Nông dân phá bỏ vườn thanh long

Nhiều nhà vườn ở Bình Thuận chặt bỏ thanh long do giá thu mua loại nông sản này bấp bênh, họ liên tiếp thua lỗ nặng.

Cuối tuần qua, anh Nguyễn Thế Anh, nông dân xã Hàm Thạnh (huyện Hàm Thuận Nam), thuê xe cơ giới cùng hai nhân công bắt đầu nhổ bỏ hơn 3.000 gốc thanh long. Dây thanh long trên các trụ trong vườn đang xanh mướt, nhưng chủ vườn đành phá bỏ và nhổ trụ lên, vì không đủ khả năng đầu tư tiếp.

Nhân công và xe đang nhổ trụ, phá bỏ vườn thanh long của anh Nguyễn Thế Kha, xã Hàm Thạnh (huyện Hàm Thuận Nam). Ảnh: Việt Quốc

Nhân công và xe nhổ trụ, phá bỏ thanh long trong vườn của anh Nguyễn Thế Anh, xã Hàm Thạnh (huyện Hàm Thuận Nam). Ảnh: Việt Quốc

Anh cho biết, ba lứa chong đèn liên tiếp vừa qua của gia đình, lứa nào cũng bị rớt giá thê thảm, chỉ bán được vài nghìn đồng một kg. Tiền bán thanh long không đủ trả tiền điện chong đèn, tiền phân thuốc và công chăm sóc. Mỗi lứa đầu tư lỗ đến mấy chục triệu đồng.

“Với tình hình như hiện nay, tiếp tục làm sẽ tiếp tục lỗ, nên tôi quyết định chặt bỏ thanh long chuyển qua trồng mít và mãng cầu, không còn chọn lựa nào khác”, anh Thế Anh cho hay.

Ông Trần Phi Dũng, chủ chiếc xe nhổ trụ tại vườn anh Kha, cho biết không những anh Kha, mà nhiều nông dân trong vùng cũng đã nhổ bỏ thanh long do giá cả bấp bênh. “Khoảng 20 ngày trở lại đây, rất nhiều vườn ở khu vực Hàm Thạnh – Hàm Cần thuê xe nhà tôi đi nhổ trụ”, ông Dũng nói.

Theo ông Dũng, ở xã Hàm Thạnh có 10 xe chuyên nhổ trụ thanh long, riêng nhà ông có hai chiếc. Trung bình mỗi ngày một xe nhổ được khoảng 250 trụ. Giá thuê nhổ 20.000 đồng mỗi trụ bỏ tại chỗ, nếu dọn sạch thanh long trong vườn mỗi trụ 30.000 đồng.

“Cây thanh long đầu tư chi phí rất lớn, nay nhổ bỏ, nông dân phải mất thêm khoản chi phí nữa”, ông Dũng nói và cho biết nhiều chủ vườn ở đây muốn phá bỏ, nhưng không có tiền thuê xe, đành cho thanh long teo tóp, chết héo.

Ông Phạm Kim Luân, nông dân xã Thuận Minh (huyện Hàm Thuận Bắc) đã chặt bỏ hơn 1.500 trụ thanh long trong vườn, hôm 19/3. Ảnh: Việt Quốc

Ông Phạm Kim Lâm, nông dân xã Thuận Minh (huyện Hàm Thuận Bắc), chặt bỏ hơn 1.500 trụ thanh long trong vườn, hôm 18/3. Ảnh: Việt Quốc

Tuần rồi, ông Phạm Kim Lâm, 61 tuổi, ở xã Thuận Minh (huyện Hàm Thuận Bắc) cùng con trai cầm rựa phát bỏ hơn 1.500 trụ thanh long đang tuổi trưởng thành trong khu vườn rộng hơn 1,5 ha kề kênh thủy lợi Sông Quao.

Mười năm trước, khi thanh long có giá, ông Lâm tập trung vốn liếng đầu tư trồng vườn thanh long này. Chủ động nguồn nước thủy lợi quanh năm, vườn của ông xanh tốt cho nhiều trái.

Mấy năm đầu được giá, thanh long là nguồn thu chính của gia đình. Nhưng năm ngoái, thanh long rớt giá liên tục, bị thua lỗ nặng, ông quyết định ngừng đầu tư. Ông chỉ bơm nước vừa phải giữ độ ẩm và bón ít phân để duy trì vườn với hy vọng giá tăng trở lại sẽ tập trung đầu tư sản xuất, chong đèn trở lại.

Nhưng từ đầu năm đến nay, giá thanh long lao dốc do Trung Quốc ngừng nhận hàng ở các cửa khẩu biên giới Việt – Trung. Nhiều vườn thanh long chín trong vùng không có người đến mua hoặc mua giá rẻ mạt 1.000-2.000 đồng một kg.

Thấy tình hình quá ảm đạm, ông Lâm quyết định phá hết thanh long trong vườn. Chặt xong dây, ông thuê xe nhổ trụ, dọn sạch vườn, để mùa mưa tới trồng cây hoa màu như: bắp, đậu… hoặc chỗ trũng sẽ xới lại đất làm lúa.

Ông Lâm hay, một ha thanh long mỗi lứa tốn khoảng vài chục triệu đồng chi phí đầu tư (tiền điện chong đèn, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích sinh trưởng) và công chăm sóc. Tuy nhiên, giá chỉ 1.000-2.000 đồng, thậm chí không ai mua, thì chủ vườn càng làm càng đổ nợ thêm.

“Chẳng thà ngưng làm ngay bây giờ, chứ cố đi vay ngân hàng về đầu tư, thì càng làm càng chết”, ông Lâm nói và cho biết ở thời điểm hiện tại chỉ những gia đình có của ăn của để mới có khả năng giữ lại vườn, canh tác tiếp.

Một vườn thanh long chín ở huyện Hàm Thuận Nam (Bình Thuận) không có ai đến mua, hồi cuối năm 2021. Ảnh: Việt Quốc

Một vườn thanh long chín ở huyện Hàm Thuận Nam không ai đến mua. Ảnh: Việt Quốc

Tính đến cuối năm 2021, Bình Thuận có hơn 33.700 ha thanh long, sản lượng 700.000 tấn/năm, mặc dù đã xuất đi được nhiều nước, nhưng còn vẫn phụ thuộc chủ yếu vào thị trường Trung Quốc theo đường biên giới.

Giá thanh long liên tục rớt trong thời gian qua khiến nhiều nhà vườn thua lỗ, dẫn đến ngừng sản xuất hoặc phá vườn chuyển qua trồng loại cây khác. Hiện, ngành nông nghiệp Bình Thuận vẫn chưa có số liệu thống kê đầy đủ về thực trạng này.

Riêng tại huyện Hàm Thuận Bắc, năm 2021 địa phương này thống kê được 1.400 ha thanh long bị phá bỏ. “Trong đó, hơn 726 ha hủy bỏ, không sản xuất và gần 674 ha chuyển đổi qua sản xuất loại cây trồng khác”, ông Lê Minh Luân, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hàm Thuận Bắc cho biết.