Ngay tại thị trường trong nước, có 80% lượng nông sản được tiêu thụ mà không có nhãn hiệu. Theo Trung tâm Thẩm định chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu quốc tế, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ khoa học và công nghệ): Tính đến cuối năm 2022, cả nước mới chỉ có 141 đơn đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho các mặt hàng nông-lâm-thủy sản, trong đó đã cấp chứng nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho 116 sản phẩm. Cùng với đó, số lượng chứng nhận tập thể trên cả nước đã được cấp là 1.682-một con số vô cùng khiêm tốn.

Lực lượng chức năng kiểm tra chất lượng sầu riêng xuất khẩu.

Do yếu trong khâu xây dựng thương hiệu và chậm chân trong việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý cả trong nước và thị trường quốc tế nên đã có không ít mặt hàng được xem là thế mạnh của Việt Nam lại được bán dưới tên của một quốc gia khác hoặc doanh nghiệp nước ngoài.

Điển hình như phở ăn liền có mặt trong siêu thị tại một số nước EU, Hoa Kỳ lại được sản xuất bởi doanh nghiệp Thái Lan, trong khi đó, doanh nghiệp Việt vẫn đang loay hoay trong việc xây dựng thương hiệu riêng. Thương hiệu nước mắm Phú Quốc, cà phê Buôn Ma Thuột trước đó cũng đã rơi vào tay các công ty nước ngoài. Mới đây, một bài học nhãn tiền được chuỗi cà phê Meet More chia sẻ khi công ty này mỗi tháng xuất khẩu hơn 40 tấn sản phẩm cà phê, trái cây sang Hàn Quốc, thế nhưng, vì chủ quan nên đã bị chính đối tác nhập khẩu của mình tại Hàn Quốc nhanh tay đăng ký quyền sở hữu trí tuệ.

Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu nông-lâm-thủy sản quan trọng nhất của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2023. Hầu hết các loại nông sản chính đều xuất khẩu rất tốt sang Trung Quốc, như gạo và trái cây, trong đó có loại chiếm tỷ trọng lớn, mang lại kỷ lục về kim ngạch là sầu riêng.

Cụ thể, Việt Nam đã xuất khẩu sang Trung Quốc 180.000 tấn sầu riêng, đạt kim ngạch 850 triệu USD. Dự báo đến hết năm 2023, xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc có thể vượt con số 1 tỷ USD. Ngoài ra, xuất khẩu vải thiều, thanh long và nhiều loại trái cây khác sang Trung Quốc cũng rất thuận lợi. Nhờ đó, trong nửa đầu năm nay, xuất khẩu rau, quả nói chung đạt 2,75 tỷ USD, tăng 64% so với cùng kỳ năm 2022.

Là nông dân trồng vải xuất khẩu sang Singapore, ông Phạm Văn Giang ở thôn Thúy Lâm, xã Thanh Sơn (Thanh Hà, Hải Dương) cho biết: “Để sản phẩm có thể xuất khẩu phải tuân thủ những yêu cầu nghiêm ngặt. Thứ nhất là truy xuất nguồn gốc; thứ hai là đối tác sẽ định vị từng vườn về sản lượng vì sợ có hàng trôi nổi nên phải kê khai, thống kê chặt chẽ”.

Theo TS Lê Thanh Hòa, Phó cục trưởng Cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn): “Đánh mất thương hiệu vào tay chủ thể nước ngoài không chỉ khiến tài sản bị thất thoát mà còn khiến những sản phẩm đó có thể bị kiện hoặc bị ngăn chặn xuất khẩu ngay tại cửa khẩu biên giới các nước do xâm phạm độc quyền nhãn hiệu. Khi đất nước ngày càng hội nhập sâu rộng, tham gia nhiều hiệp ước quốc tế thì một lần nữa, bài học về đăng ký sở hữu thương hiệu tại các nước đối với doanh nghiệp Việt Nam lại đặt ra cần thiết hơn bao giờ hết. Để vào được những thị trường khó tính như: EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản… các sản phẩm này phải bảo đảm được yêu cầu khắt khe về sở hữu thương hiệu, chất lượng, an toàn thực phẩm. Vì thế, chúng ta cần phải chuyển hướng sang canh tác bền vững, đạt chứng nhận quốc tế”.

Đồng chí Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) nhận định, để nâng cao chất lượng các mặt hàng nông sản đáp ứng điều kiện xuất khẩu, các cơ quan chức năng cần cung cấp những thông tin chính xác về thị trường để người nông dân và doanh nghiệp yên tâm sản xuất. Cần thường xuyên cung cấp thông tin phân tích về thị trường, định hướng các loại sản phẩm, thị trường, tiêu chuẩn, thông tin về cung cầu, giá cả, kể cả đầu vào-đầu ra cho các thương nhân.

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, khi xuất khẩu sang những thị trường lớn, chúng ta không chỉ chú trọng về mặt số lượng mà thông qua các thị trường này để chứng minh trình độ sản xuất nông sản Việt Nam, trình độ liên kết các nhóm hàng Việt Nam đã có thể đáp ứng yêu cầu của bất kỳ thị trường nào. Từ đó mở rộng quá trình tổ chức sản xuất tạo sinh kế, lợi nhuận cho bà con nông dân.

Trong bối cảnh khó khăn do nhu cầu giảm, các thị trường đều đòi hỏi rất cao về chất lượng hàng hóa, đặc biệt là châu Âu luôn dẫn dắt những quy định về an toàn thực phẩm, quy định về IUU (chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định), quy định sản xuất chống mất rừng, ngoài yếu tố về thương mại, chúng ta cần chú trọng những vấn đề minh bạch trong truy xuất nguồn gốc.

Bài học về xuất khẩu thành công bưởi da xanh của tỉnh Bến Tre sang thị trường Hoa Kỳ cuối năm 2022 là một ví dụ. Chỉ có chuyên nghiệp, tuân thủ nghiêm ngặt quy hoạch trồng, chăm sóc, chế biến và bảo quản theo đúng các tiêu chuẩn kỹ thuật khắt khe thì mới giữ được chữ tín, quảng bá tốt thương hiệu và mang lại lợi ích bền vững, lâu dài cho nông dân, doanh nghiệp.

Nguồn: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/de-nong-san-viet-nam-tham-nhap-sau-vao-thi-truong-kho-tinh-734458