Với dân số gần 1,5 tỉ người, Trung Quốc luôn là thị trường hấp dẫn cho các nước xuất khẩu. Đặc biệt với nông sản VN, đây là thị trường tiêu thụ lớn nhất, tiềm năng nhất.
“Bếp ăn” của nhiều nông sản Việt
Cuối tháng 10, bà Nguyễn Thị Anh Thư, Giám đốc Công ty TNHH thủy sản và thương mại tổng hợp Thành Nhơn (TP.HCM), hồ hởi khoe: “Tôi vừa ký kết một hợp đồng xuất khẩu chính ngạch mặt hàng tôm hùm sống sang Hồng Kông với số lượng không hạn chế, bình quân mỗi tuần 4 – 5 tấn, giá bán 41,5 USD/kg. Đây là tin rất vui cho doanh nghiệp (DN) xuất khẩu chính ngạch trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn đang diễn biến phức tạp. Trước đó, DN Trung Quốc cũng đã ký kết hợp đồng lên đến 2.000 tấn xuất khẩu trong cả năm 2023. Việc Trung Quốc tăng cường nhập khẩu đã giúp cho giá tôm hùm thu mua trong nước dần hồi phục”. Hiện nay 90% sản lượng tôm hùm VN được thị trường Trung Quốc tiêu thụ, chính vì vậy giá bán cũng như đầu ra đều phụ thuộc vào thị trường tỉ dân này.
Thị trường Trung Quốc có tác động lớn đến giá cả và sản lượng nhiều mặt hàng nông sản của VN cũng như nhiều nước trong khu vực. Từ mặt hàng sản lượng lớn như cà phê, hồ tiêu, gạo, thủy sản… đến những loại nông sản đặc thù như trái cau, lông vịt… cũng đều được Trung Quốc thu mua. “Bếp ăn” của thế giới này giúp nhiều mặt hàng nông sản của VN gia tăng giá trị cũng như khối lượng xuất khẩu.
Ông Bạch Khánh Nhựt, Phó chủ tịch Hiệp hội Điều VN (Vinacas), nhớ lại: “Trước đây thị trường Trung Quốc khá dễ tính, họ tiêu thụ hơn 40% hạt điều vỡ, hạt lép, xấu, và gần như không đòi hỏi một tiêu chuẩn kiểm định nào. Từ vài năm gần đây, hàng rào tiêu chuẩn của Trung Quốc ngày càng khắt khe, các DN VN muốn xuất khẩu sang thị trường này phải đáp ứng được các điều kiện. Tuy nhiên, cũng chính vì vậy mà mặt hàng điều chất lượng cao mới thâm nhập được Trung Quốc, kim ngạch cũng tăng dần lên. Hiện nay thị phần xuất khẩu hạt điều lớn nhất của VN vẫn thuộc về Mỹ, nhưng Trung Quốc đã nhanh chóng vượt lên giành lấy vị trí thứ hai của châu Âu, và không còn kém Mỹ bao nhiêu”.
Trung Quốc là thị trường tiêu thụ trái cây lớn nhất của VN từ trước đến nay, tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu đều phụ thuộc thị trường này.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả VN
Tại cửa khẩu các tỉnh biên giới phía bắc, mỗi ngày đều có hàng trăm xe container, xe đông lạnh vận chuyển trái cây, nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc. Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả VN, nhận định: “Trung Quốc là thị trường tiêu thụ trái cây lớn nhất của VN từ trước đến nay, tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu đều phụ thuộc thị trường này. Đơn cử như năm nay Trung Quốc siết chặt biện pháp phòng ngừa dịch Covid 19, kim ngạch xuất khẩu trái cây lập tức sụt giảm. Dù nỗ lực mở rộng thị trường sang các khu vực khác như Trung Đông, Úc hay châu Âu, nhưng thực tế không bù đắp, thay thế nổi thị trường Trung Quốc”.
Câu chuyện tăng giá, rớt giá của các mặt hàng thanh long, chuối, xoài, dưa hấu… hầu hết đều phụ thuộc vào tình hình tiêu thụ của Trung Quốc. Thậm chí như thịt heo, mặt hàng chưa được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, vẫn đang trông chờ biện pháp nới lỏng cửa khẩu mậu biên để giúp người chăn nuôi thoát cảnh thua lỗ vì giá thấp. Có thể thấy mối quan hệ giữa nông sản của VN và “bếp ăn” Trung Quốc đang ngày càng trở nên gắn bó mật thiết.
