Người trồng thanh long ở Bình Thuận nói riêng và cả nước nói chung lâm vào cảnh khó khăn, đặc biệt ở vùng trồng thanh long trái vụ.
Trồng thanh long trái vụ phải chong đèn. Mỗi giai đoạn chong đèn, 1 ha thanh long tốn khoảng 50 – 60 triệu đồng chi phí tiền điện, chưa kể các nguyên liệu đầu vào như phân bón, nhân công đều tăng cao, nên khó lại càng thêm khó.
Từng có thời điểm, vườn thanh long rộng hơn 1 ha đem lại lợi nhuận cho gia đình ông Võ Văn Tuấn (thị trấn Ma Lâm, Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận) hàng trăm triệu đồng sau mỗi vụ thu hoạch. Tuy nhiên, từ cuối năm 2021 đến nay, giá thanh long liên tục giảm sâu khiến gia đình ông Tuấn bị thua lỗ nặng.
“Chi phí đầu tư khoảng 22 đến 25 triệu, lứa này nếu bán giá cả kiểu này cỡ 2 – 3 triệu là cùng, lỗ mất trắng rồi, giá bây giờ khoảng 2.000 – 3.000 chứ lứa vừa rồi là chặt bỏ gốc”, ông Võ Văn Tuấn chia sẻ.
“Bây giờ đầu ra không ổn định, bà con thấy khó khăn rồi nản. Hầu như thời gian gần đây, mọi người có tâm lý bán vườn, không muốn gắn bó nữa. Nếu thời gian kiểu này kéo dài thì bà con càng làm càng lỗ, làm sao có nguồn để đầu tư nữa”, ông Nguyễn Thanh Sơn, xã Hàm Kiệm, Hàm Thuận Nam, Bình Thuận, cho hay.
Không chỉ nhà vườn bị thua lỗ, mà các chủ vựa thu mua thanh long cũng không tránh khỏi bị thiệt hại về kinh tế.
“Năm vừa rồi những doanh nghiệp nào ít nhất là 5 – 10 xe, doanh nghiệp nhiều là 20 – 30 xe, lỗ trắng tay luôn, mua của dân phải trả tiền, còn doanh nghiệp lỗ là doanh nghiệp phải chịu”, bà Huỳnh Thị Tú, Giám đốc Công ty TNHH Xuất khẩu Thanh long Lộc Tú, Bình Thuận, cho biết.
Thực tế hiện nay, hơn 90% thanh long tươi xuất khẩu phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Do đó, mỗi khi phía Trung Quốc siết chặt cửa khẩu, việc sản xuất của nông dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng do hàng hóa ứ đọng, giá giảm mạnh.
Đẩy mạnh xuất khẩu trái cây chính ngạch
Sản lượng mỗi năm gần 1,5 triệu tấn, thanh long là 1 trong 9 mặt hàng trái cây chủ lực của Việt Nam được cấp phép xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Tuy nhiên, không phải cứ được cấp phép thì nghiễm nhiên được xuất khẩu chính ngạch mà phải đáp ứng được những điều kiện cụ thể về tiêu chuẩn, chất lượng, an toàn thực phẩm và quan trọng hơn cả là ký được hợp đồng với đối tác.
Do đó, để tránh được những bấp bênh về thị trường, ngành nông nghiệp đã xác định tổ chức lại sản xuất, nâng cao chất lượng, tăng cường cấp mã số vùng trồng để truy xuất nguồn gốc sẽ là điều bắt buộc phải làm.
“Có thể dùng 1 từ như này, tờ giấy hôn thú không phải là lá bùa để đảm bảo cho hôn nhân. Chúng ta có những nghị định, có những mặt hàng được xuất khẩu chính ngạch, nhưng chúng ta không đồng điệu được với mức độ phát triển và yêu cầu của thị trường, thì chúng ta vẫn gặp khó khăn là bình thường. Do đó, quan điểm của chúng tôi là chúng ta phải làm mới mình, chúng ta phải làm thế nào để đáp ứng yêu cầu của thị trường thế giới, điều đấy là cái then chốt”, bà Nguyễn Thị Thành Thực, Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam, nhận định
“Tổng cục Hải quan Trung Quốc có ban hành 2 lệnh 248 và 249, thực sự ra là họ chuẩn hóa quy trình quản lý thực phẩm nhập khẩu không chỉ đối với Việt Nam mà toàn thế giới. Để không làm đứt gãy thương mại giữa 2 nước, chúng tôi đã tổ chức phổ biến cho các hiệp hội ngành hàng, cộng đồng doanh nghiệp về các quy định này”, ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản, cho hay.
“Chúng tôi sẽ tập trung trước hết là hướng dẫn các doanh nghiệp, đăng ký thành doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, thực phẩm vào Trung Quốc. Thứ hai là chúng tôi khuyến nghị các doanh nghiệp xuất khẩu đi Trung Quốc phải phát triển nhanh, mạnh sang xuất khẩu chính ngạch, bởi chúng ta có thể thấy trong những thời điểm khó khăn nhất, xuất khẩu chính ngạch vẫn lưu thông bình thường, còn xuất khẩu tiểu ngạch tiềm ẩn rất nhiều rủi ro”, ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công Thương, cho biết.
VTV.VN
Nguồn: https://cafef.vn/nguoi-trong-thanh-long-cang-lam-cang-lo-20220418134433102.chn