ước nhập khẩu hơn 2,8 triệu tấn gạo, trong đó 90% khối lượng nhập là từ Việt Nam.
Kỳ vọng những kỷ lục mới
Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt kỷ lục với 5,69 tỷ USD, tăng gần 70% so với năm 2022, vượt xa mục tiêu đặt ra trước đó của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT). Đặc biệt, thanh long, sầu riêng đã trở thành mặt hàng có giá trị xuất khẩu cao nhất với trên 2 tỷ USD. Với thị trường chủ yếu là Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Australia…
Để có được kết quả ấn tượng đó, một trong những nguyên nhân được mọi người nhắc đến như một xu hướng trong năm 2024, đó là việc nhiều vùng nguyên liệu rau quả được mở rộng và người nông dân đã canh tác theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Nói như ông Đặng Phúc Nguyên – Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam thì chất lượng đã có sự chuyển dịch lớn, bảo đảm các tiêu chí vào nhiều thị trường. Bên cạnh đó là sự đa dạng trong sản phẩm với nhiều mặt hàng trái cây được thị trường thế giới ưa chuộng
Tiếp đà những tín hiệu tích cực của thị trường trong năm 2024, những ngày đầu năm mới này, công ty TNHH xuất nhập khẩu Vina T&T phối hợp với UBND huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang và các sở, ngành, địa phương công bố xuất lô xoài tượng da xanh VietGAP đầu tiên đi 2 thị trường Úc, Mỹ.
Còn tại tỉnh Đắk Lắk, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Nutri Soil cũng mở hàng đầu năm với lô hạt mắc ca hơn 10 tấn đầu tiên được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Hàn Quốc.
Trái cam Cao Phong – đặc sản của huyện Cao Phong (tỉnh Hòa Bình) cũng nhận được tin vui khi UBND huyện Cao Phong phối hợp với sở NNPTNT cùng các DN tổ chức lễ xuất khẩu chuyến cam đầu tiên sang thị trường Anh. Trái cam Cao Phong được thị trường Anh ưa chuộng vì đáp ứng được các tiêu chuẩn về chất lượng sản phẩm và quy trình sản xuất Global GAP.
Năm 2024, ngành hàng rau quả của Việt Nam được dự báo tăng trưởng 15-20%, tiếp tục lập đỉnh mới, có thể vượt qua con số 6 tỷ USD, thậm chí sẽ tiến tới mốc 7 tỷ USD. Hiện Bộ NNPTNT đang thực hiện nhiều hoạt động để thúc đẩy sự phát triển của ngành rau quả Việt Nam. Bởi theo thống kê, kim ngạch xuất khẩu rau quả Việt Nam mới chiếm khoảng 2-3% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả thế giới. Như vậy là dư địa ngành hàng này rất lớn. Quan trọng là làm thế nào để khai thác tốt các tiềm năng này.
Đặt mục tiêu thận trọng
Khác với gạo và các mặt hàng nông sản, năm 2024, ngành thủy sản đặt mục tiêu thận trọng với tổng sản lượng thủy sản đạt 9,22 triệu tấn, tương đương thực hiện năm 2023; kim ngạch đạt 9,5 tỷ USD, tăng nhẹ 3% so với 2023.
Năm 2023, theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu thủy sản cả năm 2023 ước đạt 9,2 tỷ USD, đạt 92% so kế hoạch (10 tỷ USD). Trong đó, tập trung vào các nhóm hàng chính như: Xuất khẩu tôm khoảng 3,45 tỷ USD; cá tra khoảng 1,9 tỷ USD; nhuyễn thể khoảng 0,8 tỷ USD; cá ngừ khoảng 0,9 tỷ USD.
Dự báo, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong nửa đầu năm 2024 sẽ chỉ phục hồi nhẹ so với mức nền thấp của cùng kỳ năm 2023 do nhu cầu thị trường chưa chắc chắn. Kinh tế thế giới vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, lạm phát giảm nhưng vẫn chưa về mức mục tiêu của các nước, lãi suất cao… vẫn là những yếu tố ảnh hưởng đến sự phục hồi kinh tế toàn cầu. Do đó, người tiêu dùng sẽ chưa thực sự thoải mái trong quyết định chi tiêu, nhu cầu tiêu dùng thủy sản toàn cầu khó tăng mạnh.
Vẫn còn thách thức lớn
Nói về những con số xuất khẩu trong năm 2024, nhiều chuyên gia, DN nhận định mục tiêu xuất khẩu 54 – 55 tỷ USD năm 2024 của ngành nông nghiệp hoàn toàn có thể đạt được, nhưng phải vượt qua rất nhiều khó khăn thách thức.
Các chuyên gia chỉ ra rằng, hiện tại xuất khẩu gạo, trái cây là điểm tựa của ngàng nông nghiệp. Nhưng dù xuất khẩu gạo đạt kỷ lục cao nhất trong hơn 30 năm qua nhưng tổng giá trị kim ngạch mới đạt 4,8 tỷ USD, trái cây đạt hơn 5 tỷ USD. Trong khi đó, xuất khẩu thuỷ sản từng đạt 10 tỷ USD và năm nay sụt giảm còn hơn 8 tỷ USD.
Như vậy, thuỷ sản vẫn là trọng tâm trong ngành nông nghiệp.
Bà Lê Hằng – Giám đốc Truyền thông VASEP nhận định, năm 2024, nhiều khó khăn sẽ tiếp tục chi phối tình hình sản xuất và xuất khẩu thủy sản. Trong đó, lạm phát ở các nước lớn đã được kiềm chế, kinh tế thế giới đã thoát đáy, nhưng phục hồi chậm, tác động đến nhu cầu tiêu thụ thủy sản. Các vấn đề địa chính trị trên thế giới chắc chắn làm xáo trộn thương mại toàn cầu, trong đó có thủy sản. Từ đó, chi phí vận tải tăng, các giá sản phẩm đầu vào cho nuôi trồng, chế biến thủy sản tăng. Cũng có thể gây ra cơn lốc lạm phát mới ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu thụ thủy sản trong năm 2024.
Còn TS Hồ Quốc Lực – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta nhận định, năm 2024 ngành tôm sẽ tiếp tục đối mặt nhiều khó khăn như lạm phát khiến sức mua giảm, nguồn cung tôm giá rẻ vẫn duy trì, vấn đề tôm nuôi bị dịch bệnh tấn công…
“Thế mạnh là năng lực chế biến sâu nhưng khó lòng bù đắp cho giá thành nuôi tôm quá cao. Do đó, khả năng hoạt động ngành tôm năm 2024 chỉ ở mức như năm qua” – ông Lực nhận định.
Nguồn: https://daidoanket.vn/xuat-khau-nong-san-tao-da-dau-nam-10271276.html