Xuất khẩu gừng đông lạnh của Việt Nam vào thị trường Australia đang ghi nhận tăng trưởng tốt, giá trị cao, cạnh tranh tốt, vừa thuận lợi bảo quản, vận chuyển trong bối cảnh Covid-19. “Cửa sáng” cho xuất khẩu rau quả đông lạnh cũng cần được nhìn nhận rõ từ chuyện này khi các thị trường đang chịu ảnh hưởng bởi đại dịch.
Thương vụ Việt Nam tại Australia mới đây cho biết, hiện nay gừng đông lạnh Việt Nam không chỉ được bán tại siêu thị, cửa hàng, mà còn được bán online tại thị trường Australia. Giá gừng Việt Nam đông lạnh xuất sang nước này hiện vào khoảng 9 -13 AUD/1kg.
Cơ hội cho gừng đông lạnh
Gừng đông lạnh từ Việt Nam khi nhập khẩu vào Australia thường được đóng gói 1/2kg hoặc 1kg chủ yếu phục vụ các nhà hàng. Phía thương vụ đang đề nghị doanh nghiệp (DN) xuất khẩu đóng gói nhỏ hơn khoảng 250 gram để phục nhu cầu tiêu thụ tại các gia đình.
Thương vụ cũng cho rằng, việc thúc việc đẩy xuất khẩu (XK) gừng đông lạnh là hướng đi hiệu quả, không chỉ về mặt thị phần, kim ngạch mà quan trọng hơn là thuận lợi bảo quản, vận chuyển trong bối cảnh Covid-19.
Nhất là Australia đang đẩy mạnh nhập khẩu gừng, với dự đoán kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này có thể lên tới hơn 100 tỷ đồng.
Riêng 4 tháng đầu năm 2021, XK gừng Việt Nam sang Australia tăng trưởng rất cao, đạt kim ngạch hơn 348.000 USD trong khi thị phần gừng nhập khẩu tại đây vẫn còn lớn. Cho nên phía thương vụ kêu gọi các DN Việt tiếp tục tăng cường XK mặt hàng này.
Nhìn từ triển vọng XK của mặt hàng gừng đông lạnh, giới chuyên gia cho rằng việc gia tăng XK rau quả đông lạnh sẽ là hướng đi thuận lợi hơn khi mà rau quả tươi đang gặp nhiều thách thức về mặt vận chuyển do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Đơn cử như với thị trường EU, theo Thương vụ Việt Nam tại Hà Lan, việc tiêu thụ rau quả đông lạnh ở đây ngày càng tăng do nhu cầu tăng trưởng của người tiêu dùng về thực phẩm tiện lợi và nhanh trong việc chế biến. Châu Âu là thị trường tiêu thụ rau quả đông lạnh lớn nhất trên thế giới – chiếm gần 50% tổng nhập khẩu thế giới.
Trong đó, các thị trường nhập khẩu và tiêu thụ lớn trái cây đông lạnh (sản phẩm được điều chế bằng cách áp dụng quy trình cấp đông đối với trái cây tươi, sạch, chất lượng tốt và chín) ở châu Âu có thể kể đến như: Đức, Pháp, Bỉ và Vương quốc Anh. Đây là những thị trường được kỳ vọng mang đến cơ hội cho các nhà XK trái cây đông lạnh từ các quốc gia phát triển như Việt Nam.
Giới chuyên gia lưu ý, để gia tăng kim ngạch XK trái cây và rau quả đông lạnh của Việt Nam vào EU, đòi hỏi các DN cần đảm bảo thông số kỹ thuật chất lượng bổ sung liên quan đến chỉ định phân loại, kiểu cắt, sâu bệnh và các yêu cầu thêm về chất lượng.
Ngoài ra, các DN cũng cần đáp ứng yêu cầu về nhãn hiệu, kiểu dáng chế biến, bao bì đóng gói cho trái cây và rau quả đông lạnh.
Rộng cửa cho đầu ra
Hiện nay, trên thị trường EU thì Đức được cho là nhà nhập khẩu lớn nhất châu Âu của trái cây đông lạnh, trong khi Pháp là nước nhập khẩu rau quả đông lạnh lớn nhất.
Ngoài ra, cơ hội cho các DN Việt còn có thể được tìm thấy trên các thị trường đang phát triển như Trung và Đông Âu, vốn có nhu cầu trái cây mọng đông lạnh.
Một đánh giá cho thấy tổng nhập khẩu rau quả đông lạnh của Châu Âu đã tăng trung bình hàng năm là 5% về giá trị và 3% về khối lượng. Điều này cho thấy giá trị tăng nhanh hơn khối lượng. Thực tế này chủ yếu là do giá của quả mọng đông lạnh trái cây tăng trong những năm gần đây do nhu cầu cao hơn một chút so với nguồn cung.
Theo dự báo thì nhập khẩu quả mọng đông lạnh ở EU sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Quả đông lạnh ở thị trường này ngày càng được sử dụng làm nguyên liệu trong ngành công nghiệp chế biến trái cây cũng như các chế phẩm sinh tố tại nhà và các sản phẩm tương tự. Cho nên, các nhà XK rau quả của Việt Nam cần tận dụng cơ hội và lên kế hoạch để tăng sản xuất quả mọng một cách chiến lược.
Hoặc như ở thị trường Nhật Bản, những nhận định gần đây cho thấy nhu cầu nhập khẩu rau quả tươi của Nhật Bản gần như đã bão hòa vào giai đoạn 2016-2020. Trong khi đó, nhập khẩu các sản phẩm rau quả đông lạnh và các sản phẩm chế biến từ rau quả vẫn có nhiều tiềm năng phát triển.
Quả vải hiện nay được đánh giá là XK khá tốt vào thị trường Nhật, và cơ hội sẽ còn tốt hơn dành cho quả vải đông lạnh. Ở góc độ DN, theo CTCP xuất nhập khẩu thực phẩm Toàn Cầu – Global Food JSC (tỉnh Bắc Giang), vải thiều nguyên quả đông lạnh của phía công ty vẫn có thể giữ được hương vị nguyên bản của trái cây trong thời gian dài.
Chính vì vậy mà quả vải đông lạnh của DN này đã XK sang Nhật Bản, EU và Australia và chất lượng đã được người tiêu dùng chấp nhận. Dù thời vụ từ tháng 6 đến tháng 7, nhưng DN có thể chế biến và giữ trong kho trong nhiều tháng.
Trong bối cảnh dịch Covid 19 vẫn còn diễn biến phức tạp, theo dự báo các sản phẩm rau quả đông lạnh, chế biến, cô đặc, sấy dự kiến sẽ tiếp tục được tiêu thụ mạnh trong thời gian tới do tiện lợi trong vận chuyển và tiêu dùng, nhất là tại các thị trường đang chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Cho nên, các nhà XK rau quả Việt cần được khuyến khích đầu tư dây chuyền, kho lạnh để làm ra những sản phẩm rau quả đông lạnh phục vụ XK.
Nhất là khi, cùng với rau quả chế biến sâu thì rau quả đông lạnh được cho là không chỉ tăng giá trị mà còn đem lại lợi thế cạnh tranh so với rau quả tươi trong mùa dịch Covid, giúp rau quả Việt dễ dàng hơn trong việc vượt qua những rào cản kỹ thuật từ các thị trường nhập khẩu.
Nguồn: https://vnbusiness.vn/viet-nam/cua-sang-cho-xuat-khau-rau-qua-dong-lanh-1079842.html