Cơ hội xuất khẩu dừa rộng mở, doanh nghiệp mừng

(PLO)- Dừa và các sản phẩm làm từ dừa đang có sức bật lớn trong ngành nông sản Việt Nam khi có tiềm năng cán đích xuất khẩu trên 1 tỉ USD trong năm 2023.

Các chuyên gia, doanh nghiệp (DN) nông sản nhìn nhận ngành dừa Việt Nam (VN) sẽ có nhiều cơ hội cán đích xuất khẩu trên 1 tỉ USD trong năm nay, nhất là khi Mỹ đã chính thức mở cửa trở lại cho dừa tươi VN. Trong khi đó, Trung Quốc đang mong muốn kết nối và thúc đẩy nhập khẩu dừa Việt theo đường chính ngạch.

Tiềm năng của trái dừa Việt

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Vina T&T, cho biết đơn vị đang đẩy mạnh xuất khẩu dừa tươi sang Mỹ, Úc, Hàn Quốc, Nhật Bản. Sáu tháng đầu năm, doanh số xuất khẩu của công ty ông tăng 25%.

“Ngay sau khi có thông tin Mỹ mở cửa trở lại, chúng tôi đã tiến hành lên đơn hàng để xuất khẩu lại thị trường này. Trước đó mỗi tháng chúng tôi đã xuất khoảng 30 container sang Mỹ. Dự báo quý II này xuất khẩu dừa sẽ tăng” – ông Tùng cho biết.

Tương tự, bà Phạm Thị Vân, Giám đốc Công ty TNHH Dừa Cười (Cocosmile), cũng đang tất bật với các đơn hàng dừa xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Mỹ và chuẩn bị cho thị trường Trung Quốc. Hiện các đơn hàng về dừa tươi, dừa cấp đông, cũng như các sản phẩm cơm dừa tươi, nước dừa xiêm đông lạnh của đơn vị này đang được đón nhận tích cực từ các thị trường khó tính nói trên.

Riêng đối với thị trường Mỹ, theo bà Vân, trước đó đơn hàng khá ít vì Mỹ tạm ngưng nhập khẩu đối với dừa tươi. Tuy nhiên, với việc mở cửa trở lại của Mỹ, dự kiến đơn hàng sẽ tăng nhanh ở thị trường này.

Dừa Việt Nam đang cótiềm năng lớn đểtiếp cận trịgiáxuất khẩu hàng tỉ USD.

“Hiện nay, trái dừa của VN đang đi tới rất nhiều quốc gia, Hiệp hội Dừa quốc tế cũng công nhận VN là nước sở hữu sản phẩm dừa đa dạng nhất. Chính vì thế, khi có thêm thị trường xuất khẩu chính ngạch, ngành dừa sẽ nhanh chóng tham gia câu lạc bộ tỉ USD” – chị Vân đánh giá.

Ông Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Dừa Bến Tre, cũng cho biết sau tin mừng về việc Mỹ chính thức mở cửa trở lại cho trái dừa tươi, các DN đang mong chờ cơ hội xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.

“Hiện chúng tôi đang chờ đợi tin vui cũng như các hướng dẫn cụ thể về mã số vùng trồng… từ cơ quan chức năng sau khi đã làm việc với chính phủ Trung Quốc” – ông Tuấn nói.

Theo ông Tuấn, hiện Bến Tre đang có năm sản phẩm dừa chủ lực, chiếm tới 80% kim ngạch xuất khẩu của dừa Bến Tre. Năm sản phẩm này gồm nước cốt dừa, cơm dừa nạo sấy, nước dừa đóng hộp, than hoạt tính và chỉ xơ dừa.

Ngành dừa đang triển khai nhiều kế hoạch

Nhiều DN cho rằng ngành dừa VN vẫn còn nhiều cái khó cần được giải quyết, nhất là về logistics. Đơn cử so sánh với Thái Lan, giá dừa của VN hiện đang khá tốt nhưng về logistics thì Thái Lan đang có nhiều lợi thế và chính phủ nước này còn có chính sách hỗ trợ cước vận tải.

Bà Phạm Thị Vân chia sẻ: “Với các DN nhỏ như chúng tôi, hiện vấn đề logistics đang là trở ngại trong việc cạnh tranh giá, dù chất lượng dừa rất tốt. Giá vận chuyển một container hàng từ Bến Tre đi Mỹ của VN cao hơn Thái Lan ít nhất 10%-15%”.

Ngoài ra, theo bà Vân, ngành xuất khẩu dừa trong nước hiện nay đang thiếu tính liên kết. “Đơn cử cùng một loại dừa xiêm xuất khẩu, có chất lượng ngang bằng với Thái Lan nhưng ở nước ta bạn đến bốn xưởng thì có khi sẽ có bốn giá khác nhau. Trong khi đó ở Thái Lan, họ sẽ có chung một mức giá” – bà Vân cho hay.

Ông Cao Bá Đăng Khoa, quyền Tổng thư ký Hiệp hội dừa VN, nhìn nhận với việc Mỹ chấp thuận cho dừa VN vào thị trường, đồng nghĩa các nước châu Âu cũng mở cửa theo, không chỉ dừa tươi, mà còn dừa nguyên trái khô, nguyên liệu. Điều này sẽ nâng cao giá trị trái dừa trong nước.

Thêm vào đó, hiện dừa tươi VN còn vắng bóng trên thị trường Trung Quốc, trong khi thông tin từ Bộ Nông nghiệp Trung Quốc cho biết các sản phẩm từ dừa của ta hiện chỉ đáp ứng được 3,5% tổng nhu cầu tiêu thụ của thị trường này. Đây là thị trường rất tiềm năng cho DN và ngành nông sản VN.

“Ngành dừa đang rất có tiềm năng. Dẫu vậy, chúng ta cũng nên hết sức cẩn trọng, bởi vì nguy cơ trong 2-3 năm tới, các DN sản xuất trong nước sẽ khan hiếm nguyên liệu, khó cạnh tranh sản phẩm sau chế biến” – ông Khoa nhận định.

Tuy nhiên, để tiếp cận và tăng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm cho thị trường này cần sự nỗ lực của nhiều cơ quan, ban ngành, cộng đồng DN và người nông dân trồng dừa. Bên cạnh đó cần những kế hoạch bài bản, thận trọng nhằm tạo thương hiệu vững mạnh, dài hạn hơn.

Theo ông Khoa, hiệp hội đang triển khai nhiều kế hoạch trong việc xây dựng thương hiệu cho ngành dừa, cũng như đẩy mạnh việc liên kết vùng trồng đạt tiêu chuẩn hữu cơ. Từ đó tiến đến việc truy xuất nguồn gốc cũng như bảo hộ thương hiệu sản phẩm ngành dừa ở thị trường trong và ngoài nước.

Đồng thời, hiệp hội cũng nỗ lực phối hợp với các đơn vị liên quan để hỗ trợ địa phương đăng ký giống đầu dòng; hỗ trợ DN đăng ký sở hữu giống nhằm tăng độ tin cậy và năng lực cạnh tranh cho sản phẩm của vùng.

Nguồn: https://plo.vn/co-hoi-xuat-khau-dua-rong-mo-doanh-nghiep-mung-post747139.html