Khơi thông biên giới Trung Quốc, nông sản Việt kỳ vọng gia tăng xuất khẩu

(TBTCO) – Theo nhận định của các chuyên gia và cơ quan chuyên môn, ngày 8/1/2023, Trung Quốc mở cửa biên giới trở lại sẽ tạo điều kiện cho nông sản Việt Nam gia tăng xuất khẩu. Tuy nhiên, các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản cần tiếp tục linh hoạt, chủ động tiếp cận thị trường để tận dụng cơ hội này.

Xuất khẩu thủy sản, rau quả dự báo gia tăng mạnh mẽ

Nhiều ý kiến cho rằng, việc khơi thông biên giới Việt Nam – Trung Quốc dịp sát Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, khi nhu cầu từ thị trường này ở mức cao nhất sẽ giúp xuất khẩu (XK) nông, lâm, thủy sản của Việt Nam sang thị trường này được hưởng lợi trong thời gian tới. Trong đó, XK rau quả của Việt Nam được dự đoán sẽ là ngành hàng đón nhận nhiều cơ hội hưởng lợi, nhất là với các mặt hàng dự báo tăng trưởng mạnh là thanh long và sầu riêng.

Theo ông Đặng Phúc Nguyên – Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, dự báo năm 2023 là năm bùng nổ XK rau quả, tăng trưởng ít nhất 20% so với năm 2022, cán mốc 4 tỷ USD. Trong đó, nhu cầu nhập khẩu sầu riêng từ Trung Quốc trong mấy tháng qua đang tăng đột biến, giúp mặt hàng này có cơ hội trở thành mặt hàng XK tỷ USD của Việt Nam trong 2023.

Thị trường Trung Quốc chiếm khoảng 17% kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam.

Theo thống kê, mỗi năm Trung Quốc chi ra 15 tỷ USD nhập khẩu các mặt hàng rau quả và việc mở cửa cho hàng loạt trái cây của Việt Nam XK sang Trung Quốc trong năm 2022 là động lực thúc đẩy tăng trưởng cho năm 2023. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cũng đang chuẩn bị tổ chức đoàn giao thương quảng bá chuỗi cung ứng trái cây, thủy sản tại Trung Quốc. Đồng thời, bộ tiếp tục đàm phán XK chính ngạch sang Trung Quốc các mặt hàng tiềm năng như bưởi, na, dừa, chanh ta… nhằm gia tăng giá trị XK nông sản sang thị trường này.

Đối với mặt hàng thủy sản, ông Lê Bá Anh – Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ NN&PTNT), khẳng định năm 2023, khi Trung Quốc mở cửa biên giới, các nhà hàng phía bạn sẽ mở cửa, khi đó, sức tiêu thụ các mặt hàng thủy sản sống và cao cấp sẽ tăng mạnh mẽ như cua, tôm hùm, tôm thẻ và tôm sú. Còn ông Trương Đình Hòe – Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và XK Thủy sản Việt Nam (Vasep) cho hay, trong tháng 12/2022, XK sang hầu hết các thị trường đều sụt giảm song thị trường Trung Quốc vẫn tăng 17%, mở ra tín hiệu lạc quan trong thời gian tới khi các biện pháp phòng chống dịch được gỡ bỏ. Khi Trung Quốc mở cửa biên giới, dự báo đơn hàng XK sang thị trường này sẽ “bùng nổ” như các thị trường Liên minh châu Âu, Mỹ khi mở cửa trở lại sau dịch Covid-19 vào các năm 2020, 2021.

Tận dụng tiềm năng, nắm bắt thị trường

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, kế hoạch năm 2023, ngành Nông nghiệp phối hợp cùng phía Trung Quốc tiếp tục ký kết nghị định thư nhằm tăng cường XK nông sản chính ngạch sang thị trường này.

“Thị trường Trung Quốc chiếm khoảng 17% kim ngạch XK nông, lâm, thủy sản của Việt Nam. Tôi tin tưởng rằng XK nông sản sang Trung Quốc sẽ tăng ở mức cao hơn trong năm 2023. Tuy nhiên, chúng ta phải chủ động và có các giải pháp, kiểm soát về mã số vùng trồng, cơ sở chế biến, có chuỗi thông tin về an toàn thực phẩm đáp ứng được yêu cầu của thị trường Trung Quốc” – ông Tiến khuyến cáo.

Có thể thấy, Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội đẩy mạnh XK nông sản sang thị trường 1,4 tỷ dân. Tuy nhiên, cơ hội luôn song hành cùng thách thức, nên cùng với việc mở cửa biên giới, các hàng rào kỹ thuật sẽ được dựng lên và kiểm soát chặt chẽ đối với các mặt hàng nông sản khi thông quan. Để tận dụng tốt nhất các cơ hội, ngành Nông nghiệp đã và đang tiếp tục tập trung hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp, cơ quan liên quan bảo đảm các yêu cầu mới đối với doanh nghiệp nhập khẩu và sản phẩm nông sản, thực phẩm nhập khẩu vào thị trường Trung Quốc.

Khẳng định Trung Quốc sẽ là thị trường tiềm năng cho doanh nghiệp thủy sản khi mở cửa biên giới trở lại, phía Vasep đề nghị các doanh nghiệp cần tận dụng tốt cơ hội này. Tuy nhiên, Vasep cũng khuyến cáo, thị trường Trung Quốc không còn dễ tính mà sẽ là thị trường khó tính và ngày càng khó hơn nữa. Họ sẽ có những quy định và thậm chí thay đổi rất bất ngờ đối với doanh nghiệp thuỷ sản Việt Nam.

Vì vậy, doanh nghiệp thủy sản Việt Nam sẽ phải có những thay đổi về quan điểm, tâm thế, tiếp cận sâu hơn vào thị trường Trung Quốc, chi tiết hơn tới từng phân khúc của các thị trường địa phương. Đồng thời, các doanh nghiệp thủy sản sẽ phải tăng chế biến sâu và chế biến sản phẩm cho các nước khác, hướng tới đưa Việt Nam trở thành trung tâm chế biến thủy sản của thế giới.

Ở góc độ doanh nghiệp XK, ông Nguyễn Khắc Tiến – Chủ tịch HĐTQ Công ty CP Ameii Việt Nam cho hay, Trung Quốc không chỉ là thị trường đích của Việt Nam mà là thị trường đích của nhiều quốc gia, bởi đất nước tỷ dân, sức mua vô địch. Nhiều nghị định thư đã ký kết, đẩy mạnh XK nông sản chính ngạch, liên quan đến mã số vùng trồng và mã cơ sở đóng gói. Với sự nỗ lực, cố gắng của chính phủ hai nước, nhất là Bộ NN&PTNT đã đàm phán mà trong đó mã số vùng trồng, mã cơ sở đóng gói là điều kiện tiên quyết. Nông dân cùng với các hợp tác xã, doanh nghiệp cần nhận thức mã số vùng trồng, mã cơ sở đóng gói là tài sản của mình và phải phát huy hiệu quả những tài sản đó.

Nguồn: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/khoi-thong-bien-gioi-trung-quoc-nong-san-viet-ky-vong-gia-tang-xuat-khau-120013-120013.html