Xuất khẩu nông sản năm 2024: Tiếp tục là điểm sáng

Kinhtedothi – Năm 2024, ngành nông nghiệp đặt mục tiêu đưa tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành đạt 3 – 3,5%, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 54 – 55 tỷ USD.

Dự báo bức tranh xuất khẩu nông sản năm 2024 tiếp tục có nhiều điểm sáng, song để đạt mục tiêu trên đòi hỏi ngành nông nghiệp linh hoạt thực hiện các giải pháp ứng phó với chính sách của đối tác nhập khẩu, cũng như hỗ trợ DN ký kết đơn hàng mới.

Nông sản chủ lực sẽ tăng trưởng mạnh mẽ

Các chuyên gia, nhà quản lý dự báo hàng hóa nông sản, đặc biệt là nhóm hàng rau quả, lúa gạo tiếp tục khởi sắc trong năm 2024 nhờ nhiều yếu tố thuận lợi. Đó là đơn hàng về nhiều, nhu cầu nhập khẩu của thế giới vẫn tăng và Việt Nam đã ghi điểm là nhà cung ứng hàng xuất khẩu nông sản ngày càng chất lượng, đáp ứng tốt yêu cầu từ các thị trường khó tính.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam Đỗ Hà Nam nhận định, xuất khẩu gạo tiếp tục là điểm sáng trong năm 2024 khi nhu cầu lương thực, trong đó có gạo trên thế giới vẫn ở mức cao. Do ảnh hưởng của El Nino, năng suất lúa gạo có thể giảm.

Bên cạnh đó, Ấn Độ có thể vẫn duy trì lệnh cấm xuất khẩu gạo trong thời gian tới khiến cán cân cung – cầu có thể lệch trong năm 2024. Trong khi đó có nhiều nước, đặc biệt là Philippines và Indonesia tiếp tục tăng nhu cầu nhập khẩu gạo sẽ là điều kiện có lợi cho các DN xuất khẩu gạo Việt Nam.

Ông Đỗ Hà Nam cũng kỳ vọng, năm 2024, với sự chỉ đạo của Bộ NN&PTNT cùng vào cuộc với chính quyền các địa phương thì việc thực hiện đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao và giảm phát thải thấp sẽ hoàn thành. Tuy nhiên, cần có những giải pháp để DN và nông dân tiếp cận. Đặc biệt là nông dân phải sản xuất lúa giảm phát thải thấp để nâng cao chất lượng, nâng cao giá trị hạt gạo.

Thông tin về tiềm năng xuất khẩu mặt hàng rau, quả, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cũng cho hay, hiện nay diện tích sầu riêng 112.000ha với khoảng 400.000 tấn nhưng mới chỉ thu hoạch ở diện tích hơn 60.000ha, phần còn lại năm 2024 sẽ cho thu hoạch.

Chế biến trái cây xuất khẩu tại Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao – Chi nhánh Gia Lai.

“Nếu thời gian tới ký kết được Nghị định thư xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sang Trung Quốc, giá trị sầu riêng sẽ tăng lên. Ngoài ra, nếu các giải pháp về hạ tầng được giải quyết như: cửa khẩu thông minh, đường sắt, đường bộ kết nối; thống nhất kiểm dịch; khắc phục thủ tục hành chính và mã đóng gói thì sản lượng rau, quả còn nhiều tiềm năng, lợi thế để tăng trưởng trong năm 2024” – Thứ trưởng Phùng Đức Tiến phân tích.

Còn theo Chủ tịch Hiệp hội Rau, Quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên, năm 2024, xuất khẩu rau, quả Việt Nam sẽ khởi sắc nhờ các mặt hàng chủ lực: sầu riêng, thanh long, chuối, mít, xoài. Đặc biệt, nếu có thêm sầu riêng đông lạnh, dừa tươi nữa thì xuất khẩu rau quả sẽ lập kỷ lục mới, ít nhất đạt 6 tỷ USD, kỳ vọng có thể đạt 6,5 tỷ USD.

