Đại diện Vinafruit cho rằng xuất khẩu rau quả năm 2022 khó về đích 3,5 tỷ USD vì Trung Quốc vẫn đang duy trì chính sách Zero COVID, các mặt hàng giá trị cao như sầu riêng đã vào cuối vụ. Song, chuyên gia này dự báo 2023 sẽ là năm bùng nổ của ngành rau quả.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong tháng 8 xuất khẩu rau quả đạt 273 triệu, tăng 9% so với tháng 7. Lũy kế 8 tháng đầu năm, xuất khẩu rau quả đạt gần 2,2 tỷ USD, giảm 13% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong đó, xuất khẩu rau quả sang thị trường chính là Trung Quốc ghi nhận giảm 32,5% so với cùng kỳ năm 2021 với 967,5 triệu USD. Việc Trung Quốc chấp thuận cho Việt Nam xuất khẩu chính ngạch sầu riêng và chanh leo sang thị trường này cũng đặt ra nhiều kỳ vọng kim ngạch xuất khẩu rau quả sẽ khởi sắc sau thời gian dài ảm đạm.
(Nguồn: Cục Xuất nhập khẩu)
Trao đổi với người viết, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit) cho biết 8 tháng đầu năm, bình quân kim ngạch xuất khẩu rau quả khoảng 250-260 triệu USD/tháng.
“Với đà tăng trưởng này, xuất khẩu rau quả năm 2022 khó có thể chạm mốc 3,5 tỷ USD và con số khả quan là 3,1 – 3,2 tỷ USD, tương đương giảm 10% so với năm 2021”, ông Nguyên dự báo.
Sở dĩ, đại diện Vinafruit cho rằng xuất khẩu rau quả năm 2022 sẽ đi lùi bởi Trung Quốc vẫn đang duy trì chính sách Zero COVID, trong khi các thị trường khác như EU, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc tăng trưởng tốt nhưng giá trị không cao, không thể bù đắp cho khoảng trống ở thị trường Trung Quốc.
(Nguồn: Cục Xuất nhập khẩu)
Mặt khác, mặt hàng sầu riêng sắp được xuất khẩu những lô hàng đầu tiên nhưng hiện đang là cuối vụ, sản lượng cho thu hoạch không còn nhiều; trong khi chanh leo mới chỉ được xuất khẩu thí điểm, số lượng và kim ngạch chưa lớn.
Do vậy, giai đoạn 4 tháng cuối năm 2022 là thời điểm Việt Nam xúc tiến xuất khẩu những đơn hàng đầu tiên, thăm dò thị trường để chuẩn bị cho sự bùng nổ của năm 2023.
“Xuất khẩu rau quả của Việt Nam sẽ bùng nổ trong năm 2023, đặc biệt ở thị trường Trung Quốc. Đợt hạn hán vừa qua ở Trung Quốc khiến nhiều diện tích cây thanh long, trái cây bị hư hại, do vậy nước này sẽ tăng nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước.
Ngoài ra cho đến chính vụ sầu riêng (tháng 4,5/2023) Việt Nam sẽ tiếp tục hoàn thiện các thủ tục để Trung Quốc cấp thêm mã vùng trồng, cơ sở đóng gói. Việc xuất khẩu loại quả có giá trị cao này sẽ giúp kim ngạch chung tăng trưởng mạnh”, ông Nguyên nói.
Mặt khác, các thị trường khác như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc sẽ tiếp đà tăng trưởng của năm 2021 bởi người tiêu dùng có xu hướng quan tâm đến sức khỏe, tiêu thụ nhiều rau quả hơn hậu COVID-19.
Nguồn: https://vietnambiz.vn/xuat-khau-rau-qua-kho-ve-dich-35-ty-usd-du-don-nhieu-tin-vui-tu-thi-truong-trung-quoc-202291315287284.htm