Bảy tỉnh gồm Bình Phước, Bình Dương, Tây Ninh, Đồng Nai, Lâm Đồng, Đắk Nông và Đắk Lắk xây dựng các vùng trồng đăng ký xuất khẩu vào Trung Quốc.
Theo Sở Công Thương Bình Phước, các vùng trồng này thuộc 9 nhóm nông sản gồm chuối, thanh long, xoài, mít, chôm chôm, nhãn, dưa hấu, chanh không hạt và vải.
“Đây là cơ hội cho liên kết vùng vừa là điều kiện đảm bảo cho mỗi tỉnh có thể xuất khẩu thành công và hiệu quả vào thị trường Trung Quốc trước khi mở rộng ra các thị trường xuất khẩu khác như Mỹ, Canada, EU, Australia, New Zealand, Nhật Bản và Hàn Quốc”, đại diện Sở Công Thương Bình Phước nói.
Theo đại diện ngành công thương tỉnh, hiện nay mỗi quốc gia có những yêu cầu riêng cho từng mặt hàng nông sản làm phục vụ việc xuất khẩu vào đồng loạt các thị trường mục tiêu nêu trên là không dễ dàng, việc xuất khẩu vào từng thị trường sẽ là phù hợp trước khi mở rộng ra các thị trường mục tiêu khác.
Dù mỗi tỉnh lựa chọn xuất khẩu vào một hay vài thị trường mục tiêu thì việc liên kết vùng là cần thiết trong tình hình mới hiện nay để vừa giảm giá thành sản phẩm đơn vị cuối cùng, vừa tăng quy mô cung ứng, vừa đảm bảo chia sẻ rủi ro trong nhiều trường hợp phát sinh từ thương mại quốc tế và cuối cùng là để hình thành nền tảng xuất khẩu nông sản hiện đại và bền vững của vùng nói chung và mỗi tỉnh nói riêng.
“Mỗi tỉnh, người dân, hợp tác xã và doanh nghiệp có những chiến lược phát triển riêng nhưng cần thiết vùng phải có một chiến lược phát triển chung để từ đó có cơ sở và điều kiện để các bộ, ngành trung ương và các bên trong và ngoài nước có liên quan hỗ trợ thúc đẩy một cách hiệu quả nhất”, Sở Công Thương Bình Phước nhận định.
Hiện cả nước có nhiều bài học thành công để đảm bảo cho một ban điều phối vùng có thể nhanh chóng chung tay hành động cùng các tỉnh, người dân, hợp tác xã và doanh nghiệp từ khâu lựa chọn sản phẩm và thị trường xuất khẩu chính, quy hoạch vùng trồng và khu vực chế biến tập trung, hoàn thiện hồ sơ mã vùng trồng và mã cơ sở chế biến. Bên cạnh đó là việc cụ thể hóa các điều kiện cần và đủ để sớm xuất khẩu các sản phẩm có liên quan, bàn giải pháp liên kết chuỗi và đầu tư để giảm chi phí đơn vị sản phẩm nông sản. Cuối cùng các địa phương tính đến giải pháp ứng dụng công nghệ, công nghệ thông tin để đảm bảo chương trình thực hiện thông suốt hiệu quả cho cả thị trường ngoài nước và nội địa.
Sở Công Thương Bình Phước mong muốn có những nhân tố tham gia đóng góp tích cực vào thành công cho chương trình này. Cơ quan này cho biết sẽ liên tục cập nhật thông tin về từng thị trường, ngành hàng, sản phẩm và khách hàng nhập khẩu nước ngoài cũng như toàn bộ điều kiện cần và đủ để mỗi lựa chọn của vùng sẽ nhanh chóng đem lại hiệu quả cho người dân, hợp tác xã và doanh nghiệp thời gian tới.
Thế Đan
Nguồn: https://vnexpress.net/binh-phuoc-tham-gia-lien-ket-vung-xuat-khau-nong-san-4495746.html