Ngành nông nghiệp tự tin đạt mục tiêu tăng trưởng và xuất khẩu

Từ kết quả 9 tháng, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến cho rằng, mục tiêu tăng trưởng 3 – 3,5%, xuất khẩu đạt 53 – 54 tỷ USD của ngành nông nghiệp hoàn toàn khả thi.

Xuất khẩu dần hồi phục

Tại buổi họp báo quý III của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn mới đây, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Nguyễn Văn Việt cho biết, 9 tháng năm 2023, toàn ngành đã nỗ lực vượt qua khó khăn, tiếp tục phát huy hiệu quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, khơi thông nguồn lực cho phát triển sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

Ngành nông nghiệp phấn đấu kim ngạch xuất khẩu đạt 53 – 54 tỷ USD.

Nhờ đó, trong 9 tháng, giá trị tăng thêm ngành nông nghiệp tăng 3,42% so với cùng kỳ năm trước. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu nông, lâm, thủy sản ước đạt 68,92 tỷ USD, giảm 7,5% so với cùng kỳ năm trước; trong đó xuất khẩu 38,48 tỷ USD, nhập khẩu 30,44 tỷ USD, xuất siêu 8,04 tỷ USD tăng 22,5% so với cùng kỳ năm trước

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, xuất khẩu sụt giảm do giá trị của một số mặt hàng chính giảm sâu; trong đó, nhóm thủy sản kim ngạch xuất khẩu đạt 6,64 tỷ USD, giảm 21,7%; lâm sản 10,44 tỷ USD, giảm 20,6%; đầu vào sản xuất 1,49 tỷ USD, giảm 20,2%.

Tuy nhiên, dấu hiệu rất tích cực là trong tháng 9.2023 chúng ta đã xuất khẩu đạt 4,8 tỷ USD, tăng 22% so với tháng 9.2022. Những mặt hàng nổi bật như rau, quả đã đạt khoảng 4,2 tỷ USD, tăng 71,8% và vẫn có tiềm năng tăng trưởng từ nay đến cuối năm. Lúa gạo cũng đã đạt 3,66 tỷ USD, với sản lượng xuất khẩu 6,6 triệu.

Từ kết quả 9 tháng, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến cho rằng, mục tiêu tăng trưởng 3 – 3,5%, xuất khẩu đạt 53 – 54 tỷ USD của ngành nông nghiệp là khả thi.

Mục tiêu khả thi

Cũng vậy, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả (VINAFRUIT) Đặng Phúc Nguyên, cho rằng có thể thực hiện được mục tiêu ngành nông nghiệp đặt ra. Lý do là từ đầu năm đến nay, xuất khẩu rau quả, lúa gạo luôn tăng trưởng cao. Xuất khẩu thủy sản giai đoạn đầu năm gặp nhiều khó khăn nhưng theo nhiều nhận định từ quý IV sẽ khởi sắc. Đây là một trong những điều kiện đủ để ngành nông nghiệp có thể cán đích xuất khẩu 53 – 54 tỷ USD. Còn điều kiện cần là toàn ngành phải thực hiện các giải pháp đồng bộ, đúng trọng tâm cho các ngành nông lâm thủy sản từ thông tin thị trường, đẩy mạnh kết nối giao thương để hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu. Chú trọng tới chất lượng sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn thị trường nhất là các thị trường khó tính, trong đó có hướng tới sản xuất xanh….

Với ngành rau quả, ông Nguyên cho biết, từ nay đến hết năm 2023 kim ngạch xuất khẩu sẽ tiếp tục tăng mạnh. Các thị trường lớn như Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ sẽ có nhu cầu nhập khẩu rất lớn lượng rau quả từ Việt Nam để tiêu thụ trong các lễ hội cuối năm. Dịp này cũng là mùa thu hoạch của nhiều loại rau quả với sản lượng cả nước khoảng 7,6 triệu tấn. Dự kiến, xuất khẩu rau quả có thể cán đích hơn 5 tỷ USD.

Liên quan đến xuất khẩu gạo, ước tính trong 3 tháng cuối năm 2023 Việt Nam có thể phấn đấu tiếp tục xuất khẩu thêm trên 1 triệu tấn gạo các loại và tiếp tục lập kỷ lục về sản lượng xuất khẩu cao nhất lịch sử; sản lượng sẽ đạt khoảng 7,5 – 7,6 triệu tấn, giá trị khoảng 4,3 tỷ USD.

Giám đốc Truyền thông Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) Lê Hằng cũng thông tin, hiện lượng hàng tồn kho của Mỹ và Trung Quốc dần thu hẹp, nhu cầu tiêu dùng dịp lễ cuối năm cũng tăng lên. Xuất khẩu cá tra có thể mang về doanh số 1,8 – 1,9 tỷ USD; xuất khẩu tôm ước đạt 3,6 tỷ USD và các mặt hàng hải sản sẽ đạt khoảng 3,5 tỷ USD. Dự báo tổng xuất khẩu thủy sản năm 2023 có thể đạt 9,1 – 9,2 tỷ USD.

VASEP cho rằng, điều cần làm ngay bây giờ là nắm bắt, bám sát tình hình thị trường, trên cơ sở đó giúp người nuôi duy trì sản xuất, duy trì nguyên liệu cho sang năm; kiểm soát dịch bệnh tốt. Đặc biệt, tích cực gỡ thẻ vàng IUU trong năm nay sẽ là bệ phóng tốt cho sự tăng trưởng của ngành thủy sản trong thời gian tới. Với sự nỗ lực của tất cả các ngành hàng, chắc chắn mục tiêu xuất khẩu của toàn ngành sẽ đạt được.

Để đẩy mạnh phát triển thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang tiếp tục xử lý các vấn đề thị trường nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu nông sản, thủy sản, đặc biệt là thị trường Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU, Liên minh kinh tế Á – Âu… Tập trung kiểm soát các hành vi nghiêm trọng về khai thác IUU, ngặn chặn tình trạng tàu cá, ngư dân Việt Nam khai thác trái phép vùng biển nước ngoài; chuẩn bị nội dung để tiếp và làm việc với Đoàn Thanh tra của Ủy ban châu Âu trong tháng 10.

Nguồn: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-xa-hoi/nganh-nong-nghiep-tu-tin-dat-muc-tieu-tang-truong-va-xuat-khau-i345675/