Việt Nam là đất nước nhiệt đới vĩ tuyến kéo dài, nắng nhiều, mưa nhiều, sinh thái đa dạng và phân vùng rõ rệt. Lợi thế nổi bật nhất là trái cây nhiệt đới phong phú như sầu riêng, chôm chôm, măng cụt, xoài, mít, ổi, thanh long,… Không phải nơi nào trên thới giới cũng sanr xuất được những loại trái cây này.
Mango:
Miền Tây có nhiều giống xoài nhưng nổi tiếng nhất là xoài cát Hòa Lộc và xoài Cát Chu, gần đây là xoài xanh Đài Loan và xoài keo.
Trước đây, xoài cho trái vào tháng 4, 5, ngày nay, xoài có thể làm cho trái quanh năm rất dễ dàng. Xoài Cát Chu, xoài xanh Đài Loan, xoài keo là những giống xoài xuất khẩu hiện nay của Việt Nam đi Trung Quốc, Mỹ và Australia.
Xoài Hòa Lộc là đệ nhất danh xoài của miền Tây, nổi tiếng ngon, ngọt từ trước ngày giải phóng. Giống xoài này đoạt giải nhất Hội thi cây xoài giống tốt do Trung tâm Cây ăn quả Long Định tổ chức tháng 4/1996, được trồng phổ biến ở xã Hòa Lộc, huyện Cái Bè, Tiền Giang. Chúng tôi cho rằng giống này sẽ tiếp tục giữ danh hiệu xoài hạng nhất của Việt Nam trong vòng 20 năm nữa vì chưa có giống xoài nào có thể soán ngôi vương của nó.
Trong hội thảo quốc tế xác định loại trái cây nào là siêu trái cây – superfruit trên thế giới do TFNet và Viện Cây ăn quả Miền Nam tổ chức năm 2013 tại TP. HCM, tất cả các nhà khoa học quốc tế tham dự đều đồng thanh nói xoài Hòa Lộc là trái cây thượng hạng – premium quality fruit – sau khi được nếm thử. Do vậy, giá bán của nó lúc nào cũng gấp đôi, gấp ba so với xoài Cát Chu.
Trong khi đó, xoài Cát Chu, do có giá cả phải chăng nên là giống xoài xuất khẩu qua Nhật, Mỹ và Australia hiện nay. Năng suất của xoài Cát Chu cũng cao hơn xoài cát Hòa Lộc do dễ đậu trái hơn và được trồng tập trung ở huyện Cao Lãnh, Đồng Tháp.
Gần đây, có 2 giống xoài mới du nhập nhưng được bà con trồng mới rất nhiều vì khả năng cho năng suất cao của chúng. Riêng giống xoài xanh Đài Loan được trồng ra tận miền Bắc, cụ thể là ở Sơn La.
Xoài keo thì có nguồn gốc từ Campuchia, gần đây được nhà vườn ở ĐBSCL trồng nhiều do đặc tính dễ trồng, năng suất cao, ăn xanh cũng khá ngon và có hình dáng đẹp, tương tự xoài cát Hòa Lộc.
LONGAN
Miền Tây phổ biến có nhãn Edor, nhãn tiêu Huế, miền Đông có nhãn xuồng cơm vàng. Trước đây, nhãn ở miền Nam cho trái vào tháng 6, 7, ngày nay, nhà vườn có thể làm trái quanh năm, nhất là với giống nhãn Edor.
Nhãn Edor có nguồn gốc từ Thái Lan được trồng nhiều ở huyện Châu Thành, Đồng Tháp, có thể cho trái quanh năm, năng suất cao, cơm giòn, dày và ngon. Giống này có triển vọng vì chống chịu tốt với bệnh chổi rồng hơn so với nhãn tiêu Huế, tiêu da bò. Đây là giống nhãn xuất khẩu trước mắt và lâu dài của miền Nam đi thị trường Trung Quốc, Mỹ.
