(PLO)- Việt Nam tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc tại ASEAN và là đối tác thương mại toàn cầu lớn thứ 5 của Trung Quốc.
Nhận lời mời của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Đối ngoại Trung ương, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, Chủ tịch Ủy ban Chỉ đạo hợp tác song phương phía Trung Quốc Vương Nghị; Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao, Chủ tịch Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương phía Việt Nam Bùi Thanh Sơn sẽ thăm Trung Quốc và đồng chủ trì phiên họp lần thứ 16 Ủy ban Chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam – Trung Quốc từ ngày 8 đến 11-12.
Hợp tác ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất
Trả lời phỏng vấn trước thềm chuyến thăm, Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Phạm Sao Mai cho biết chuyến thăm của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn diễn ra vào thời điểm ngay sau các chuyến thăm liên tiếp của lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước, cả Việt Nam và Trung Quốc đang cùng hướng tới kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (18-1-1950 – 18-1-2025), có ý nghĩa rất quan trọng. Chuyến thăm tiếp tục thúc đẩy thực hiện hiệu quả nhận thức chung cấp cao, tăng cường hơn nữa tin cậy chính trị, đưa quan hệ hữu nghị và hợp tác cùng có lợi Việt Nam – Trung Quốc ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất.
Đại sứ cho biết thêm tại Phiên họp lần thứ 16 Ủy ban Chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam – Trung Quốc, trên cơ sở định hướng “6 hơn” đã được lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước nhất trí nhằm thúc đẩy quan hệ song phương, hai bên sẽ cùng nhau đánh giá tổng thể hợp tác hai nước kể từ khi Phiên họp lần thứ 15 (ngày 1 đến ngày 2-12-2023) đến nay.
Hai bên thảo luận các phương hướng lớn và biện pháp cụ thể để nâng cao chất lượng hợp tác cũng như cùng nhau tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tiếp tục thúc đẩy hợp tác thiết thực trên tất cả các lĩnh vực, nhất là về kinh tế – thương mại, đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng, văn hóa, giáo dục, du lịch, giao lưu Nhân dân…
Về kết quả hợp tác kinh tế – thương mại giữa hai nước, Đại sứ Phạm Sao Mai khẳng định hai bên đã duy trì đà phát triển mạnh mẽ, giữ đà tăng trưởng ổn định, bền vững, ngày càng đi vào chiều sâu.
Việt Nam tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN và là đối tác thương mại toàn cầu lớn thứ 5 của Trung Quốc. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất, thị trường nhập khẩu lớn nhất và thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam.
Đại sứ Phạm Sao Mai cho biết trong tổng thể thành quả hợp tác đó, tình hình xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc luôn là một điểm sáng nổi bật.
Trong 10 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc đạt gần 10 tỉ USD, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm 2023.
Đại sứ Phạm Sao Mai nhận định tiềm năng hợp tác trong lĩnh vực nông sản giữa hai bên vẫn còn rất lớn, do lợi thế chung đường biên giới, nhu cầu tiêu thụ nông sản của thị trường Trung Quốc rất lớn, khả năng cung ứng nông sản chất lượng cao của Việt Nam dồi dào. Hai nước cũng ký kết nhiều Hiệp định thương mại song phương và đều là thành viên của các Hiệp định thương mại đa phương.
Hướng tới 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao
Hướng tới kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Trung Quốc (18-1-1950 – 18-1-2025) và “Năm giao lưu nhân văn Việt Nam – Trung Quốc” vào năm tới, Đại sứ Phạm Sao Mai đánh giá trong 75 năm qua, tình hữu nghị do các thế hệ lãnh đạo hai Đảng, hai nước và Nhân dân hai nước dày công vun đắp đã trở thành tài sản chung quý báu của hai dân tộc, góp phần duy trì xu thế phát triển ổn định quan hệ hữu nghị truyền thống Việt – Trung, mang lại lợi ích thiết thực cho Nhân dân hai nước.
Ông nhấn mạnh việc lãnh đạo cao nhất hai Đảng, hai nước quyết định lấy năm 2025 là “Năm giao lưu nhân văn Việt Nam – Trung Quốc” là một minh chứng cho thấy giao lưu nhân văn là một trong những phương hướng cơ bản, quan trọng nhất trong tổng thể quan hệ Việt Nam – Trung Quốc.
Đại sứ Phạm Sao Mai cho biết hiện các cơ quan liên quan của hai bên đang phối hợp chặt chẽ để tổ chức các hoạt động kỷ niệm, giao lưu nhân dân, văn hóa, nghệ thuật có ý nghĩa.
Cộng đồng người Việt Nam tại Trung Quốc hết sức mong chờ và sẵn sàng đóng góp công sức, tích cực tham gia vào các hoạt động quảng bá đất nước Việt Nam tươi đẹp, nền văn hóa đặc sắc và phẩm chất con người nồng hậu tới đất nước và Nhân dân Trung Quốc, góp phần gia tăng hiểu biết giữa người dân hai nước, đặc biệt là thế hệ trẻ, cùng nhau củng cố vững chắc hơn nữa nền tảng xã hội cho quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện, xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam – Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược.
Việt Nam đã có 14 mặt hàng nông sản xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, gồm sầu riêng, tổ yến, khoai lang, thanh long, nhãn, chôm chôm, xoài, mít, dưa hấu, chuối, thạch đen, măng cụt, vải và chanh dây.
Trong đó, một số sản phẩm như sầu riêng, thanh long… của Việt Nam rất được người tiêu dùng Trung Quốc ưa chuộng, lượng nhập khẩu mặt hàng này từ Việt Nam chiếm khoảng 1/5 tổng lượng nông sản nhập khẩu từ ASEAN.
Đặc biệt, nhân chuyến thăm cấp nhà nước tới Trung Quốc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm vào tháng 8-2024, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam và Tổng Cục Hải quan Trung Quốc đã ký 3 nghị định thư, góp phần chính thức mở đường cho việc xuất khẩu dừa tươi, sầu riêng đông lạnh và cá sấu từ Việt Nam sang thị trường Trung Quốc.
Việc hai nước ký kết các Nghị định thư cho phép xuất khẩu chính ngạch nông sản đã tạo sức bật cho nhiều loại nông sản của Việt Nam tại thị trường Trung Quốc.