Các tỉnh miền Tây ứng phó hạn mặn

Nhiều tỉnh miền Tây chủ động súc xả hồ chứa từ sớm, đắp đập thép tạm trữ nước ngọt hoặc xuống giống sớm hơn để né hạn mặn.

Những ngày này, nước mặn đã xâm nhập đồng ruộng ở Bến Tre. Ông Lê Văn Hảo (70 tuổi, xã Phước Ngãi, Ba Tri), nhà ở sát hồ trữ nước ngọt Kênh Lấp trữ lượng gần một triệu m3, cho hay những năm trước, hạn mặn gay gắt, có thời điểm hồ cạn trơ đáy. Nước mưa dự trữ trong các bể xi măng cũng hết, gia đình ông 9 người thiếu nước ngọt, phải mua với giá 60.000 đồng mỗi m3.

“Năm nay tôi chủ động xây thêm 8 hồ trữ nước, tổng cộng hơn 10 m3 nên đỡ lo không có nước xài”, ông Hảo nói.

Hồ Kênh Lấp (Ba Tri) đã súc xả từ 4 tháng trước, độ mặn hiện đạt 0,65 phần nghìn, cơ bản đảm bảo cho sinh hoạt. Ảnh: Hoàng Nam

Đại diện đơn vị quản lý hồ Kênh Lấp cho hay, do lượng muối còn tích tụ dưới đáy hồ nên mỗi năm đều phải súc xả để giảm dần độ mặn. Rút kinh nghiệm từ những năm trước, từ tháng 10 năm ngoái khi nước sông còn ngọt, hồ được súc xả để trữ nước.

“Hiện nhà máy vẫn lấy nước xử lý từ các kênh nội đồng gần đó, còn nước trong hồ có độ mặn 0,65 phần nghìn đảm bảo cho sinh hoạt để dành dùng cho cao điểm mùa hạn mặn”, đại diện đơn vị quản lý hồ nói.

Hồ Kênh Lấp tổng kinh phí đầu tư 85 tỷ đồng, sử dụng đã 3 năm, dài gần 5 km, rộng 40-100 m, sâu 2 m, đủ sức phục vụ cho khoảng 200.000 người tại 24 xã, thị trấn trên địa bàn. Đây là hồ chứa nước ngọt nhân tạo lớn nhất miền Tây.

Trung tâm Dự báo khí tượng – thủy văn Bến Tre thông tin, từ nay đến đầu tháng 3, xâm nhập mặn có thể tăng so với những tuần trước, nhưng thấp hơn cùng kỳ năm ngoái. Trên sông Hàm Luông, độ mặn 1-4 phần nghìn (ppt) có thể xâm nhập đến huyện Châu Thành, cách cửa sông 51-61 km. Trên sông Cổ Chiên, độ mặn 1 – 4 phần nghìn có thể xâm nhập đến Mỏ Cày Bắc, Mỏ Cày Nam, cách cửa sông 42-52 km.

Tại Tiền Giang, ông Nguyễn Đức Thịnh, Phó chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, cho hay xâm nhập mặn trên sông Tiền đến sớm, sâu vào nội đồng hơn so với nhiều năm trước, nhưng muộn hơn, tương đương và cao hơn một ít so với mùa khô năm trước. Độ mặn 0,82 phần nghìn hiện vào đến TP Mỹ Tho.

Tỉnh đang cho thi công đập thép trên kênh Nguyễn Tấn Thành, kinh phí hơn 10 tỷ đồng ngăn mặn, trữ nước ngọt cho 1,1 triệu dân cùng 128.000 ha sản xuất nông nghiệp. Dự kiến đập hoàn thành trong vài ngày tới. Ngoài ra, tỉnh có 17 giếng khoan, 100 vòi nước công cộng phục vụ người dân nếu tình hình mặn phức tạp.

Tại Sóc Trăng, ông Phan Tấn Đạo, Chi cục trưởng Thuỷ lợi, cho biết hiện địa phương vào cao điểm hạn mặn. Tại các cống ở khu vực huyện Trần Đề, gần biển đông, độ mặn hơn 16 phần nghìn. Trên sông Hậu tại huyện Kế Sách, (cách cửa biển khoảng 40 km) độ mặn cũng hơn 1 phần nghìn. Do ngành nông nghiệp chủ động kế hoạch sản xuất nên đến thời điểm này chưa ghi nhận thiệt hại.

Hơn 40.000 ha đất trồng lúa, hoa màu tại huyện Long Phú được khuyến cáo xuống giống sớm hơn một tháng. Toàn bộ diện tích này đã thu hoạch xong ngay trước và sau Tết. Còn hơn 40.000 ha vườn cây ăn trái tại huyện Kế Sách, chính quyền địa phương gia cố đê bao, cống bọng, trữ nước ngọt, thường xuyên theo dõi thông báo tình hình hạn mặn hàng ngày để điều tiết nước. Đến thời điểm này, người dân đã thu hoạch gần xong, cơ bản vườn cây được an toàn.

Cán bộ nông nghiệp kiểm tra độ mặn trên kênh tại Bạc Liêu. Ảnh: Cửu Long

Trong khi đó, Bạc Liêu đã chi gần 19 tỷ đồng để đắp 537 đập tạm ngăn mặn bảo vệ vụ lúa trên đất nuôi tôm và đất trồng lúa đông xuân ở vùng ngọt. Ngoài ra, công trình cống âu thuyền Ninh Quới tại huyện Hồng Dân được vận hành hợp lý đã chủ động điều tiết nước, kiểm soát mặn, giữ ngọt cho hàng trăm nghìn ha lúa, rau màu ở Bạc Liêu, Sóc Trăng, Hậu Giang.

Tại Hậu Giang, một số địa phương ở huyện Châu Thành, Long Mỹ, TP Vị Thanh ghi nhận độ mặn 0,1- 7,2 phần nghìn. UBND tỉnh Hậu Giang yêu cầu các địa phương có biện pháp hạn chế thiệt hại do hạn, mặn xâm nhập gây ra. Đặc biệt chủ động rà soát và vận hành có hiệu quả hệ thống đê bao, cống đập ngăn mặn nhằm bảo vệ vụ lúa Đông Xuân.

Ông Lê Hồng Linh, Trưởng ban quản lý đầu tư và xây dựng thuỷ lợi 10 (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn), cho biết hiện toàn bộ các cửa van công trình cống Cái Lớn, Cái Bé (lớn nhất miền Tây, vốn đầu tư 3.300 tỷ đồng) tại huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang, được đóng kín để ngăn nước mặn xâm nhập, giữ ngọt phục vụ sản xuất cho hàng trăm nghìn ha đất ở Kiên Giang, Hậu Giang, Cà Mau và Bạc Liêu.

Nguồn: https://vnexpress.net/cac-tinh-mien-tay-ung-pho-han-man-4430751.html