Nhãn xuồng cơm vàng có nguồn gốc từ tuyển chọn tự nhiên trong nước, đạt giải nhất Hội thi Nhãn giống tốt năm 1997. Loại nhãn này được trồng nhiều ở Bà Rịa – Vũng Tàu, đây là giống rất ngon, trái to, dày cơm, nhưng chỉ phù hợp trên đất cát miền Đông.
Khi đem về trồng trên đất sét miền Tây thì không phù hợp, cho năng suất thấp dù chống chịu tốt nhất với bệnh chổi rồng. Đối với đất cát ở miền Đông, nên phát triển giống này để có trái ngon cho nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
DURIAN
Sầu riêng được trồng ở ĐBSCL, Đông Nam Bộ và Tây Nguyên. Trước đây, sầu riêng miền Tây chín vào tháng 5, 6, ở miền Đông chín muộn hơn vào khoảng từ tháng 5-7 còn ở Tây Nguyên thì muộn hơn nữa, từ tháng 8-10. Ngày nay, nhờ kỹ thuật xử lý ra hoa rải vụ, sầu riêng miền Tây cho trái quanh năm, đem lại lợi nhuận rất cao cho nhà vườn mà không loại trái cây nào khác qua mặt được, doanh thu có thể lên đến cả tỷ đồng mỗi hecta.
Hiện nay, các nhà vườn ở Chợ Lách đã du nhập các giống sầu riêng ngon nhất từ Malaysia như Musan King và giống Gai đen. Chúng tôi tin rằng trong 4, 5 năm tới đây trái Musang King sẽ chiếm đa số trên thị trường nội địa và xuất khẩu đi Trung Quốc vì các nhà vườn đang trồng rất nhiều. Hiện nay, có 4 giống sầu riêng đang trồng phổ biến ở miền Nam.
RAMBUTAN
Chôm chôm được trồng nhiều ở đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ, có 3 giống phổ biến là chôm chôm nhãn hay còn gọi là chôm chôm đường, chôm chôm Java và chôm chôm Rong-riêng.
Hiện nay tất cả các giống chôm chôm đều có thể cho trái quanh năm, nhờ vậy Việt Nam có thể cạnh tranh xuất khẩu với chôm chôm Thái Lan vào Mỹ và Trung Quốc.
CHÔM CHÔ NHÃN
Có nguồn gốc địa phương được trồng phổ biến ở đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ có đặc điểm ngọt nên còn được gọi là chôm chôm đường, đặc điểm dễ nhận ra là có râu ngắn.
CHÔM CHÔM RONG -RIÊNG
Được du nhập từ Thái Lan, hiện trồng phổ biến ở đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ có đặc điểm là râu rất dài nên ít bị sâu đục trái tấn công hơn chôm chôm nhãn. Quả chôm chôm này ăn rất ngọt, thịt giòn nên bán giá cao hơn chôm chôm nhãn một chút.
CHÔM CHÔM JAVA
Hiện bị thoái hóa nhiều nên thịt quả không tróc hoàn toàn khỏi hạt. Ngoài ra, chất lượng trái không đồng đều nên diện tích ngày càng ít đi và được thay thế bằng chôm chôm Rong – riêng. Chôm chôm Java có giá bán rẻ hơn một nửa so với hai giống còn lại.
MĂNG CỤT
Cây này được trồng phổ biến ở Chợ Lách (Bến Tre), Cầu Kè (Trà Vinh), Hóc Môn (TP Hồ Chí Minh), Long Khánh (Đồng Nai) và ở Thủ Dầu Một (Bình Dương).
Đây là loại trái cây xuất khẩu quan trọng của Thái Lan nhưng ở Việt Nam không còn nhiều do trồng lâu thu hoạch lại có hiện tượng năm được năm mất nên nhà vườn thay thế bằng các loại cây khác.
Măng cụt là đặc sản trong số các loại trái cây nhiệt đới, ăn rất ngon và triển vọng xuất khẩu rất lớn nhưng ở miền Tây không còn nhiều diện tích. Trong tương lai có thể quan tâm khuyến khích trồng để xuất khẩu.