Tổng Thư ký Hiệp hội Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) Trương Đình Hòe bày tỏ hy vọng thủy sản sẽ vượt lên để tăng tốc kim ngạch xuất khẩu trong năm 2024. Ngành thủy sản đặt mục tiêu tăng 3,7 – 4%, tức đạt khoảng 9,5 tỷ USD trong năm 2024. Con số này đặt ra trong bối cảnh nhu cầu nhập khẩu chưa có dấu hiệu hồi phục và sự cạnh tranh mạnh mẽ của các thị trường. Do đó, để đưa mặt hàng thủy sản Việt Nam tiến sâu vào các thị trường khó tính, các DN cần chú trọng xây dựng chuỗi liên kết từ khai thác, chế biến đến xuất khẩu và phải tuân thủ các điều kiện mà thị trường đó đưa ra.

Xây dựng chuỗi sản xuất, bám sát yêu cầu thị trường nhập khẩu

Năm 2024 dự báo nền kinh tế tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, như: giá vật tư nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản vẫn ở mức cao, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi tiềm ẩn nguy cơ bùng phát; mưa lũ diễn biến bất thường, nắng nóng gay gắt hơn, nguy cơ hạn hán, thiếu nước nặng nề do tác động của El Nino…

Trong khi đó, ngành nông nghiệp đặt mục tiêu đưa tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành đạt 3,0 – 3,5%, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 54 – 55 tỷ USD vào năm 2024. Để đạt được mục tiêu này, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, ngành nông nghiệp chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, từ phát triển đơn ngành sang hợp tác, phát triển đa ngành; thúc đẩy tích hợp đa giá trị trong sản phẩm nông lâm thủy sản; chuyển từ chuỗi cung ứng nông sản sang phát triển chuỗi các ngành hàng.

Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp sẽ tổ chức lại sản xuất theo vùng chuyên canh, gắn với chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc và xây dựng mã số vùng trồng, vùng nuôi. Đổi mới và phát triển kinh tế hợp tác, hỗ trợ hợp tác, liên kết theo chuỗi, kiểm soát dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi để bảo đảm kế hoạch sản xuất, triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống thiên tai để hạn chế ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp…

Riêng đối với mặt hàng thủy sản, đồ gỗ, Bộ NN&PTNT bám sát triển khai quy hoạch ngành quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (về lâm nghiệp, bảo vệ nguồn lợi thủy sản và cảng cá). Trong đó, tập trung xây dựng các hình thức tổ chức và liên kết sản xuất, liên kết theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao để giảm chi phí trung gian, nâng cao giá trị gia tăng, gỡ được “thẻ vàng” IUU cũng như giải quyết những điểm nóng về phá rừng, vận chuyển, tàng trữ lâm sản trái phép.

Nhận định rõ tình hình thực tế, Bộ NN&PTNT tiếp tục phối hợp với Bộ Công Thương đàm phán tháo gỡ rào cản kỹ thuật, rào cản thương mại và mở cửa thị trường xuất khẩu; hỗ trợ các địa phương kết nối, thúc đẩy chế biến, tiêu thụ nông sản vào vụ thu hoạch. Đặc biệt, Bộ NN&PTNT sẽ kiến nghị Chính phủ tiếp tục hỗ trợ các DN sản xuất, xuất khẩu nông sản tiếp cận nguồn vốn ưu đãi.

Đưa ra các giải pháp lâu dài, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải khuyến cáo: để bảo đảm sự phát triển bền vững, thiết lập thị trường nhập khẩu ổn định, các DN cần chủ động xây dựng chuỗi liên kết, thường xuyên cập nhật tiêu chuẩn từ thị trường nhập khẩu để có đối sách trong xây dựng nguồn nguyên liệu cũng như chế biến, đóng gói xuất khẩu.

Về phía Bộ Công Thương, tiếp tục làm tốt dự báo cung cầu, thông tin về tình hình thị trường, kết nối giữa người sản xuất với tiêu dùng, tranh thủ lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do, nhất là EVFTA, CPTPP để cơ cấu lại thị trường xuất khẩu, giảm sự phụ thuộc vào một số thị trường, tháo gỡ rào cản để thâm nhập thị trường mới; đồng thời coi trọng xây dựng thương hiệu nông sản Việt.

Nguồn: https://kinhtedothi.vn/tiep-tuc-la-diem-sang.html