Tiềm năng to lớn
Từ đầu thập niên 2000, ông Đặng Lê Nguyên Vũ, nhà sáng lập thương hiệu cà phê Trung Nguyên, đã nhìn thấy tiềm năng to lớn của thị trường Trung Quốc: “Chỉ cần mỗi ngày 1 người dân Trung Quốc bỏ ra 1 USD để mua cà phê thôi, thu nhập của chúng ta là rất lớn, lên đến hàng tỉ USD”. Trung Nguyên Legend đã phát triển mạng lưới nhà phân phối, đối tác tại Trung Quốc và đẩy mạnh xuất khẩu theo đường chính ngạch. Từ lâu các sản phẩm cà phê năng lượng G7 đã được bán rộng rãi trên tất cả các trang mạng bán hàng lớn của Trung Quốc như Alibaba, Taobao.com, Tmall.com, Yihaodian.com, jd.com, và trên 1.000 siêu thị tại Trung Quốc. Mới nhất, Trung Nguyên Legend đã khai trương một cửa hàng cà phê tại Thượng Hải, thành phố được mệnh danh là “thủ phủ cà phê thế giới”, vượt Tokyo (Nhật Bản) và London (Anh).
Nhưng không chỉ có cà phê, một trong những lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất phải kể đến tôm và cá tra. Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (VASEP) cho biết: Trong 9 tháng của năm 2022, xuất khẩu cá tra thu về 1,97 tỉ USD, tăng 83% so với cùng kỳ năm 2021. Trong khi các thị trường khác có xu hướng giảm vì lạm phát thì thị trường Trung Quốc trong tháng 9 vẫn đạt trị giá 49 triệu USD, tăng 190% so với cùng kỳ năm 2021. Tính chung 10 tháng, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ cá tra lớn nhất với trị giá 590 triệu USD, tăng 111% so với cùng kỳ năm ngoái.
Bà Lê Hằng, Giám đốc truyền thông VASEP, cho biết: Chuỗi nhà hàng hải sản quy mô lớn ở Trung Quốc đang có đà phát triển mạnh mẽ, chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh, giao thức ăn, lẩu, bữa ăn tập thể phát triển nhanh chóng; các dịch vụ thông minh, kỹ thuật công nghệ số được áp dụng phổ biến trong ngành dịch vụ… đã giúp nhu cầu tiêu thụ thực phẩm và thủy sản ngày càng cao. Dự kiến Trung Quốc sẽ tiêu thụ khoảng 36% tổng sản lượng thủy sản toàn cầu vào năm 2028, mức tiêu thụ bình quân đầu người đạt khoảng 44,3 kg so với 39,3 kg trong giai đoạn hiện nay. Với sự cải thiện thu nhập của người dân và sự phát triển của dịch vụ hậu cần, thị trường tiêu thụ thủy sản của Trung Quốc sẽ duy trì sự tăng trưởng trong dài hạn. Hiện nay VN là một trong những nước xuất khẩu thủy sản lớn nhất vào Trung Quốc và trong tương lai sẽ còn có tiềm năng phát triển mạnh hơn nữa với lợi thế địa lý và các rào cản thuế quan được dỡ bỏ.
Có thế mạnh về mặt hàng tôm sú, sản phẩm mà người tiêu dùng Trung Quốc rất thích, đặc biệt trong các dịp lễ hội vào cuối năm, vì mang màu sắc đỏ tươi tượng trưng cho sự sung túc, no đủ, theo ông Trần Anh Khoa, Tổng giám đốc Công ty TNHH Anh Khoa (Cà Mau), nhu cầu của khách hàng Trung Quốc rất lớn và đơn hàng của công ty cũng tăng mạnh. Tuy nhiên, khó khăn là việc thông quan vẫn mất nhiều thời gian. Ông bày tỏ hy vọng cuộc gặp giữa những nhà lãnh đạo cao cấp nhất của hai nước sẽ mở rộng thêm cơ hội giao thương và hợp tác của hai nước. Vì hiện tại tiềm năng của cả hai phía vẫn còn nhiều và chưa khai thác hết.
Mặt hàng gạo cũng đang có sự gia tăng tiêu thụ mạnh mẽ từ Trung Quốc. Nếu trước đây các DN VN chủ yếu xuất khẩu gạo sang Philippines, châu Phi, Malaysia thì gần đây Trung Quốc đã vươn lên chiếm thị phần nhập khẩu lớn thứ hai, đạt kim ngạch gần 500 triệu USD. Tương tự, với mặt hàng rau quả, ông Đặng Phúc Nguyên kỳ vọng qua chuyến thăm lần này của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, phía Trung Quốc có thể sẽ mở rộng cửa hơn với rau quả VN nói riêng và nông sản, hàng hóa VN nói chung. Ngược lại, phía bà con nông dân và DN VN cũng cần phải đẩy mạnh thực hành nông nghiệp tốt, đạt các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm để có thêm nhiều mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói, đặc biệt là đối với trái sầu riêng, để tận dụng thời cơ nâng cao quan hệ thương mại song phương. Hiện nước này đang nhập khẩu rau quả từ VN khoảng 2 – 3 tỉ USD/năm trong tổng số 15 tỉ USD nhập khẩu mặt hàng này.
Nguồn: https://thanhnien.vn/nong-san-viet-xuat-qua-trung-quoc-nhieu-nhat-post1516232.html